TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 12/7: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 24
Toàn cảnh phiên họp
Báo cáo công tác dân nguyện tháng 5 và tháng 6/2023, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và Nhân dân vui mừng, phấn khởi về tình hình kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục ổn định và phát triển, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; lĩnh vực văn hoá, xã hội tiếp tục được chú trọng; đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện; tình hình chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường, góp phần làm trong sạch bộ máy, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng.
Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, nhất là đối ngoại cấp cao, ngoại giao kinh tế, uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được củng cố, nâng lên. Cử tri và Nhân dân đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV, tại Kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với nhiều đổi mới mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giám sát, đánh giá tác động chính sách, lấy ý kiến xây dựng pháp luật… Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự quan tâm, lo lắng trước tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên; các vụ lừa đảo về đất đai, trái phiếu, bất động sản, các vụ lừa đảo có tổ chức, xuyên quốc gia, một số vụ việc có yếu tố nước ngoài tiếp tục tiếp diễn phức tạp; tình trạng thiếu nhà trẻ công lập ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp...
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, thực trạng phụ huynh xếp hàng thâu đêm để nộp hồ sơ cho con vào trung học phổ thông gây băn khoăn, lo lắng trong dư luận. Cùng với đó, áp lực đối với học sinh thi vào trung học phổ thông ở Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là thực trạng diễn ra trong nhiều năm, thi vào trung học phổ thông còn khó hơn thi vào đại học, tình trạng này đã được cơ quan báo chí, truyền thông phản ánh nhiều lần. Do đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đề nghị Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục vào cuộc vấn đề này để làm rõ xem có tình trạng thiếu trầm trọng trường trung học phổ thông công lập hay không? Giải pháp để giải quyết vấn đề này trên thực tế như nào? Mặc dù Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo tình trạng này, tuy nhiên, Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị đưa thêm tình trạng này vào báo cáo công tác dân nguyện.
Liên quan tới vấn đề Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đề cập, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, tình trạng này diễn ra bởi một số nguyên nhân. Theo đó, hiện nay, số lượng trường trung học phổ thông thấp hơn so với trường tiểu học và trường trung học cơ sở. Tỷ lệ học sinh từ trung học cơ sở lên học trung học phổ thông được giải quyết bằng điểm thi, học sinh điểm cao hơn sẽ lựa chọn vào các trường theo nguyện vọng, học sinh có điểm thấp hơn sẽ lựa chọn trường khác. Ngoài các trường công lập, hiên nay còn có các trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên, học nghề,… Trong khi đó, nhu cầu của phụ huynh và học sinh muốn vào trung học phổ thông, đặc biệt là các trường công lập bởi chi phí thấp hơn rất nhiều so với trường tư thục. Đây là nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của học sinh và phụ huynh nên cần phải nghiên cứu để giải quyết vấn đề này.
Nêu thực tế tại Thành phố Hà Nội, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cho biết, Hà Nội rất cố gắng trong việc đầu tư xây dựng và phát triển trường, lớp. Tuy nhiên, song song với việc đầu tư trường học mới thì cũng xây dựng, cải tạo để nâng cao chất lượng trường học cũ dẫn đến kinh phí bị san sẻ, phần phát triển mới chưa hết được tiềm năng. Cùng với đó, để xây dựng trường mới phải có quỹ đất. Xây dựng trường mới thì phải bố trí giáo viên. Trong khi đó, hiện nay biên chế giáo viên còn hạn chế. Từ các tình trạng trên dẫn đến việc phát triển thêm trường học mới gặp khó khăn.
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh
Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh chia sẻ, theo thống kê, dân số của Thành phố Hồ Chí Minh có 9,2 triệu người nhưng thực tế ước tính cả dân số vãng lai là khoảng 14 triệu người. Như vậy, chênh lệch giữa thực tế và trên báo cáo là khoảng 5 triệu người. Nếu không thống kê chính xác sẽ rất khó khăn trong việc đưa ra chính sách phù hợp. Từ con số trên, có thể thấy, Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang thiếu gần 7.000 phòng học. Để giải quyết căn cơ, tổng thể, Báo cáo của Uỷ ban đã đề cập tới vấn đề này. Nhấn mạnh đây là bài toán không dễ, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng Chính phủ và các địa phương cần tính toán cẩn thận.
Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh cũng nhấn mạnh, dân số hiện tăng rất ít, việc thừa, thiếu trường lớp là do dân dịch chuyển từ nông thôn lên các địa phương, đặc biệt là các đô thị. Số lượng giáo viên tại các địa phương không giảm nhưng các đô thị lớn tập trung đông dân lại thiếu giáo viên. Trên tinh thần tiếp thu ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng cần ghi nhận nội dung này và đưa vào Báo cáo của Ban Dân nguyện. Đồng thời, trong thời gian tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ kiến nghị với Chính phủ cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo để có những nghiên cứu sâu sắc, căn cơ hơn và có những giải pháp hiệu quả hơn đối với vấn đề này.
Ghi nhận các ý kiến phát biểu, Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết đây cũng là tình hình mà cử tri, Nhân dân lo lắng. Do đó đề nghị Báo cáo công tác dân nguyện bổ sung thêm tình trạng phụ huynh xếp hàng thâu đêm để nộp hồ sơ xin cho con vào học lớp 10, khó khăn hơn khi vào đại học. Vẫn còn tình trạng thiếu trường, lớp, đặc biệt là thiếu trường công lập, lớp công lập. Đồng thời đề nghị Ban Dân nguyện nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện báo cáo; phối hợp với Ban Thư ký ban hành thông báo kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để gửi đến các cơ quan, tổ chức thực hiện./.