KỲ HỌP THỨ 5 THÀNH CÔNG VỚI NHIỀU DẤU ẤN QUAN TRỌNG

15/07/2023

Sau 23 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và bế mạc vào cuối ngày 24/6. Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả đạt được qua kỳ họp lần này, trong đó có nhiều dấu ấn quan trọng, nổi bật, có ý nghĩa

NGHỊ QUYẾT KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV: GHI NHẬN ĐẦY ĐỦ, TOÀN DIỆN KẾT QUẢ SAU 23 NGÀY LÀM VIỆC VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA QUỐC HỘI

Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5

Đánh giá về kết quả kỳ họp, nhiều đại biểu cho rẳng, mặc dù chỉ có 4 tuần diễn ra kỳ họp, nhưng Quốc hội đã xử lý khối lượng công việc rất lớn. Quốc hội, chủ toạ kỳ họp, các đại biểu Quốc hội và đơn vị liên quan đã làm việc hết công suất và hiệu quả. Đặc biệt, việc Quốc hội họp và có 1 tuần nghỉ giữa 2 đợt họp đã tạo thuận lợi cho lãnh đạo địa phương trong công tác lãnh đạo, điều hành.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là phương pháp giúp chúng tôi vừa bảo đảm công việc họp Quốc hội một cách chất lượng, hiệu quả, đồng thời vẫn bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của địa phương một cách kịp thời. Bên cạnh đó, khoảng thời gian nghỉ giữa kỳ đó cũng giúp các cơ quan tham mưu, giúp việc của Quốc hội, các cơ quan trình văn bản lập pháp, nghị quyết của Quốc hội được tiếp thu một cách đầy đủ, thấu đáo, thận trọng, tìm được sự đồng thuận, thống nhất cao với các dự án luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, kỳ họp thứ 5  đã thành công tốt đẹp, đạt được những kết quả tích cực theo kế hoạch đã đề ra, đáp ứng yêu cầu, mong đợi của cử tri và nhân dân, trong đó kết quả công tác lập pháp tại kỳ họp là dấu ấn quan trọng, nổi bật, đóng góp ý nghĩa vào thành công chung của kỳ họp.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương 

Theo đại biểu, kỳ họp có khối lượng công việc lớn, lên đến 20 dự án luật và các nghị quyết quan trọng. Đây là một con số kỷ lục trong việc xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội, đòi hỏi các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ cũng như bản thân các đại biểu phải làm việc hết công suất.

Về thái độ, tinh thần làm việc của các đại biểu Quốc hội, theo đại biểu Nga, Kỳ họp thứ 5 diễn ra trong không khí sôi nổi, các ý kiến đóng góp cho các dự án luật, nghị quyết và những vấn đề quan trọng khác có số ý kiến đóng góp rất lớn, thậm chí những con số đăng ký phát biểu cũng rất kỷ lục. Đại biểu lấy dẫn chứng trong các phiên chất vấn, số đại biểu đăng ký chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành cũng dao động từ 100-120 lượt; có những phiên thảo luận như về Luật Đất đai (sửa đổi) có đến hơn 170 đại biểu đăng ký phát biểu.

Trong khi đó, đây là một dự án luật chuyên ngành khó, đồ sộ và liên quan đến hơn 100 luật, bộ luật khác nhau. Dù vậy, với tinh thần làm việc trách nhiệm, số lượng đại biểu đăng ký phát biểu, tranh luận rất nhiều, thể hiện sự nghiên cứu chuyên sâu của đại biểu Quốc hội.

Nêu quan điểm của mình, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, mỗi kỳ họp Quốc hội đều có sự đổi mới về phương pháp, chỉ đạo, điều hành kỳ họp. Việc chuẩn bị các dự luật, các dự thảo nghị quyết, tham gia nghiên cứu tài liệu, phát biểu, thảo luận cấp tổ, thảo luận ở hội trường của đại biểu Quốc hội đến công tác tiếp thu, giải trình, kết luận trước khi thông qua kỳ họp… rất chặt chẽ, công phu. Sự tham gia của cơ quan truyền thông, báo chí cũng tạo nên thành công của kỳ họp, vừa sắp xếp hài hoà, hợp lý, vừa có tính chừng mực, trật tự, truyền tải ý kiến, thông điệp của đại biểu Quốc hội rất nhanh.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế

Đại biểu cho rằng phải chú ý hơn đến công tác giám sát từ đầu các chủ trương dự án, theo đó phải đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến của nhân dân, các tổ chức dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bên cạnh đó, cần thiết phải bảo đảm việc tính giá đất một cách hợp lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Đại biểu cũng đánh giá cao tần suất tranh luận của đại biểu Quốc hội. Theo bà, việc tranh luận mang tính chất lợi ích chung, không vì ý tứ, quyền lợi cá nhân.

Theo đại biểu Sửu, quan trọng nhất tại kỳ họp này đã đưa ra chủ trương, chính sách thiết thực, hiệu quả để áp dụng vào thực tiễn. Sau những dự án luật đã được thông qua, biểu quyết bởi các đại biểu Quốc hội cần được áp dụng ngay, những nghị định, thông tư, văn bản quy phạm pháp luật cần được ban hành kèm các luật được Quốc hội thông qua sao cho đồng bộ./.

Thu Phương