Đóng góp ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), quan tâm đến điều kiện chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp quy định ở Điều 48 dự thảo Luật, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đề nghị cần phải nghiên cứu, rà soát thêm để phù hợp với pháp luật về quyền dân sự, về quyền cư trú. Đại biểu đề xuất cho phép chuyển đổi khi đủ điều kiện là được phép chuyển đổi trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An
Về nguyên tắc, phương pháp định giá đất, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, làm rõ, minh bạch nguyên tắc thị trường để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và người nhà đầu tư. Bởi thực tiễn trong thời gian qua, việc bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi không chỉ ở vấn đề tính tiền bồi thường khi thu hồi đất mà còn ở phương pháp, phương án hỗ trợ tái định cư theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Việc duy trì một mặt bằng hợp lý các chi phí liên quan đến đất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phát triển bền vững.
Về phương pháp định giá đất, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị tiếp tục đánh giá để quy định cho hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất vì hiện nay trong 4 phương pháp theo quy định hiện hành có vướng mắc, khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện.
Về Hội đồng thẩm định giá đất, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung chỉ rõ thực tế, công tác xác định giá đất trong thời gian qua đã gặp nhiều khó khăn, đó là việc lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất. Theo quy định hiện hành, trường hợp giá gói thầu trên 100 triệu đồng thì phải áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đã mất rất nhiều thời gian để chọn đơn vị tư vấn giá. Do đó, để giải quyết khó khăn, vướng mắc này, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung quy định trong một số trường hợp như không có đơn vị tư vấn giá đăng ký tham gia thầu hoặc dự án có tính chất đặc thù ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương thì giao cho địa phương thành lập Hội đồng khác và độc lập với Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể hoặc đơn vị tư vấn xác định giá đất trực thuộc Sở Tài nguyên môi trường có chức năng tư vấn, xác định giá đất và chịu trách nhiệm với kết quả thực hiện nhằm để địa phương chủ động kịp thời quản lý và triển khai thực hiện các dự án ở địa phương.
Về hòa giải tranh chấp đất đai, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị giảm số ngày phải tiến hành về hòa giải của Ủy ban nhân dân cấp xã xuống 30 ngày. Đồng thời quy định hòa giải của Ủy ban nhân dân cấp xã là không bắt buộc. Nếu quy định thủ tục bắt buộc thì phải bổ sung quy định biên bản hòa giải thành của xã được xác định và có giá trị pháp lý, hiệu lực thực hiện như hòa giải thành tại Tòa án. Biên bản hòa giải của Ủy ban nhân dân cấp xã cần chuyển cho Tòa án xác nhận và có hiệu lực thi hành nhằm để khẳng định giá trị của biên bản và vai trò quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Cùng chia sẻ về vấn đề giá đất, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đánh giá cao cơ quan soạn thảo dự án Luật sau khi tiếp thu ý kiến của Nhân dân đã nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với thực tế.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn
Về mở rộng đối tượng nhận, chuyển nhượng đất nông nghiệp, đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho rằng, trong dự án Luật cần có quy định rõ đối tượng nhận, chuyển nhượng là cá nhân và tổ chức; nêu rõ về thời hạn chuyển nhượng, tổ chức nhận chuyển nhượng.
Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể về phương pháp định giá đất sát với thị trường để đảm bảo lợi ích giữa các bên là như cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức và người sử dụng...
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái nhất trí với việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa; đồng thời đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa quy định dự thảo Luật theo hướng chặt chẽ hơn về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có tính đến đặc thù của các loại đất thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và đối tượng nhận quyền chuyển nhượng là Tổ chức phân biệt với đối tượng nhận chuyển nhượng là cá nhân không trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp. Bên cạnh đó có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa việc lợi dụng quy định này để đầu cơ đất nông nghiệp ảnh hưởng đến mục tiêu, chính sách.
Đối với trường hợp mở rộng đối tượng là cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, ngoài ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định với cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa thì phải thành lập tổ chức kinh tế đáp ứng yêu cầu quy định tại Khoản 5, Điều 4 dự thảo luật như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu phương án quy định hạn mức nhận chuyển nhượng mức nào thì phải thành lập tổ chức kinh tế, hạn mức bao nhiêu thì không cần phải thành lập mà chỉ cần đảm bảo việc sử dụng đất đúng mục đích, không vi phạm pháp luật về đất đai. Bởi vì đối với cá nhân nhận chuyển nhượng thì cũng sẽ có trường hợp nhận chuyển nhượng với diện tích không lớn mà yêu cầu phải thành lập tổ chức kinh tế thì sẽ không phục phù hợp.
Góp ý về quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ cho biết, khoản 3 Điều 66 quy định: Đối với quận, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy hoạch đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị thì không lập quy hoạch sử dụng đất nhưng phải lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ từ quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và các chỉ tiêu sử dụng của địa phương. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu kỹ hơn về những bất cập nếu triển khai áp dụng trong thực tế.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ
Đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng và nên để quy hoạch sử dụng đất thực hiện đúng sứ mệnh. Đối với công tác thu hoạch chung của từng địa phương, xác định quy hoạch nền quy hoạch cụ thể mục đích sử dụng đất của từng khu chức năng, từng vị trí lô đất, quy hoạch đô thị sẽ là lợp quy hoạch chồng nên quy hoạch nền, xác định trong từng vị trí cụ thể bao nhiêu có tầng, có tầng hầm hay không…. Đó là nhiệm vụ của quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng; còn đất sử dụng với mục đích gì là nhiệm vụ của quy hoạch sử dụng đất.
Về nguyên tắc, căn cứ phương pháp định giá ở điều 158, khoản 5 của điều này xác định căn cứ nguồn dữ liệu thông tin đầu vào để xác định giá đất; cơ quan tổ chức định giá đất quyết định xác định giá đất băng một hoặc nhiều phương pháp định giá theo quy định tại khoản 4 điều này. Cơ quan quyết định giá đất theo kết quả xác định giá đất có lợi ích nhất cho ngân sách nhà nước. Đại biểu đề xuất bổ sung nội dung Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng phần mềm kết nối dữ liệu giá đất với các phòng công chứng thuộc sự quản lý của sở tư pháp và các phòng chuyên môn của Sở Tài nguyên Môi trường để giá đất được thường xuyên cập nhật.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm cập nhật thông tin và giá trị thông tin được công khai về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Điều 75 của dự thảo luật. Cụ thể, bổ sung nội dung cơ quan có trách nhiệm công khai thông tin phải cập nhật và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin được công khai và thông tin được công khai theo hình thức quy định tại khoản 2 điều 75 là cơ sở giải quyết các yêu cầu của người sử dụng đất, điều này khẳng định giá trị của thông tin, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất.