CẦN CÓ HƯỚNG DẪN TRONG VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG KHẢO SÁT

23/06/2023

Thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, đại biểu Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về quy trình, phương thức tổ chức thực hiện hoạt động khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố để thống nhất trong triển khai thực hiện và nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động khảo sát.

ĐẦY ĐỦ CĂN CỨ CHÍNH TRỊ, PHÁP LÝ VÀ THỰC TIỄN ĐỂ SỬA ĐỔI MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CÔNG AN NHÂN DÂN

Thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đồng tình cao với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Nghị quyết chương trình giám sát năm 2024.

Về công tác giám sát năm 2022, đại biểu nhất trí cao với những đánh giá kết quả đạt được, hạn chế và bài học kinh nghiệm trong Chương trình giám sát Quốc hội năm 2022 tại Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, công tác giám sát của Quốc hội đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm và có nhiều đổi mới như: Đã ban hành Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội và kết luận của Đảng đoàn Quốc hội về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, ban hành Nghị quyết về hướng dẫn giám sát văn bản quy phạm pháp luật cho các cơ quan của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp làm cơ sở để các cơ quan của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Một điểm mới của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đó là công tác triển khai quán triệt để thực hiện chương trình giám sát hàng năm, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã triển khai chương trình giám sát năm trực tuyến và kết nối tất cả các tỉnh do trực tiếp đồng chí Chủ tịch Quốc hội chủ trì và có sự tham gia của các đồng chí thường trực tỉnh, thành ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh và đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh. Việc này tạo ra một sự thống nhất, đồng bộ từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến việc tổ chức thực hiện từ trung ương, địa phương và đồng thời cũng tránh được sự chồng chéo về nội dung giám sát giữa Quốc hội với địa phương và đại biểu đề nghị Quốc hội tiếp tục phát huy điểm mới này trong những năm tiếp theo.

Về giám sát của Quốc hội theo Luật Giám sát, đại biểu đồng tình với nội dung giám sát tại kỳ họp thứ 7 và thứ 8 trong dự thảo nghị quyết. Tuy nhiên, đại biểu đề xuất Quốc hội đưa nội dung vào chương trình giám sát theo Luật Giám sát tại kỳ họp thứ 7 và thứ 8 nội dung giám sát việc thực hiện Nghị quyết về hoạt động chất vấn và các vấn đề đã hứa tại kỳ họp thứ 4 và thứ 5. Vì trong các kỳ họp vừa qua, hoạt động chất vấn của Quốc hội đã được thực hiện với tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch, Chính phủ và các bộ, ngành đã trả lời chất vấn đầy trách nhiệm, thẳng thắn và đưa được các giải pháp khắc phục cụ thể. Tuy nhiên, việc giám sát kết quả thực hiện các vấn đề đã hứa chưa được quan tâm kịp thời.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát lại của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch 435 ngày 16/3/2023 triển khai nội dung giám sát của Quốc hội về việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề chất vấn và Nghị quyết Quốc hội về giám sát chuyên đề chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4, trong đó đã đưa nội dung giám sát Nghị quyết 62 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3 và hoạt động giám sát tại kỳ họp thứ 6. Vì vậy, việc đưa nội dung giám sát Nghị quyết Quốc hội về hoạt động chất vấn trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn là một điều rất cần thiết và phù hợp với khoản 5 Điều 13, quy chế giám sát của Quốc hội quy định:"Tại phiên chất vấn kết hợp với việc giám sát thực hiện Nghị quyết Quốc hội về hoạt động chất vấn và đồng thời sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội".

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Siu Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho rằng về bố trí thời gian thực hiện giám sát, như việc yêu cầu phải tiến hành giám sát nhiều nội dung vào thời điểm những tháng cuối năm và đầu năm kế tiếp, áp lực cho Đoàn đại biểu Quốc hội về thời gian ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo phân bố thời gian giám sát các nội dung đảm bảo phù hợp, không tập trung quá nhiều nội dung giám sát vào thời điểm cuối năm và đầu năm kế tiếp.

Đại biểu Siu Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai 

Về công tác tổng hợp phúc đáp của các cơ quan, đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo việc tổng hợp sau giám sát chuyên đề của Đoàn đại biểu Quốc hội, chuyển các kiến nghị đến các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương xem xét giải quyết và phúc đáp đến Đoàn đại biểu Quốc hội. Nâng cao chất lượng công tác theo dõi, tổng hợp, đánh giá đối với kết quả thực hiện các kiến nghị của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội nhằm bảo đảm các kiến nghị được giải quyết triệt để, kịp thời giám sát lại vấn đề đã kiến nghị tại các cuộc giám sát trước khi xét thấy cần thiết.

Về ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện, đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về quy trình, phương thức tổ chức thực hiện hoạt động khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố để thống nhất trong triển khai thực hiện và nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động khảo sát. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo thường xuyên cung cấp tài liệu báo cáo chuyên đề trên các lĩnh vực để đại biểu Quốc hội nghiên cứu, lựa chọn nội dung giám sát.

Về lựa chọn chuyên đề giám sát, đại biểu đồng ý với ý kiến đại biểu Hoàng Minh Hiếu ở Nghệ An và đề nghị bổ sung nội dung giám sát văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương nằm trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương giai đoạn 2019 đến năm 2023. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2020 với mục tiêu tạo khuôn khổ pháp lý trong xây dựng, ban hành, hướng tới vận hành hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, từ đó tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong việc áp dụng và thực thi pháp luật.

Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội cụ thể ở địa phương là rất lớn, vì vậy cần giám sát nội dung này để xem xét, đánh giá, phát hiện kịp thời, hướng dẫn và chấn chỉnh việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

Minh Hùng