CẦN GIẢI PHÁP BỐ TRÍ ĐỦ SỐ LƯỢNG, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ Y TẾ CƠ SỞ

25/06/2023

Tham gia ý kiến về Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội, các đai biểu đề nghị cần có giải pháp bố trí đủ số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ y tế cơ sở, nghiên cứu không giảm 10% biên chế y tế cơ sở để đủ điều kiện thực hiện đầy đủ chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe nhằm đảm bảo mọi người dân được chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng

PHÁT BIỂU ẤN TƯỢNG TẠI PHIÊN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Thảo luận ở hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu Nguyễn Thành Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ bày tỏ sự đồng tình và nhất trí cao với Báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch COVI -19, việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu cho rằng, về y tế cơ sở, trong những năm qua hệ thống y tế cơ sở ở nước ta đã được tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đến năm 2022 thì 100% đơn vị cấp huyện trong cả nước đã có Trung tâm y tế, 99,6% số xã, phường, thị trấn có Trạm y tế, trên 80% trạm y tế xã thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, 97,3%, trạm y tế đạt chuẩn về y tế, y tế thôn, bản, tổ dân phố hoạt động ngày càng có hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ 

Song qua giám sát thực tế ở các địa phương cho thấy, y tế cơ sở còn nhiều tồn tại, mô hình tổ chức bộ máy y tế thì còn thiếu tính ổn định, chưa thống nhất trong cả nước, cơ sở vật chất còn khó khăn, vẫn còn 22,1% số trạm y tế xã chưa đầu tư kiên cố, vào khoảng 40,1% trạm y tế xã có nhu cầu đầu tư cải tạo và xây dựng mới. Số nhân lực y tế ở cơ sở thấp hơn so với định mức biên chế theo quy định, thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế. Tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc hoặc chuyển việc có chiều hướng gia tăng. Việc tuyển dụng, thu hút bác sĩ về làm việc tại Trạm y tế xã gặp nhiều khó khăn, nhất là các xã vùng đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, tỷ lệ chi cho y tế cơ sở trên tổng chi y tế toàn xã hội giảm từ 32,4% năm 2017 xuống còn 23,1% năm 2019. Năm 2022 tỷ trọng chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở chỉ đạt 34,5%, trong đó tuyến xã chỉ đạt 1,7%. Như vậy, chất lượng dịch vụ y tế cơ sở, nhất là tuyến xã không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Nhiều người dân chưa tin tưởng khám, chữa bệnh tại y tế cơ sở nên thường phải chuyển lên tuyến trên và thực tế là không đủ năng lực ứng phó với các tình huống khi dịch bệnh xảy ra. Để thực hiện nhiệm vụ mà Nghị quyết 20 Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đặt ra là nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở, cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe đòi hỏi phải có những quyết sách quyết liệt, hiệu quả đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở.

Từ căn cứ trên, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đẩy mạnh đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, đồng thời có giải pháp bố trí đủ số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ y tế cơ sở, nghiên cứu không giảm 10% biên chế y tế cơ sở để đủ điều kiện thực hiện đầy đủ chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe nhằm đảm bảo mọi người dân được chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần có cơ chế, chính sách rõ ràng để tăng tỷ lệ chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế để thu hút người dân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở.

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phản ánh tình trạng nhân lực và năng lực y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, chế độ đãi ngộ cho cán bộ, nhân viên y tế thì cũng còn nhiều bất cập. Nguồn lực từ ngân sách nhà nước đầu tư cho y tế cơ sở còn hạn hẹp và tỷ trọng chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở thì còn thấp, trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân thì ngày càng tăng cao. Trong đại dịch COVID-19 thì càng khẳng định vai trò quan trọng cũng như bộc lộ rõ hơn những tồn tại, hạn chế, khó khăn của y tế cơ sở hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Với quan điểm chỉ đạo sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của xã hội, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành y tế là nòng cốt, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã khẳng định đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là đầu tư cho phát triển và nhấn mạnh cần phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Để y tế cơ sở bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe nhằm bảo đảm cho mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, đại biểu cơ bản thống nhất với các kiến nghị cũng như đề xuất của Đoàn giám sát về các nhóm giải pháp nâng cao chất lượng y tế cơ sở, trong đó đại biểu đề nghị cần phải thể chế rõ phạm vi của y tế tuyến huyện, y tế tuyến xã và y tế thôn, bản gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng tuyến. Xác định mối quan hệ giữa các tuyến y tế hiện nay được quy định tại Nghị quyết số 20 và Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, nhất là phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ của tuyến y tế cơ sở với 3 cấp chuyên môn kỹ thuật ban đầu, cơ bản và chuyên sâu.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cần quan tâm đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế theo hướng là tăng chi cho y tế cơ sở, đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cơ sở, nhất là nhân lực làm việc tại các trạm y tế xã. Thực hiện điều động, luân phiên hợp lý bác sĩ, cán bộ y tế để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các Trạm y tế xã.

Qua thảo luận thống nhất, Nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát này nêu rõ, Y tế cơ sở bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch, bệnh và nâng cao sức khỏe nhằm bảo đảm mọi người dân được chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế chi trả của quỹ bảo hiểm y tế theo hướng tăng chi cho y tế cơ sở; quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và tổ chức hệ thống trạm y tế phù hợp với quy mô, cơ cấu dân số, điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân ở từng khu vực, địa bàn.

Tổ chức hoạt động của trạm y tế xã gắn với đẩy mạnh quản lý toàn diện sức khỏe cá nhân, quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm, dinh dưỡng cộng đồng và thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo mô hình y học gia đình, kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại, kết hợp quân y và dân y; gắn hoạt động của y tế trường học với trạm y tế xã. Huy động các cơ sở y tế tư nhân, y tế cơ quan, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng theo quy định của pháp luật và thực hiện kết nối với y tế cơ sở trong quản lý sức khỏe cá nhân. Tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động.

Minh Hùng