Toàn cảnh hội nghị
Tham dự Hội nghị có đồng chí Mai Thị Thuý Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đang công tác tại địa phương; lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo huyện Phú Bình; lãnh đạo các xã, thị trấn và đại diện một số doanh nghiệp hoạt động, đầu tư trên địa bàn huyện Phú Bình.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được thông tin về một số vấn đề lớn của dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đa số các đại biểu đều đồng tình với việc sửa đổi Luật đất đai, vì qua 10 năm thực hiện Luật đất đai năm 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa đáp ứng được với yêu cầu là hành lang pháp lý để điều chỉnh các quan hệ đất đai hiện nay.
Các ý kiến cũng đánh giá cao về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này so với Luật đất đai năm 2013 có nhiều ưu điểm, đã quy định khá đầy đủ, chi tiết và có nhiều điểm mới, vừa mang tính khái quát, vừa cụ thể, rõ ràng, dễ thực hiện, đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân và yêu cầu thực tiễn.
Đồng chí Phạm Bình Công, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu ý kiến tại Hội nghị
Các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như: Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tích hợp nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh vào quy hoạch tỉnh nhằm đảm bảo theo hệ thống quy hoạch Quốc gia, tạo tính tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan; đề nghị cân nhắc, bổ sung các trường hợp cần xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường để xác định giá đất cụ thể nhằm tăng cường trách nhiệm của cơ quan Trung ương trong xác định giá đất vì theo quy định trong Dự thảo Luật, việc xây dựng, thẩm định bảng giá đất và giá đất cụ thể đang được phân cấp hoàn toàn cho địa phương.
Đồng thời, Dự thảo Luật cần làm rõ trường hợp “sử dụng đất thương mại, dịch vụ” tại Điểm a khoản 1 Điều 157 có được gọi là sử dụng đất vào mục đích thương mại, dịch vụ hay không. Vì trên thực tế, nhiều chủ đầu tư sử dụng, thuê đất để xây dựng trường học, bệnh viện bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước để cung cấp các dịch vụ giáo dục, y tế chất lượng cao. Theo đó, giá dịch vụ cũng sẽ thu cao hơn so với khu vực công lập và có phát sinh lợi nhuận...
Về khái niệm “tài sản gắn liền với đất” quy định tại Điều 3 của Dự thảo Luật đề nghị cơ quan soạn thảo cần tham khảo để đưa ra cách giải thích có tính bao quát, phù hợp với các quy định khác trong quy định của pháp luật.
Cũng tại hội nghị, huyện Phú Bình cơ bản nhất trí và đồng tình với các nội dung đã được bổ sung và đưa vào Dự thảo Luật đất đai sửa đổi. Địa phương đề nghị, một số phần diện tích của đất nông, lâm trường khi không sử dụng, trả về địa phương để quản lý cần có chính sách hỗ trợ phù hợp cho người dân đang sử dụng phần diện tích trên khi Nhà nước thu hồi đất; giữ nguyên chỉ tiêu “đất cho hoạt động khoáng sản” tại Điểm c khoản 2 Điều 66, vì đây là chỉ tiêu cần thiết phục vụ cho công tác quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản; đề nghị điều chỉnh thời gian niêm yếu công khai phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 20 ngày (giữ nguyên theo Luật đất đai năm 2013) thay vì 30 ngày để rút ngắn thời gian bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án.
Đồng chí Đoàn Thị Hảo, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đoàn Thị Hảo, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao ý kiến phát biểu trách nhiệm, xuất phát từ thực tiễn của các đại biểu.
Đối với những nội dung đại biểu đã chuẩn bị nhưng chưa phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị các đại biểu gửi về Đoàn ĐBQH tỉnh để tổng hợp, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để xem xét, nghiên cứu phục vụ việc Quốc hội xem xét, thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trong thời gian tới. Đồng thời cũng là cơ sở dữ liệu thực tiễn quan trọng, để phục vụ các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên tham gia thảo luận, góp ý cho dự thảo Luật trong Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội vào tháng 10/2023.