HÀ NỘI NHIỀU BƯỚC TIẾN TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI

03/10/2023

Với việc chú trọng, quan tâm ban hành các Nghị quyết, giám sát việc thực hiện Nghị quyết về giải quyết kiến nghị của cử tri ở tất cả các cấp, công tác giải quyết kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội đã có nhiều chuyển biến. Điều này tạo ra những bước tiến quan trọng nâng cao chất lượng, tiến độ giải quyết những kiến nghị chính đáng của cử tri và Nhân dân.

CẦN TIẾP TỤC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ CỬ TRI

Vẫn còn nhiều kiến nghị cử tri tập trung vào các lĩnh vực quản lý nhà nước

Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, Thường trực HĐND thành phố đã tổng hợp 1.801 ý kiến, kiến nghị của cử tri. Các kiến nghị tập trung vào các lĩnh vực quản lý nhà nước trên địa bàn. Sau khi nhận được kiến nghị của cử tri, UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cho các ngành, các cấp liên quan kiểm tra, rà soát việc giải quyết, trả lời cử tri; tổng hợp và báo cáo HĐND thành phố kết quả thực hiện đúng thời hạn yêu cầu. 

Tuy vậy, theo dõi tại kỳ họp thứ 12 HĐND thành phố vừa qua cho thấy, đến nay, còn 271 kiến nghị đang giải quyết (trên tổng số 1.593 kiến nghị, tỷ lệ 17%). Các kiến nghị đang giải quyết chủ yếu liên quan đến đề nghị đầu tư xây dựng hạ tầng, trường học, thực hiện chương trình nông thôn mới, triển khai dự án ngoài đê sông Hồng, các dự án bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, nước thải tại các làng nghề... là những vấn đề phức tạp, sử dụng vốn lớn, phải rà soát, cân đối, sắp xếp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nên cần có thời gian triển khai theo trình tự, thủ tục, xử lý, không thể giải quyết ngay. 

Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội giao ban với thường trực HĐND các Quận, huyện 

Tại các cuộc họp giao ban thường kỳ giữa thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội với thường trực Hội đồng nhân dân các Quận, huyện, chủ tịch Hội đồng nhân dân các Quận, huyện cho biết hiện công tác tiếp nhận, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các kiến nghị của cử tri được Thường trực HĐND các quận, huyện chỉ đạo sát sao. Nhờ đó, 82% kiến nghị của cử tri được giải quyết, góp phần ổn định tình hình ở cơ sở.  Đơn cử như tại Quận Tây hồ, công tác giải quyết kiến nghị của cử tri có chuyển biến tích cực. Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, toàn quận có 220 ý kiến cử tri và đã trả lời 220 (tỷ lệ 100%); đến nay có 182 ý kiến giải quyết xong (tỷ lệ 82,7%), đang giải quyết 38 ý kiến ( tỷ lệ 17,3%). 

Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá, hiện việc tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, giám sát giải quyết kiến nghị cử tri được Thường trực HĐND các cấp thành phố, đặc biệt là cấp huyện thực hiện đổi mới, quy củ, đúng quy định và đạt chất lượng, hiệu quả rất thiết thực. Trong đó, HĐND thành phố và một số đơn vị đã ban hành các nghị quyết về giải quyết kiến nghị cử tri thường xuyên tại các kỳ họp thường lệ là bước tiến quan trọng nâng cao chất lượng giải quyết kiến nghị, thể hiện đúng tinh thần trách nhiệm của cơ quan dân cử, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri. 

