SỬA ĐỔI LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC: KHẮC PHỤC TỒN TẠI VỀ DỮ LIỆU VỀ QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

25/06/2023

Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, dữ liệu về quản lý tài nguyên nước là nền tảng cơ bản của công tác quản lý tài nguyên nước, song thông tin còn hạn chế và phân tán, vì vậy, dự thảo luật cần khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế này.

PHÁT BIỂU ẤN TƯỢNG TẠI PHIÊN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, PGS.TS Trần Thị Việt Nga, Trưởng Khoa Kỹ thuật Môi trường, Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, trong những năm qua, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở Việt Nam đã mang lại nhiều thành tựu phát triển kinh tế-xã hội to lớn, tuy nhiên lại làm gia tăng sức ép lên việc quản lý tài nguyên thiên nhiên như tài nguyên rừng, đất, biển, nguồn nước, cũng như nảy sinh rất nhiều vấn đề liên quan đến ô nhiễm nước và sức khỏe cộng đồng.

PGS.TS Trần Thị Việt Nga phản ánh, thực tế vấn đề quản lý tài nguyên nước và hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khai thác/sử dụng nước phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường đã và đang được ưu tiên đầu tư thông qua các nguồn vốn trong nước và nước ngoài. Một vấn đề đặt ra, là có nên đi theo các mô hình quản lý nước truyền thống đã được áp dụng ở nhiều nơi, hay là đi theo một cách tiếp cận mới bền vững hơn về mặt môi trường.

Theo PGS.TS Trần Thị Việt Nga, việc quản lý tài nguyên nước hiện nay này không chỉ giới hạn trong xử lý nước ô nhiễm, mà ngày càng nhận thức được tầm trọng của việc duy trì sự cân bằng của vòng tuần hoàn nước tự nhiên, khắc phục được các hậu quả do việc khai thác nước quá mức (sụt lún đất, giảm mực nước ngầm), kết hợp tận thu được năng lượng và tài nguyên từ quá trình xử lý nước thải và bùn cặn, trong khi vẫn đáp ứng được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh chịu tác động của BĐKH (Ohgaki, 2011).

Bàn về các thách thức trong việc quản lý hệ thống tài nguyên nước ở đô thị Việt Nam, PGS.TS Trần Thị Việt Nga cho biết, một trong các thách thức lớn chúng ta đang phải đối mặt là hệ thống nước mất cân bằng do gia tăng nhu cầu sử dụng nước. Tăng trưởng kinh tế, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa và áp lực gia tăng dân số làm gia tăng mạnh nhu cầu sử dụng nước ở Việt Nam.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong vòng 25 năm tới, nhu cầu sử dụng nước hàng ngày của dân cư ở các khu đô thị dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với khả năng đáp ứng của hệ thống hiện tại. Sự gia tăng nhanh chóng của nhu cầu nước được dự báo sẽ gây áp lực cho nguồn nước của 11 trong số 16 lưu vực sông tại Việt Nam vào năm 2030 (2030WRG). Bốn lưu vực sông của Việt Nam: lưu vực sông Hồng - Thái Bình, sông Cửu Long, Đồng Nai và Đông Nam Bộ vốn đóng góp 80% GDP đến năm 2030 đều phải đối mặt với căng thẳng về tài nguyên nước vào mùa khô.

Lưu vực sông Đông Nam Bộ dự kiến sẽ đối mặt với căng thẳng tài nguyên nước nghiêm trọng, dự báo không đạt được mức 28% nhu cầu dùng nước mùa khô vào năm 2030. Khai thác quá mức và thiếu quan trắc đầy đủ tài nguyên nước dưới đất làm suy giảm mực nước dưới đất, là một trong những nguyên nhân dẫn đến sụt lún đất ở Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cũng như thiếu nước cục bộ vào mùa khô, ví dụ như vùng ĐBSCL (nơi sản xuất 50% lúa gạo cho Việt Nam) và ở vùng Tây Nguyên (nơi có 88% diện tích cà phê so với toàn quốc). Xâm nhập mặn vào các tầng nước dưới đất làm giảm sản lượng nông nghiệp dọc các sông ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng.

