NGHIÊN CỨU KỸ LƯỠNG VIỆC XÁC ĐỊNH GIÁ ĐẤT HÀNG LOẠT VÀ ỔN ĐỊNH THEO CHU KỲ

29/08/2023

Đóng góp về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần nghiên cứu kỹ lưỡng việc xác định giá đất hàng loạt và ổn định theo chu kỳ là nhiệm vụ cần được các cơ quan nghiên cứu kỹ lưỡng trong quá trình hoàn thiện dự án Luật.

ĐẢM BẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) ĐI VÀO CUỘC SỐNG, ĐÁP ỨNG ĐƯỢC MONG MỎI CỦA NHÂN DÂN

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Theo chương trình nghị sự, một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho ý kiến tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách vào sáng 30/8. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các ĐBQH là việc định giá đất. Vấn đề này cũng được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đóng góp ý kiến tại Phiên họp thứ 25 vừa được tổ chức.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Đề cập về Một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình,  chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo Luật về “phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường” là chưa thực sự rõ ràng, chưa bảo đảm thể chế đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Một số ý kiến cho rằng, thực tiễn vô cùng khó xác định giá tiệm cận với giá thị trường, các quy định tại dự thảo Luật chưa đủ điều kiện để thực hiện xác định giá như vậy; khái niệm nguyên tắc thị trường rất trừu tượng, khó xác định vì phụ thuộc vào thời điểm, yếu tố cá nhân chủ quan, nhu cầu, mục tiêu, động cơ của người bán và người mua, có những nơi, có những loại đất, vị trí trong nhiều năm không có giao dịch, chuyển nhượng, người dân sử dụng ổn định, không có nhu cầu mua bán thì không có thông tin để xác định giá thị trường.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, cũng có những ý kiến cho rằng, phải hài hòa được các lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; việc duy trì một mặt bằng hợp lý các chi phí liên quan đến đất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phát triển bền vững, từ đó tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước. Một số ý kiến khác nhất trí với phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường.

Đóng góp ý kiến vào việc xác định giá đất, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, chúng ta phải khẳng định là sẽ luôn tồn tại sự khác biệt giữa giá được cơ quan Nhà nước, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố quyết định với giá thị trường. Do vậy, nên xem xét bổ sung nguyên tắc miễn trừ trách nhiệm pháp lý. Nếu như chúng ta coi việc xác định giá đất thấp hơn giá thị trường là thiệt hại đối với ngân sách Nhà nước thì chúng ta cần có nguyên tắc miễn trừ trách nhiệm hay cách thức viết như thế nào để đảm bảo tâm lý làm việc đối với những cán bộ và kể cả tư vấn trong việc xác định giá đất này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng, có nhiều mục đích sử dụng đất, các dự án phát triển và nhu cầu sử dụng đất trong quá trình phát triển đất nước trong tương lai. Việc đáp ứng giá sát thị trường để đảm bảo lợi ích người dân trong các trường hợp phát triển khu đô thị hay phát triển nhà ở là phù hợp nhưng có rất nhiều các mục đích khác thì chúng ta cần phải mở rộng thêm việc xác định giá đất hàng loạt. Các nước thì gọi là xác định giá đất hàng loạt nhưng chúng ta thì đưa vào là bảng giá đất và sử dụng bảng giá đất đó để tính thuế, áp dụng trong rất nhiều trường hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị mở rộng thêm càng nhiều càng tốt những trường hợp xác định giá đất hàng loạt hay các bảng giá đất để giảm bớt gánh nặng cho các trường hợp xác định một cách cụ thể cũng như trách nhiệm pháp lý của các cơ quan.

Liên quan đến nội dung trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định ổn định theo chu kỳ 5 năm đầu và năm đầu tiên của chu kỳ 5 năm sau thì áp dụng theo bảng giá đất mới. Tuy nhiên, cần xem lại cách tính hàng năm này đã phù hợp chưa. Đây là nội dung rất quan trọng, vướng mắc trong thực tiễn, chúng ta hoàn toàn có thể xử lý bằng luật được. Ngoài ra, đề nghị xem lại sự phù hợp giữa khoản 2 Điều 153 với khoản 1 Điều 159 và Điều 160. Khoản 1 Điều 159 quy định về đối tượng áp dụng bảng giá đất là tính tiền thuê đất khi Nhà nước cho thuê đất, trả tiền đất hàng năm. Điều 160 quy định phương pháp xác định giá đất cụ thể thì lại không có quy định áp dụng phương pháp định giá đất cụ thể đối với trường hợp thuê đất kỳ đầu tiên. Việc quy định giới hạn biến động tiền thuê đất không quá mức tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI của 5 năm trước đó. Về việc này, các cơ quan nên phối hợp với Tổng cục thống kê xem biến động của CPI như thế nào.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc dùng định hướng bảng giá đất làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng đất và đã bỏ khung giá đất thì khả năng biến động giá đất 5 năm sau so với năm trước tính theo bảng giá đất có khả năng là rất lớn chứ không phải như trước đây. Trong một thời gian ngắn có thể tạo một bảng giá đất cao hơn nhiều so với hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đóng góp ý kiến vào một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Khi chúng ta nhân tỷ lệ phần trăm tính tiền thuế đất cố định, sẽ dẫn đến khó áp dụng chung một tỷ lệ tính tiền thuê đất hàng năm và có thể tạo ra chênh lệch giữa giá thuê đất rất lớn, giữa chi phí thuê đất hàng năm đối với trường hợp thuê đất lần đầu và lần tiếp theo. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo và thẩm tra dự án Luật phải rà soát kỹ cách tính tiền thuê đất hàng năm cho chu kỳ tiếp theo ổn định trong vòng 5 năm và tính biến động của chu kỳ tiếp theo. Ngoài ra, cần phải tính toán hợp lý hơn trong quá trình điều chỉnh, không nên cào bằng tất cả các loại đất như nhau mà còn căn cứ vào công năng sử dụng, không đơn thuần chỉ theo nhóm đất đai như cách phân loại đất đai hiện nay.

Về nguyên tắc căn cứ phương pháp định giá đất, Ban soạn thảo dự án Luật nên có báo cáo thuyết minh thêm ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần trước so với lần này. Ngoài ra, cần có báo cáo về việc đưa thêm phương pháp thặng dư và liệu có dùng phương pháp thứ hai để so sánh không? Ngoài ra, có thêm một số ý kiến đề nghị nên xem xét quy định trong luật về phương pháp xác định bảng giá đất. Cách xác định bảng giá đất như thế nào thì cần phải quy định ở trong luật.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới. Với những ý kiến đóng góp, đề xuất như trên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc xác định giá đất hàng loạt và ổn định theo chu kỳ là nhiệm vụ cần được cơ quan soạn thảo, thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu kỹ lưỡng trong quá trình hoàn thiện dự án Luật./.

Bích Lan