Đẩy mạnh giám sát việc quyết kiến nghị của cử tri

Hiện việc giải quyết kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội còn một số tồn tại, hạn chế, như: việc tổng hợp, thông tin kết quả giải quyết, trả lời của các cơ quan có thẩm quyền đến cử tri còn chưa rộng khắp; công tác theo dõi, giám sát việc giải quyết của các Ban HĐND đối với lĩnh vực phụ trách và của Tổ đại biểu đối với các kiến nghị cử tri trên địa bàn còn chưa chặt chẽ, kỹ càng; chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số cơ quan quản lý Nhà nước chưa cao, vẫn còn hiện tượng nhầm lẫn giữa đơn khiếu nại, tố cáo với đơn kiến nghị, phản ánh. Một số vụ việc cụ thể giải quyết chưa thấu tình đạt lý, thiếu tính khả thi, phải giải quyết nhiều lần… làm ảnh hưởng đến quyền lợi vật chất cũng như tinh thần của người dân.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn thực hiện giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri cấp Quận, huyện

Từ hạn chế này, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tiếp tục đưa ra giải pháp đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp nói chung, tạo điều kiện tương hỗ cho hoạt động tiếp xúc cử tri, giải quyết kiến nghị cử tri, tiếp công dân và xử lý đơn thư đổi mới, chất lượng, hiệu quả; đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân...Theo đó, Thường trực HĐND Hà Nội đề nghị HĐND các cấp tiếp tục đẩy mạnh tăng cường giám sát việc thi hành Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND, gắn với theo dõi việc thực hiện lời hứa của đại biểu trước cử tri Nhân dân, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Mặt khác, đổi mới hơn nữa công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân theo đúng quy định... Thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể về tầm quan trọng trong việc TXCT, tiếp công dân và giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đồng thời, tăng cường TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực, nhóm đối tượng… Đẩy mạnh giám sát chuyên đề đối với lĩnh vực giải quyết kiến nghị của cử tri, trong đó cần lựa chọn tập trung vào những vấn đề chưa được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng chưa dứt điểm; những vấn đề UBND cùng các cơ quan liên quan hứa giải quyết trong thời gian nhất định để giám sát. Cùng với đó, tăng cường đôn đốc việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri sau giám sát đã được chỉ ra để sớm được trả lời, giải quyết thấu đáo trên thực tế.

Kinh nghiệm cho thấy, để hoạt động tiếp xúc cử tri, giải quyết kiến nghị cử tri hợp tình, hợp lý đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân, mỗi đại biểu HĐND các cấp cần không ngừng cải tiến, đổi mới phương thức tổ chức hoạt động trên các mặt. Trong đó, Thường trực HĐND các cấp tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đại biểu HĐND và công chức tham mưu, giúp việc về công tác tiếp xúc cử tri, kỹ năng tiếp công dân, giám sát giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nhằm đáp ứng kịp thời các yêu cầu, mục tiêu đã đề ra. Gắn bó mật thiết với cử tri, liên hệ thường xuyên với cử tri không chỉ là nhiệm vụ của đại biểu HĐND được pháp luật quy định, mà còn là yêu cầu bức thiết để HĐND và đại biểu HĐND nắm bắt được thực tiễn, nguyện vọng, ý chí của người dân và làm tròn trách nhiệm là người đại diện cho tiếng nói, ý chí và nguyện vọng của cử tri.

Ông Nguyễn Ngọc Việt, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội, Đại biểu HĐND TP Hà Nội

Ông Nguyễn Ngọc Việt, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội cho rằng, để nâng cao chất lượng, cần thiết ngay ở HĐND các cấp, nên có quy trình tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, giám sát giải quyết kiến nghị cử tri và công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân một cách chi tiết, khoa học, hiệu quả và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm chuyên biệt. Đặc biệt, bộ phận giúp việc lĩnh vực này cần có kinh nghiệm, trình độ, để tham mưu, rà soát, phân loại, tổng hợp kiến nghị cử tri; tăng cường các hình thức trao đổi, tuyên truyền, phổ biến thông tin về kết quả trả lời, giải quyết của các cơ quan chức năng tới cử tri; qua đó các kiến nghị cử tri được tổng hợp đảm bảo rõ ràng về nội dung, tránh tình trạng chung chung, không đúng thẩm quyền giải quyết.

Hải Yến