PGS.TS Trần Thị Việt Nga cho rằng, dữ liệu về quản lý tài nguyên nước là nền tảng cơ bản của công tác quản lý tài nguyên nước, song thông tin còn hạn chế và phân tán. Mặc dù cơ sở dữ liệu về quy hoạch tài nguyên nước đã bước đầu được thành lập nhưng do thiếu kinh phí, các dữ liệu này không được cập nhật, thiếu thông tin, chưa đáp ứng được yêu cầu của cơ quan quản lý và xã hội. Ngoài ra, chia sẻ thông tin cũng là một vấn đề cần giải quyết. Còn thiếu hệ cơ sở dữ liệu thông nhất về tài nguyên nước từ trung ương đến địa phương. Dữ liệu phân tán ở các bộ ngành, địa phương, gây khó khăn cho công tác quản lý. Ngoại trừ hệ dữ liệu được chia sẻ giữa Bộ TNMT và các cơ sở vận hành liên hồ chứa, rất ít thông tin được chia sẻ về khai thác, sử dụng, cấp phép, quy hoạch cũng như các dự án trên các sông và các hành lang sông. Các chuyên gia kỳ vọng dự án luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sẽ tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, tồn tại, hạn chế này để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong thời gian tới.

Tại Kỳ họp thứ 5, trình Quốc hội dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, một số quy định của Luật 2012 còn giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực. Đồng thời, thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt; thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước…

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh

Bên cạnh đó, việc thi hành pháp luật về tài nguyên nước ở một số nơi còn chưa nghiêm, việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm chưa được thực hiện tốt; các cơ chế tài chính, chế tài, công cụ kiểm soát, giám sát chưa hiệu quả; các cơ chế hợp tác, giải quyết các vấn đề nước xuyên biên giới còn chưa đồng bộ; sự phối hợp chưa đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành; một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với Luật Tài nguyên nước,…

Căn cứ vào Hiến pháp năm 2013, các Nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội về quản lý tài nguyên nước. Do đó, cần thiết phải cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Trong đó, cần nghiên cứu, sửa đổi ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) theo hướng bổ sung, hoàn thiện các chính sách đã ban hành và nghiên cứu tích hợp các quy định về quản lý nước trong một bộ luật về nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tích cực tổ chức rà soát, tập trung vào 48 bộ luật, luật, nghị quyết, 02 điều ước quốc tế có liên quan đến Luật Tài nguyên nước, trong đó 11 luật có nhiều nội dung liên quan trực tiếp để xây dựng, hoàn thiện các quy định trong dự thảo Luật, bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và tương thích với các điều ước quốc tế. Do đó, các quy định trong dự thảo Luật cơ bản đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Tuy nhiên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, rà soát kỹ việc sử dụng các khái niệm “nguồn nước”, “tài nguyên nước” trong một số điều khoản của dự thảo Luật cho thống nhất và phù hợp. Ngoài ra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu các Điều ước quốc tế liên quan; phối hợp, tổ chức rà soát các quy định giữa các Luật để loại bỏ những quy định không cần thiết hoặc dẫn chiếu theo pháp luật hiện hành, nhất là một số nội dung của dự thảo Luật có liên quan đến nhiều dự án luật đang được sửa đổi, bổ sung như Luật Đất đai (các quy định đất có mặt nước ao, hồ, đầm (Điều 184), đất có mặt nước ven biển (Điều 185), đất bãi bồi ven sông, ven biển (Điều 187), đất xây dựng các công trình có hành lang bảo vệ an toàn (Điều 204); Luật Giao dịch điện tử (các quy định về xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia (Điều 8), dịch vụ công trực tuyến về tài nguyên nước (Điều 9)… để thể hiện đúng quan điểm, mục đích xây dựng Luật đã nêu trong Tờ trình số 162/TTr-CP, khắc phục chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Minh Hùng