ĐIỆN VÀ THƯ MỪNG QUỐC KHÁNH NƯỚC TA
Đáp ứng nguyện vọng tham gia các hoạt động kỷ niệm, chào mừng ngày trọng đại của đất nước
Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều nộ dung quan trọng, đặc biệt đáng chú ý là kể từ năm 2021, lịch nghỉ lễ Quốc khánh có sự thay đổi, thực hiện theo Bộ luật Lao động 2019. Trước đó, thực hiện quy định tại khoản 1, Điều 115 Bộ luật Lao động 2012, ngày Quốc khánh 2/9 dương lịch hằng năm, người lao động được nghỉ làm 1 ngày và hưởng nguyên lương. Tuy nhiên, kể từ khi Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực, người lao động sẽ được nghỉ 2 ngày bao gồm: Ngày 2/9 dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau.
Nếu đi làm ngày Quốc khánh, người lao động được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày (người lao động làm thêm giờ quy định tại Điều 97 Bộ Luật Lao động 2012).
Như vậy, nếu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đi làm vào ngày 2/9, tổng tiền lương mà người lao động nhận được ít nhất bằng 400% tiền lương của ngày làm việc bình thường. Nếu người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định trên, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.
Luật sư Lê Lâm, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội
Kể từ khi ban hành và trải qua quá trình áp dụng thực hiện tới nay, quy định này nhận được nhiều sự tán đồng từ các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý cũng như người lao động, cử tri cả nước. Chia sẻ quan điểm về quy định này, Luật sư Lê Lâm, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội cho rằng, ngày Quốc khánh cũng là ngày Tết Độc lập, là dịp để người lao động có thêm thời gian tham gia các hoạt động kỷ niệm, chào mừng ngày trọng đại của đất nước. Việc tăng ngày nghỉ lễ trong dịp này sẽ tăng thêm ý nghĩa chính trị, nâng cao niềm tự hào dân tộc về sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nguyễn Ngọc Thùy Trang - K62 Quản trị du lịch, Khoa du lịch, Đại học Văn hóa Hà Nội
Đồng tình với những lợi ích của việc tăng thêm ngày nghỉ trong dịp trọng đại này, Nguyễn Ngọc Thùy Trang - K62 Quản trị du lịch, Khoa du lịch, Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, quy định tăng ngày nghỉ một cách hợp lý và có chọn lọc đã đáp ứng được mong muốn của người lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi, sum họp gia đình và giúp trẻ em, học sinh, sinh viên chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới.
Hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người lao động
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Bộ luật Lao động 2019, không chỉ riêng quy định về tăng ngày nghỉ dịp Quốc khánh, nhiều quy định khác của Bộ luật cũng đã phát huy hiệu quả trong thực tế, tạo chuyển biến tích cực có tính lan tỏa, được người lao động, người sử dụng lao động cũng như các chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá cao.
Từ thực tiễn giải quyết vụ việc, tư vấn pháp luật và bảo vệ quyền lợi của người lao động, Luật sư Nguyễn Văn Việt, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội cho biết, tại Bộ luật Lao động năm 2019, lần đầu tiên phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng luật được mở rộng tới người làm việc không có quan hệ lao động về một số tiêu chuẩn lao động. Đồng thời, Bộ luật cũng có những quy định về nguyên tắc nhằm bảo đảm quyền của các tổ chức đại diện người lao động và tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong đối thoại, thương lượng, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định. Bộ luật có những chế định về hợp đồng lao động quy định theo hướng bảo vệ tốt hơn đối với người lao động như: Quy định hợp đồng lao động là sự thỏa thuận về việc làm có trả công, tiền lương...
Luật sư Nguyễn Văn Việt, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội
Bên cạnh đó, Bộ luật đã bổ sung quy định để nâng cao nhận diện về hợp đồng lao động; quy định hình thức giao kết hợp đồng lao động thông qua phương tiện điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản; người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do mà chỉ cần báo trước theo thời hạn quy định tương ứng với các loại hợp đồng lao động. Quy định linh hoạt về thử việc bằng việc thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng thử việc; được quyền yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của mình khi chấm dứt hợp đồng lao động và các chi phí của việc cung cấp này do người sử dụng lao động trả...
Theo các Luật sư, Bộ luật có quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong 1 năm nhằm bảo đảm quyền lợi lâu dài cho người lao động; bổ sung thêm trường hợp người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương. Quy định điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình nhằm chuẩn bị, ứng phó với quá trình già hóa dân số, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Quy định mở rộng phạm vi áp dụng của thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể nhiều doanh nghiệp nhằm khuyến khích áp dụng các thỏa thuận có lợi hơn đối với người lao động. Quy định cụ thể hơn về cơ chế nhằm bảo vệ tốt hơn cho lao động chưa thành niên.
