Bắc Kạn là tỉnh miền núi thuộc khu vực ATK Việt Bắc, có đông đồng bào các dân tộc sinh sống nên tài nguyên về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc. Theo báo cáo của UBND tỉnh, toàn tỉnh hiện có 120 di tích, bao gồm 71 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng (02 di tích Quốc gia đặc biệt, 07 di tích Quốc gia, 62 di tích cấp tỉnh) và 49 di tích kiểm kê chưa xếp hạng. Tính đến năm 2023, toàn tỉnh đã kiểm kê, nhận diện được 204 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, trong đó có 09 di sản được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 01 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Di sản "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam” được UNESCO công nhận; có 10 nghệ nhân được Chủ tịch nước Quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú”…
Đoàn giám sát đến thăm Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Văn Phúc hiện đang lưu giữ kho tàng sách Nôm Tày lớn trên địa bàn huyện Pác Nặm.
Qua giám sát và khảo sát tại cơ sở cho thấy, công tác bảo vệ và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng bộ tại các địa phương và có những kết quả nhất định. Thông qua điều tra khảo cổ học, tỉnh đã bổ sung vào kho cơ sở 858 di vật đá; tổ chức sưu tầm được 425 hiện vật chủ yếu là hiện vật dân tộc học, hình ảnh tư liệu về tỉnh Bắc Kạn từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945 và hiện vật thuộc giai đoạn xây dựng Chủ nghĩa xã hội trên địa bàn tỉnh từ năm 1954 đến nay. Hoạt động truyền dạy, phổ biến, xuất bản, trình diễn, phục dựng, khai thác và phát huy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể được thực hiện khá tốt, toàn tỉnh hiện có 51 lễ hội truyền thống như lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, lễ hội Mù Là của dân tộc Mông, lễ hội Cầu mùa của dân tộc Dao, nhiều Câu lạc bộ “Hát Then – Đàn tính” được thành lập, nhiều nghề thủ công truyền thống được duy trì… tạo được sự trân trọng của cộng đồng đối với di sản văn hóa và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân...
Kho sách Nôm Tày của nghệ nhân Ưu tú Hoàng Văn Phúc trên địa bàn huyện Pác Nặm.
Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa còn nhiều khó khăn, hạn chế, chủ yếu thực hiện bằng nguồn ngân sách nhà nước nên nhiều di tích lịch sử đã xuống cấp chưa được, tu bổ, tôn tạo kịp thời (toàn tỉnh mới có 9/71 di tích đã xếp hạng được tu bổ, chống xuống cấp, trong đó có 08 di tích cấp quốc gia và 01 di tích cấp tỉnh), nhiều di tích chưa được cắm mốc giới, xây dựng bia, biển di tích; nhiều di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền… cần được đầu tư thỏa đáng để bảo tồn, gìn giữ. Công tác khảo cổ, nghiên cứu khoa học và hoạt động bảo tàng còn nhiều khó khăn, chưa có không gian trưng bày hiện vật. Tỉnh chưa xây dựng được quy hoạch tổng thể di tích, danh lam, thắng cảnh, hệ thống di tích của tỉnh nằm rải rác trên diện rộng, giao thông đi lại khó khăn nên việc quảng bá, phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với du lịch còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hiệu quả, chưa có các doanh nghiệp đầu tư, chưa có tour, tuyến du lịch cụ thể; việc quản lý, khai thác giá trị di tích, di sản văn hóa tại những điểm đến còn đơn điệu, chưa phát huy được các giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa sẵn có để thu hút du khách ở lại tham quan, tìm hiểu, khám phá. Đối với chưa có cơ chế, chính sách đãi ngộ thỏa đáng để khuyến khích, động viên đối với các nghệ nhân, nhà nghiên cứu văn hóa… trong việc sưu tầm, bảo tồn và truyền dạy di sản văn hóa truyền thống của dân tộc…
Một số tài liệu về Chữ Nôm người Tày được Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Văn Phúc (huyện Pác Nặm) sưu tầm và lưu giữ tại gia đình.
Tại các địa phương, các thành viên Đoàn giám sát đã trao đổi, làm rõ nhiều nội dung liên quan đến công tác triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về di sản văn hóa, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn, nắm bắt những khó khăn, kiến nghị của địa phương để xem xét, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền của địa phương và trung ương, trong đó đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Nghiên cứu xây dựng chiến lược, định hướng tổng thể về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, nhất là di sản văn hóa phi vật thể để các địa phương có cơ sở, căn cứ triển khai động bộ, thống nhất; tiếp tục rà soát, xây dựng các văn bản pháp lý quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản văn hoá, phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; xem xét, tăng cường kinh phí dành cho công tác kiểm kê, bảo quản, nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục, phổ biến, truyền dạy các loại hình di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản đang có nguy cơ bị mai một, các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; chú trọng tổ chức trình diễn, giới thiệu di sản văn hóa, đặc biệt là các loại hình di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại các sự kiện văn hóa - chính trị - đối ngoại trong nước và quốc tế để tạo không gian giao lưu, quản bá văn hóa của đất nước./.