ĐẢM BẢO MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: CẦN NGHIÊN CỨU KỸ LƯỠNG VỀ CHÍNH SÁCH, CƠ CHẾ GIÁ ĐIỆN PHÙ HỢP

17/07/2023

Nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng điện cho phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của Nhân dân, nhiều chuyên gia cho rằng, cần thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo. Theo đó, một trong những giải pháp phải được nghiên cứu kỹ lưỡng là thực hiện chính sách giá điện bảo đảm tính đúng, tính đủ và phù hợp...

VIỆT NAM CẦN CÓ NHỮNG LỘ TRÌNH TRONG VIỆC GIẢM DẦN NĂNG LƯỢNG HÓA THẠCH

TRAO ĐỔI THƯƠNG MẠI ĐIỆN GIỮA VIỆT NAM VÀ CÁC NƯỚC ASEAN CÓ THỂ THÚC ĐẨY SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội ngày một gia tăng. Điều này cũng chính là thách thức rất lớn cho ngành điện trong bối cảnh nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước như than đá, dầu khí… đang cạn kiệt không đủ đáp ứng cho nhu cầu trong nước. Do vậy, việc phát triển năng lượng tái tạo đang là xu thế chung của thế giới và Việt Nam.

Mặc dù năng lượng tái tạo mang lại nhiều lợi ích, góp phần tích cực giảm thiểu tác động đến môi trường, biến đổi khí hậu; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng; phát triển kinh tế - xã hội đất nước; giải quyết việc làm; nâng cao trình độ cho người lao động trong nước nhưng phát triển năng lượng tái tạo hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, tài chính và kỹ thuật. Để tháo gỡ các vấn đề này, theo nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần thực hiện quyết liệt các giải pháp đồng bộ từ các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là cần thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo. Theo đó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng việc thực hiện chính sách giá điện bảo đảm tính đúng, tính đủ và cơ chế giá điện phù hợp…

Việc phát triển năng lượng tái tạo đang là xu thế chung của thế giới và Việt Nam (ảnh minh họa).

PGS. TS Bùi Xuân Thông - Viện Hải văn và Môi trường, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khẳng định: Năng lượng tái tạo được quan tâm phát triển, tạo đột phá trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo tồn tài nguyên năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và biến đổi khí hậu trong sản xuất điện.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam đạt được bước phát triển đột phá về năng lượng tái tạo. Cơ chế phát triển điện mặt trời, điện gió của Chính phủ đã tạo động lực mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư tham gia sản xuất điện mặt trời, điện gió. Việc quy hoạch nguồn năng lượng tái tạo được thực hiện tổng thể toàn quốc và đồng bộ giữa nguồn và lưới điện, trong quy hoạch xác định quy mô công suất và tiến độ vào vận hành của từng dự án.

Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ đã tạo động lực mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư tham gia sản xuất điện mặt trời. Tới cuối năm 2020, tổng công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo của Việt Nam đã đạt khoảng 6.000 MW, trong đó có khoảng 6.364 MWp điện mặt trời (tương ứng khoảng 5.290 MW), khoảng 500 MW điện gió và 325 MW công suất điện sinh khối; tổng công suất của điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối đã chiếm xấp xỉ 10% tổng công suất đạt của hệ thống điện.

Những kết quả tích cực đạt được của ngành năng lượng trong giai đoạn 2016 – 2020 là tiền đề, động lực hết sức quan trọng để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 140/NQ-CP của Chính Phủ về việc  Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển bền vững, PGS. TS Bùi Xuân Thông cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu các tác động tiêu cực do hạ tầng cơ sở gây ra. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện rác,…) và thực hiện dự trữ năng lượng, tạo thị trường cho năng lượng tái tạo; Đẩy mạnh tìm kiếm thăm dò các nguồn tài nguyên năng lượng, phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường. Ngoài ra, theo PGS. TS Bùi Xuân Thông, nhằm triển khai tốt việc phát triển năng lượng tái tạo thì cần thực hiện chính sách giá điện bảo đảm tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường. 

Ông Johnny Tanis – Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện BOT Mông Dương 2.

Đồng thuận với quan điểm trên và đưa ra khuyến nghị với Việt Nam, ông Johnny Tanis – Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện BOT Mông Dương 2 nhấn mạnh việc chuyển đổi từ các dạng năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm môi trường sang các các dạng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đang được nhiều nước trên thế giới triển khai.

Để triển khai hiệu quả việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, theo ông Johnny Tanis, Việt Nam cần có cơ chế định giá điện theo các múi giờ trong ngày. Tuy nhiên, Việt Nam cần có sự rà soát, nghiên cứu kỹ lương khi trong việc tăng giá điện. Bởi vì có nhiều người chưa thể đáp ứng với việc chi trả khi tăng giá điện. Bên cạnh đó, Việt Nam cần khuyến khích vào việc tích trữ điện năng theo mùa; khuyến khích nhà đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo.

Đề cập về khung giá đối với các dự án điện gió, ông Phạm Quang Huy – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương nêu quan điểm, để hướng tới một thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng thì việc nghiên cứu, đưa ra các cơ chế chính sách liên quan đến quy định về hợp đồng mua bán điện làm cơ sở cho thu xếp vốn và đầu tư cho các dự án nhiệt điện khí và dự án điện gió là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Ông Phạm Quang Huy – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương.

Hiện nay, với sự tiến bộ nhanh của khoa học kỹ thuật, tua bin điện gió ngày càng có hiệu suất cao, đồng thời chi phí đầu tư và xây dựng các nhà máy điện gió có xu hướng giảm mạnh. Vì vậy, việc ban hành khung giá hàng năm gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập đánh giá số liệu để tính toán khung giá. Bên cạnh đó, đối với loại hình điện gió ngoài khơi, hiện tại Việt Nam chưa có dự án nào tham gia phát điện vào hệ thống gia. Do đó, đối với việc tính toán khung giá cho điện gió ngoài khơi hiện chỉ có thể tham khảo số liệu từ các tư vấn, tổ chức quốc tế, chưa có cơ sở để đánh giá số liệu để xác định, tính toán được khung giá ở Việt Nam.

Trước bất cập trên, ông Phạm Quang Huy cho rằng, đối với việc phát triển năng lượng tái tạo là điện gió thì cần có sự nghiên cứu để đưa ra khung giá một cách hợp lý nhất./.

Bích Lan