Về những quy định riêng đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới đã được thay đổi về quan điểm tiếp cận bảo đảm quyền việc làm, quyền lao động của lao động nữ thay vì quy định hạn chế như Bộ Luật Lao động hiện hành nhằm vừa tạo điều kiện mở rộng cơ hội việc làm cho lao động nữ mà vẫn bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn về lao động. Bổ sung quy định trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới...
Ngoài ra, Bộ luật quy định thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động trong quan hệ lao động, phù hợp với các Công ước của ILO, các cam kết quốc tế khác và tạo thuận lợi trong quá trình hội nhập quốc tế. Quy định linh hoạt hơn quyền lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp lao động sau khi tiến hành thủ tục hòa giải, không quy định sự can thiệp, giải quyết hành chính của nhà nước đối với giải quyết tranh chấp lao động.
Ngoài ra, Bộ luật cũng bổ sung các trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà không thể yêu cầu đúng thời hạn thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân. Bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan chuyên môn về lao động - thương binh và xã hội thuộc Ủy ban nhân dân là đầu mối tiếp nhận các yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động, có trách nhiệm phân loại, hướng dẫn hỗ trợ và giúp đỡ các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
Vì người lao động, Quốc hội tích cực lắng nghe và không ngừng đổi mới
Trong những năm qua, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi của công nhân, người lao động luôn được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội cũng như các đại biểu Quốc hội quan tâm, chú trọng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã từng nhấn mạnh, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, là cơ quan quyền lực cao nhất thực hiện mọi quyết sách của Quốc hội, lấy người dân và doanh nghiệp làm vị trí trung tâm. Công nhân và người lao động là chủ thể quan trọng trong quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, là chủ thể điều chỉnh cao nhất của các luật.
Tháng 7/2023 vừa qua, nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2023), tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, lần đầu tiên chương trình Diễn đàn người lao động được tổ chức với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn”. Với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Diễn đàn được tổ chức nhằm tạo điều kiện đại diện cán bộ, công nhân, viên chức, đoàn viên công đoàn, người lao động được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, nêu các ý kiến, kiến nghị với Quốc hội về các vấn đề mà người lao động quan tâm. Những ý kiến, kiến nghị tại Diễn đàn là căn cứ để Quốc hội sẽ xem xét, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn trong thời gian tới.
Tại Diễn đàn này, trong không khí thẳng thắn, cởi mở, dân chủ và chân tình, nhiều vấn đề được đoàn viên, người lao động quan tâm như nhà ở; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, việc rút bảo hiểm xã hội một lần; các giải pháp đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập, tăng lương tối thiểu, lương cho đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang… đã được nêu với lãnh đạo Quốc hội. Đặc biệt, trước sự gần gũi, tích cực lắng nghe, chia sẻ và tiếp thu của Quốc hội, tại Hội trường Diên Hồng, nhiều ý kiến đã phản ánh những vấn đề xã hội của công nhân như những khó khăn trong khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của công nhân, trong sinh hoạt văn hóa, thể thao; khó khăn trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em là con công nhân… Nhiều vấn đề đã được cơ quan chức năng trực tiếp giải đáp, tiếp thu, giải trình và đề ra giải pháp cụ thể ngay trong Diễn đàn, và những lời hứa hẹn, cam kết đã nêu trước đại diện người lao động hiện đang được tích cực thực hiện để hiện thực hóa những mong muốn của người lao động.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Đánh giá về chương trình này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, những nhóm vấn đề đã nêu tại Diễn đàn người lao động 2023 đã phản ánh sát thực tiễn tình hình về đời sống, việc làm; nói lên tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động, thể hiện tinh thần trách nhiệm của giai cấp công nhân đối với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Cảm thông sâu sắc đối với những khó khăn, vất vả mà anh chị em công nhân, người lao động đang hàng ngày phải đối mặt trong lao động sản xuất và đời sống - lực lượng trực tiếp làm ra của cải vật chất, Chủ tịch Quốc hội cho biết, các ý kiến của đại diện người lao động sẽ được tiếp thu đầy đủ, là căn cứ thực tiễn vững chắc để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các dự án luật liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người lao động như: Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Nhà ở, Luật Công đoàn, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Đất đai…
Với sự cầu thị, chân thành, tích cực lắng nghe và không ngừng đổi mới, Quốc hội đã đưa tiếng nói của cử tri, người lao động đến nghị trường, để đưa ra quyết sách đúng đắn, không ngừng hoàn thiện khung khổ pháp luật để bảo vệ tốt hơn nữa quyền lợi chính đáng của người lao động, hướng đến quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, với công nhân và người lao động là chủ thể quan trọng, chủ thể điều chỉnh cao nhất của pháp luật, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định.