ĐBQH THẠCH PHƯỚC BÌNH: CẦN CỤ THỂ HÓA CÁC NỘI DUNG DỰ THẢO LUẬT QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ

23/06/2023

Góp ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị cần cụ thể hóa các nội dung dự thảo Luật để đảm bảo tính khả thi.

BỘ QUỐC PHÒNG TRÌNH DỰ ÁN LUẬT QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ

Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ; cho rằng nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Tham gia thảo luận dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự tại Kỳ họp thứ 5, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh, việc ban hành Luật quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trên cơ sở nâng cấp Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994 và Luật hóa các quy định, Nghị định, Thông tư đã được kiểm nghiệm trên thực tế về việc quản lý, bảo vệ công trình có hiệu quả sẽ góp phần xây dựng tiềm lực quốc phòng cùng thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Việc xây dựng Luật đã có cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn vững chắc.

Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Thạch Phước Bình quan tâm góp ý về 03 nội dung. Thứ nhất, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, dự thảo Luật còn khá nhiều điều quy định chung chung, mang tính nguyên tắc, khó áp dụng ngay vào thực tiễn. Theo đó, một số quy định của dự thảo Luật chưa bảo đảm rõ ràng, cụ thể. Ví dụ như: quy định được bồi thường, hỗ trợ do yêu cầu quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự khi phải ngừng sản xuất, kinh doanh, thực hiện các dự án đầu tư, khai thác, xây dựng… (điểm c khoản 1 Điều 24); quy định các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, thường trú trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự Nhóm đặc biệt được hưởng “các chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ về giáo dục; y tế; lao động, việc làm; sản xuất, kinh doanh” (khoản 2 Điều 26)…

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Đại biểu cho rằng, đây là quy định quan trọng được bổ sung so với pháp luật hiện hành, cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng để bảo đảm phù hợp, khả thi. Do đó, dự thảo Luật cần giải thích rõ căn cứ lựa chọn quy định các chính sách nêu trên; cách xác định phạm vi đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ (bởi vì việc quy định “các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân bị tác động, ảnh hưởng” là rất chung chung và khó xác định).  Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn có nhiều quy định chung chung, khó xác định, như quy định về tiêu chuẩn người làm công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự tại điểm b khoản 4 Điều 19, tiêu chí "trong sạch" là rất khó xác định.

Thứ hai, về giải thích từ ngữ (Điều 2), đại biểu cho biết, tại khoản 3, 9 và 13 Điều 2 giải thích “Kho đạn dược”, “Vành đai an toàn kho đạn dược” và “Bán kính an toàn kho đạn dược”. Theo quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 7 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì; vũ khí quân dụng bao gồm… bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi, đạn sử dụng cho các loại vũ khí; vật liệu nổ là sản phẩm dưới tác động của xung kích thích ban đầu gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, tỏa nhiệt, sinh khí, phát sáng, tạo ra tiếng nổ, bao gồm: a) Thuốc nổ là hóa chất hoặc hỗn hợp chất được sản xuất, sử dụng nhằm tạo ra phản ứng nổ dưới tác động của xung kích thích; b) Phụ kiện nổ là kíp nổ, dây nổ, dây cháy chậm, mồi nổ, vật phẩm chứa thuốc nổ có tác dụng tạo xung kích thích ban đầu làm nổ khối thuốc nổ hoặc thiết bị chuyên dùng có chứa thuốc nổ). Như vậy, đạn chỉ là một loại vũ khí quân dụng cần được quản lý và bảo vệ theo một chế độ đặc biệt.

Mặt khác, tại khoản 2 và 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã quy định: 2. Kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải được bố trí, thiết kế, xây dựng đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, phòng, chống cháy, nổ, bảo đảm môi trường theo quy định; có nội quy, phương án bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy, kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và phương tiện bảo đảm an toàn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; 3. Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

Như vậy, dự thảo Luật mới chỉ giới hạn ở việc giải thích “Kho đạn dược”, “Vành đai an toàn kho đạn dược” và “Bán kính an toàn kho đạn dược”. Theo đại biểu, như vậy là chưa đầy đủ, có thể gây hiểu nhầm là “Kho đạn dược” không thuộc nội hàm của “Công trình quốc phòng” hoặc “Khu quân sự”. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung giải thích kho đạn được là kho vũ khí, vật liệu nổ quân dụng để quy định chế độ quản lý, bảo vệ đặc biệt.

Thứ ba, về xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (Điều 16), đại biểu Thạch Phước Bình cơ bản tán thành với quy định của dự thảo luật về phạm vi khu vực cấm được xác định theo ranh giới sử dụng đất, mặt nước, khoảng không của công trình quốc phòng, khu quân sự và các vùng bên ngoài…

Tuy nhiên, theo đại biểu Thạch Phước Bình thì việc quy định như dự thảo luật cần được cân nhắc kỹ, bởi dự thảo luật còn quy định chung chung, chưa cụ thể, như phần mở rộng thêm được xác định theo tiêu chí từng loại, nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự, yêu cầu quản lý, bảo vệ và vị trí, điều kiện địa hình, dân cư; khu vực bảo vệ là một khoảng cách nhất định; phạm vi vành đai an toàn là một khoảng cách nhất định; phạm vi vành đai an toàn kho đạn dược là một khoảng cách bằng bán kính an toàn; phạm vi hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống anten quân sự được xác định theo tính năng kỹ thuật của từng hệ thống anten quân sự. Việc quy định như dự thảo luật chỉ mang định tính, không rõ ràng.

Bên cạnh đó, việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết các nội dung, như phần mở rộng thêm, phạm vi vành đai an toàn, khu vực bảo vệ, phạm vi hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống anten quân sự, phạm vi vành đai an toàn kho đạn dược,… nêu trên mở rộng ra ngoài ranh giới công trình có thể chồng lấn với đất, mặt nước, khoảng không đang thuộc quyền quản lý, sử dụng của các tổ chức, cá nhân khác, có thể sẽ gây thiệt hại, làm hạn chế quyền quản lý, khai thác, sử dụng của tổ chức, cá nhân ở phần mở rộng thêm, phạm vi vành đai an toàn, khu vực bảo vệ, phạm vi hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống anten quân sự, phạm vi vành đai an toàn kho đạn dược… Theo đại biểu, như vậy là không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp 2013 là: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Từ các phân tích trên, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ giới hạn phạm vi khu vực cấm sử dụng đất, mặt nước, khoảng không của công trình quốc phòng, khu quân sự. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh phải mở rộng thêm từ ranh giới sử dụng đất, mặt nước, khoảng không của công trình quốc phòng, khu quân sự ra xung quanh, cũng như mở rộng phạm vi vành đai an toàn, khu vực bảo vệ, phạm vi hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống anten quân sự, phạm vi vành đai an toàn kho đạn dược thì cần quy định cụ thể ngay trong luật này để khi luật có hiệu lực là thi hành được ngay, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân có liên quan và phù hợp với quy định của Hiến pháp./.

Thu Phương