LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ: CẦN NGHIÊN CỨU MỨC HỖ TRỢ ĐẢM BẢO TÍNH TƯƠNG THÍCH, CÔNG BẰNG VỚI CÁC LỰC LƯỢNG KHÁC

30/08/2023

Góp ý vào dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, các đại biểu đề nghị nghiên cứu mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đảm bảo tính tương thích, tạo công bằng và không bị so bì với các lực lượng khác và phân cấp rõ nguồn chi theo đúng Luật Ngân sách.

LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ: RÕ VAI TRÒ, ĐÚNG NHIỆM VỤ

TÁN THÀNH TRÌNH QUỐC HỘI THÔNG QUA DỰ ÁN LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ TẠI KỲ HỌP THỨ 6

Theo quy định về chế độ hỗ trợ lương như dự thảo Luật, nếu đưa ra quy định chi như mức lương cơ bản hiện nay là 1.800.000 đồng, với số lượng lên đến 300.000 người ở tất cả các cấp thì mỗi địa phương sẽ chi khoảng gần 9 tỷ/tháng, chưa kể chi các chế độ hỗ trợ bảo hiểm y tế, đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, phụ cấp khi tham gia tập huấn, huấn luyện và các phụ cấp khác. Trong khi, lực lượng dân quân tự vệ ở địa phương lại không được hưởng chế độ phụ cấp hàng tháng, nhưng lực lượng dân quân cũng hoạt động giống lực lượng này, phối hợp với lực lượng công an trực và làm nhiệm vụ.

Đại biểu Phạm Văn Hoà, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng tháp

Trước thực tế, đại biểu Phạm Văn Hoà, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng tháp bày tỏ băn khoăn về chế độ chi bồi dưỡng cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định trong dự thảo Luật. Nếu chi cho lực lượng này quá cao thì sẽ gây ra những bất cập.

Đại biểu Phạm Văn Hoà đề nghị cân nhắc về chế độ bồi dưỡng theo hướng rõ ràng, rành mạch hơn, không để có sự so bì ở địa phương giữa các lực lượng và Hội đồng nhân dân quyết mức chi này sẽ rất khó vì mỗi nơi một khác.

Đại biểu Bế Minh Đức, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng

Cùng quan điểm, đại biểu Bế Minh Đức, đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng đồng tình với quy định tại khoản 1, Điều 23 của dự thảo Luật giao thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân các địa phương quy định chế độ bồi dưỡng, hỗ trợ đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở như tiền hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế v.v.. Tuy nhiên giao cho Hội đồng nhân dân tỉnh quy định thì cần dựa trên khung do Chính phủ quy định thống nhất để không có sự chênh lệch quá mức, tạo tâm lý không tốt đối với những người tham gia lực lượng này trong cả nước cũng như tạo ra sự cân đối với mức hỗ trợ cho những người hoạt động không chuyên trách ở xóm, ở xã.

Đại biểu Bế Minh Đức cũng đề nghị cần quy định chính sách hỗ trợ nguồn lực từ trung ương cho các địa phương còn khó khăn, chưa cân đối được nguồn lực khi luật có hiệu lực.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu 

Còn theo đại biểu Hoàng Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu cho rằng nếu mức đóng và chi như hiện nay trong dự thảo luật phát sinh thêm bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội cho công an xã, như vậy ngân sách địa phương chi trả cũng sẽ rất lớn.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cơ chế để hỗ trợ thêm cho ngân sách các địa phương mà chưa cân đối được ngân sách vẫn nhận trợ cấp ngân sách trung ương.

 Đại biểu Nguyễn Tạo, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm đồng

Trong khi đó, cũng liên quan đến vấn đề nguồn lực, đại biểu Nguyễn Tạo, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm đồng bày tỏ lo ngại về việc địa phương không có nguồn lực để xây dựng trụ sở làm việc cho công an xã.

Nêu dẫn chứng, từ năm 2018 đến nay, thực hiện trụ sở và chính quy của công an xã ở tỉnh như Lâm Đồng thì cố gắng lắm mới bố trí được 40% nguồn vốn đầu tư công trung hạn cho đầu tư xây dựng trụ sở công an xã. Như vậy với các tỉnh miền núi thì càng khó khăn. Vì vậy, khi quy định việc cấp chế độ phụ cấp cho lực lượng này cần thiết kế rõ trong Luật việc phân cấp chi rõ ràng hơn,phần nào là ngân sách trung ương, phần nào chi từ ngân sách địa phương.

Theo đó phải đồng bộ với Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ngân sách vì lực lượng này chiếm số lượng cũng khá đông, nếu chi phí chỉ từ nguồn của địa phương thì rất khó bảo đảm tính khả thi của luật vào thực tiễn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương

Phát biểu quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận ý kiến các đại biểu đặt ra về mức hỗ trợ, mức chi và nguồn chi cho lực lượng là rất đúng. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ tiếp tục tính toán, tổ chức biên chế, đánh giá tổng dự toán ngân sách bảo đảm hàng năm để báo cáo cụ thể với Quốc hội và có giải trình hợp lý.

Đồng thời rà soát về chế độ chính sách đối với lực lượng này để bảo đảm tính tương thích, tạo sự công bằng và không bị so bì với các lực lượng khác. Về vấn đề này, Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tài chính, Ngân sách sẽ tiếp tục cùng tham gia thẩm tra, tính toán ngân sách hàng năm, phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp thu, chỉnh lý cho phù hợp.

Hải Yến

Các bài viết khác