NÂNG CAO NĂNG LỰC CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐỂ THỰC HIỆN TỐT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

29/08/2023

Tại phiên họp thứ 25 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần nâng cao năng lực chuyển đổi số để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Toàn cảnh phiên họp

Tại phiên họp thứ 25 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Theo đại diện đoàn giám sát, đến nay các hoạt động của giám sát được triển khai cơ bản theo đúng kế hoạch ban hành, bảo đảm thời gian, tiến độ để báo cáo kết quả giám sát với Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023. Giám sát đã tiến hành đúng trọng tâm là phân tích chính sách và tiến trình chính sách, trọng điểm là 02 CTMTQG: Giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN.

Cuộc giám sát, có phạm vi giám sát rộng, gồm các bộ, ngành, địa phương (cấp tỉnh, huyện, xã, thôn); nội dung giám sát nhiều (03 chương trình MTQG, gần 100 nội dung thành phần, dự án, tiểu dự án thuộc các CTMTQG, nhiều chính sách, pháp luật liên quan), nhưng Đoàn Giám sát đã có cách làm phù hợp, khoa học, lựa chọn trúng và đúng vấn đề giám sát; xây dựng kế hoạch, giám sát, xây dựng các đề cương báo cáo gửi các nơi đến làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên Đoàn giám sát làm tổ trưởng tổ công tác, tiến hành làm việc tại địa phương (tới cấp xã) trước khi làm việc với các bộ, ngành.

Việc Quốc hội tổ chức giám sát ngay khi các CTMTQG mới bắt đầu triển khai thực hiện đã có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương hoàn thiện cơ chế, chính sách, hướng dẫn để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các CTMTQG trong bối cảnh các Chương trình đang triển khai rất chậm. Cuộc giám sát thể hiện rõ quan điểm, sự nỗ lực, hành động, của Quốc hội cùng với Chính phủ nhằm tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các CTMTQG. Cuộc giám sát đã có tác động làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành vào cuộc quyết liệt hơn, tập trung tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, bước đầu đã đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn từ đầu năm 2023 đến nay. 

Quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, ThS. Nguyễn Thị Hòa, Khoa Lý luận cơ sở, Trường chính trị Nguyễn Văn Cừ tỉnh Bắc Ninh cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu xây dựng NTM đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM; trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so năm 2020. Cùng với đó, để phù hợp hơn với giai đoạn mới, bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 đã có chỉnh sửa, bổ sung. Trong đó, cụ thể đối với những xã nông thôn mới cần đáp ứng 19 tiêu chí, 57 chỉ tiêu (tăng 8 chỉ tiêu so 2016- 2020), điều chỉnh nội hàm, tên, nội dung của 15 tiêu chí. Đối với những xã nông thôn mới nâng cao sẽ có 19 tiêu chí, 75 chỉ tiêu (tăng 18 chỉ tiêu so 2016-2020), nâng cao chất lượng 35 chỉ tiêu, bổ sung 34 chỉ tiêu mới...

Theo ThS.Nguyễn Thị Hòa cùng các chuyên gia, để đạt được mục tiêu đề ra cũng như nâng cao hiệu quả xây dựng Nông thôn mới, cần đào tạo và nâng cao năng lực về chuyển đổi số: Biên soạn chương trình, tài liệu tập huấn về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các tài liệu hướng dẫn áp dụng chuyển đổi số; Tổ chức các hội nghị, các đợt tập huấn về kiến thức chuyển đổi số, khả năng tiếp cận thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp (trung ương, tỉnh, huyện, xã) và người dân, cộng đồng ở nông thôn; Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng chuyên sâu về công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế ở khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách: Rà soát các nội dung, định mức hỗ trợ của Nhà nước về chuyển đổi số để đề xuất áp dụng trong xây dựng nông thôn mới thông minh; chính sách khuyến khích các tổ chức và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số về các lĩnh vực (kinh tế, thương mại, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch,…) đầu tư vào khu vực nông thôn. Xây dựng kiến trúc, vận hành và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu số về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; ban hành quy chế, quy trình vận hành hệ thống phần mềm đánh giá, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ trung ương, cấp tỉnh, huyện, xã. Nghiên cứu, đề xuất Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới thông minh giai đoạn 2026 - 2030.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện là đẩy mạnh phát triển hạ tầng số và dữ liệu số: Đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển hạ tầng và kết nối mạng internet đến cấp xã, thôn/bản (hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao; hạ tầng mạng di động 4G/5G; hạ tầng kết nối internet, hạ tầng kết nối IoT,…), nâng cao chất lượng và năng lực tiếp cận dịch vụ viễn thông của người dân; hạ tầng công nghệ để phát triển hệ thống thông tin điện tử trên các lĩnh vực: giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch và thương mại điện tử. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm cung cấp cho mỗi hộ dân nông thôn có ít nhất một điện thoại thông minh theo hình thức xã hội hóa. Xây dựng phương án tổng thể hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu, chuẩn hóa dữ liệu, hệ thống định danh gắn với đối tượng quản lý, giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Xây dựng dữ liệu số trong xây dựng nông thôn mới.

Triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới: Xây dựng thí điểm các mô hình: xã/thôn nông thôn mới thông minh gắn với lĩnh vực nổi trội ở các địa phương (quản lý quy hoạch xây dựng, kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, an ninh trật tự, du lịch nông thôn…); mô hình chỉ đạo điểm của trung ương về xây dựng xã nông thôn mới thông minh theo danh sách được cấp có thẩm quyền phê duyệt; mô hình xã thương mại điện tử cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn chủ lực của địa phương (liên kết hợp tác giữa trung ương, địa phương, các doanh nghiệp thương mại điện tử, ngân hàng và người dân). Huy động nguồn lực triển khai Chương trình: Tạo điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin đầu tư về cơ sở hạ tầng số và kết nối mạng internet đến cấp xã, thôn/bản; hạ tầng công nghệ gắn với phát triển dịch vụ trên các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch và thương mại điện tử.

Ngoài ra cần huy động các nguồn lực tham gia thực hiện Chương trình, nhất là lồng ghép hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các nguồn huy động hợp pháp từ các thành phần kinh tế và người dân thực hiện chuyển đổi số. Đẩy mạnh kêu gọi sự hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn lực của các đối tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số, xây dựng xã nông thôn mới thông minh.

Hồ Hương