ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH KHẢO SÁT ĐỂ THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP TẠI TP ĐÀ NẴNG

26/07/2023

Ngày 24 đến 26/7, đoàn khảo sát do Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND TP Đà Nẵng, khảo sát tại Tổng Công ty Sông Thu, Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng và Nhà máy A32, để thẩm tra dự án Luật Công nghiệp Quốc phòng, An ninh và Động viên Công nghiệp.

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH GIÁM SÁT PCCC TẠI CHỢ VINH, SÂN BAY VINH

Đoàn công tác làm việc với Tổng Công ty Sông Thu

Tại Tổng Công ty Sông Thu, lãnh đạo đơn vị cho biết, Tổng Công ty thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, có chức năng đóng mới, sửa chữa và bảo đảm kỹ thuật tàu quân sự, đồng thời là doanh nghiệp quốc phòng an ninh tận dụng, khai thác năng lực hiện có để sản xuất làm kinh tế những ngành nghề được Bộ Quốc phòng phê duyệt. Hiện tổng quân số của đơn vị là hơn 1000 đồng chí, tuy nhiên, việc tuyển dụng, thu hút nhân lực, cán bộ trẻ gặp nhiều khó khăn, đơn vị đề xuất cần sớ có cơ chế chính sách hỗ trợ hợp lý để thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về lương, phụ cấp, nhà công vụ. Đóng tàu là ngành công nghiệp đặc thù mang tính dài hơi, cần nguồn vốn lớn, nên đơn vị đề nghị các cơ quan soạn thảo luật công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp cần tính toán, xem xét cơ chế đặc thù, có phương án hỗ trợ nguồn ngân sách.

Đại diện đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhấn mạnh, hiện tổ chức bộ máy và hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Sông Thu chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác nhau, dẫn đến khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Trong quá trình soạn thảo luật sắp tới sẽ tiếp thu, chỉnh lý để tháo gỡ dần khó khăn của các doanh nghiệp quốc phòng, đặc biệt phải có cơ chế để doanh nghiệp chủ động về nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống cho người lao động.

Thăm và khảo sát tại Nhà máy A32, là đơn vị trực thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, lãnh đạo Nhà máy báo cáo đoàn công tác: đơn vị có chức năng tổ chức sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật và sản xuất vật tư kỹ thuật. Hiện nay, nguồn vốn đầu tư xây dựng tiềm lực, nâng cao năng lực sản xuất còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đơn vị. Việc đặt hàng quốc phòng còn hạn chế nên việc sản xuất theo các nguồn ngân sách chỉ khai thác khoảng 60-70% công suất thiết kế dây chuyền. Nhà máy A32 đề nghị Uỷ ban Quốc phòng và An ninh quan tâm, tạo điều kiện đẩy nhanh việc thành lập Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật tổng hợp hàng không, liên doanh giữa Nhà máy A32 và đối tác có năng lực, làm cơ sở đảm bảo vật tư cho sửa chữa các máy bay phản lực chiến đấu được nhanh chóng và kịp thời, đáp ứng tốt nhu cầu cho các đơn vị trong Quân chủng.

Trước những kiến nghị của Nhà máy, đoàn khảo sát cho biết sẽ tiếp thu để làm cơ sở xây dựng luật sát với tình hình thực tế, đồng thời đề nghị trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục có những góp ý cho dự án luật được hoàn chỉnh.

Đoàn công tác làm việc với UBND TP Đà Nẵng

Làm việc với UBND TP Đà Nẵng, địa phương cho biết, từ năm 2007 đến nay, đã tổ chức 12 đợt khảo sát năng lực sản xuất, sửa chữa của các doanh nghiệp công nghiệp cần cho quân đội trên phạm vi thành phố với hơn 6.325 doanh nghiệp; lựa chọn 328 doanh nghiệp công nghiệp có đủ trình độ, khả năng động viên công nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 1 cơ sở quốc phòng nòng cốt và 8 doanh nghiệp động viên công nghiệp. Còn lại các doanh nghiệp cơ khí luyện kim, hóa chất, điện tử đủ điều kiện động viên chưa nhiều. Bên cạnh đó, có hai doanh nghiệp động viên công nghiệp thua lỗ, phải giải thể.

UBND thành phố kiến nghị, đề xuất các nội dung như, sau khi Luật Công nghiệp Quốc phòng, an ninh và Động viên công nghiệp được ban hành, các bộ, ban, ngành Trung ương cần sớm có văn bản hướng dẫn để địa phương có cơ sở triển khai hiệu quả. Bộ Quốc phòng nên ưu tiên đặt hàng cho các doanh nghiệp đủ điều kiện động viên công nghiệp, sản xuất các sản phẩm phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, nhằm nâng cao năng lực của người lao động và phát huy hiệu quả dây chuyền động viên công nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, PGĐ Sở Công Thương TP Đà Nẵng chia sẻ, hiện tốc độ thay đổi về công nghệ quá nhanh, trong trường hợp này cần tính đến hiệu quả khai thác hiệu quả của dây chuyền. Chỉ 5-7 năm mà không khai thác được thì dây chuyền đã lạc hậu, nếu dùng dây chuyền đó phục vụ cho quốc phòng an ninh thì khá khó khăn.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng cho rằng, hình thức động viên công nghiệp đang chưa đạt được kết quả mong muốn do cơ chế, đồng thời chưa có sự chủ động để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia sản xuất công nghiệp quốc phòng. Dự án luật CNQP, AN và ĐVCN sắp tới cần nghiên cứu đến nội dung này.

 “Doanh nghiệp nào có đủ điều kiện, có thể tham gia vào ngay, ví dụ như công ty cao su, họ sản xuất được lốp rồi, còn xuất đi Mỹ, mà bánh xe quân sự của mình vẫn phải nhập. Hoặc một số doanh nghiệp có khi chỉ cần khảo sát xong, họ thiếu 1 đoạn công nghệ thôi, thì chúng ta hỗ trợ họ vật tư sẵn đấy, khi cần là lắp vào thôi”- Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng đề xuất.

Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phát biểu. 

Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khẳng định, động viên công nghiệp là nội dung rất quan trọng của dự án luật lần này. Trong thời bình hiện nay, đây là sự chuẩn bị mọi phương diện, sẵn sàng để động viên cục bộ, hay tổng thể hoặc chuyển trạng thái chiến tranh, doanh nghiệp ngoài quốc phòng cũng đều phải đáp ứng được.

“Chúng tôi muốn trong luật này, làm thế nào để khuyến khích tất cả doanh nghiệp thấy được trách nhiệm đối với tổ quốc, với nhân dân trong việc sẵn sàng sản xuất kinh doanh trong động viên công nghiệp”.

Đoàn khảo sát cũng đánh giá cao những kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp về việc cần có cơ chế để tận dụng tư duy sáng kiến khoa học, sử dụng các dây chuyền lưỡng dụng để có thể vận hành ngay, sản xuất các sản phẩm phục vụ quốc phòng, vừa tránh lãng phí lại đạt hiệu quả cao hơn trong động viên công nghiệp.

Trung tướng Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh, UBND thành phố tiếp tục nghiên cứu các lĩnh vực trong dự thảo luật, bổ sung hoàn chỉnh, tập hợp gửi về đoàn giám sát và ban dự thảo. Về động viên công nghiệp, là yếu tố tất yếu trong thời bình, chuẩn bị chủ động mọi tình huống có thể xảy ra. Mong muốn cuối cùng, là đưa được các dự án luật vào triển khai có hiệu quả nhất.

Nguyễn Hùng