VIỆC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN CẦN TRIỂN KHAI MỘT CÁCH ĐỒNG BỘ, TOÀN DIỆN, LIÊN TỤC, CÓ TRỌNG ĐIỂM

03/10/2023

Chia sẻ kinh nghiệm với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Việt Nam về hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc gắn với xóa đói giảm nghèo tại CHDCND Lào, đại diện Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Lào cho rằng, việc phát triển nông thôn cần triển khai một cách đồng bộ, toàn diện, liên tục, có trọng điểm, coi việc xây dựng gia đình kiểu mẫu, bản phát triển phải có tính bền vững. Đồng thời cần có các chính sách ưu đãi cho các công ty, doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, tích cực tham gia vào việc thúc đẩy, khuyến khích sản xuất, xóa đói giảm nghèo cho người dân.

TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM GIỮA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM VÀ ỦY BAN DÂN TỘC CỦA QUỐC HỘI LÀO: NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN LẬP PHÁP TRONG LĨNH VỰC DÂN TỘC

Ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về công tác phát triển nông thôn

Chia sẻ kinh nghiệm với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Việt Nam về hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc gắn với xóa đói giảm nghèo tại CHDCND Lào, bà Khanthong Phanthachak - ĐBQH khu vực 11, tỉnh Bolikhamxai, Ủy viên Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Lào cho biết, tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ IX (2021-2026), để phấn đấu đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2026, Đảng và Chính phủ Lào hết sức quan tâm tới việc phát triển vào các vùng và khu vực để tiến tới việc phát triển xanh và bền vững, trong đó tập trung vào công tác xây dựng cơ sở chính trị, phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo, coi đây là mặt trận quan trọng bậc nhất trong công cuộc phát triển đất nước, trong việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, luật pháp và các quy định của Nhà nước, từ cấp cơ sở trở lên. Do vậy, kể từ khi giải phóng đất nước cho tới nay, Đảng và chính quyền nước này đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về công tác phát triển nông thôn.

Bà Khanthong Phanthachak - ĐBQH khu vực 11, tỉnh Bolikhamxai, Ủy viên Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Lào chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc gắn với xóa đói giảm nghèo tại CHDCND Lào.

Ủy viên Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Lào Khanthong Phanthachak cho biết, trong những năm qua, các cấp, các ngành ở cả Trung ương và địa phương nước này đã chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung nguồn lực vào việc tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển nông thông và xóa đói giảm nghèo, theo định hướng nông thôn mới và có trọng tâm, trọng điểm ưu tiên theo Quyết định số 65/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung vào các khu vực nông thôn ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và khu vực dân tộc thiểu số, để giúp cho các khu vực trọng điểm và các khu vực khác được phát triển, giúp cải thiện chất lượng đời sống của người dân ngày càng tốt hơn và đạt được một số kết quả tích cực.

Theo đó, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của Lào đã được tập trung cải tạo và xây dựng hệ thống thủy lợi tại khu vực nông thôn ở vùng sâu vùng xa nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất lượng thực và sản xuất nông sản của người dân ở nông thôn được tốt hơn.

Cơ sở hạ tầng bưu chính viễn thông và thông tin đã được mở rộng tới các vùng nông thôn, giúp cho mạng lưới dịch vụ bưu chính viễn thông và thông tin được phổ cập sâu tới các vùng nông thôn. Cơ sở hạ tầng năng lượng như hệ thống lưới điện đã được xây dựng và mở rộng tới các vùng nông thôn, người dân tại khu vực nông thôn được sử dụng điện vào việc sản xuất và sinh hoạt.

Đồng thời mở rộng cơ hội và nâng cao trình độ giáo dục, khuyến khích đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm của người dân tại khu vực nông thôn; nhân rộng các trường dạy nghề, đào tạo nghề và các ngành nghề khác. Các tiêu chí về giáo dục đạt và vượt chỉ tiêu đề ra trong các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Việc chăm sóc sức khỏe và vệ sinh dịch tế đạt kết quả tốt với việc mở rộng mạng lưới dịch vụ y tế được quan tâm nâng cấp và mở rộng tới các vùng nông thôn, gắn với việc nâng cao năng lực cho đội ngũ y bác sĩ và cung ứng trang thiết bị vật tư y tế.

Văn hóa nghệ thuật của các dân tộc ở vùng nông thôn, khu vực vùng sâu vùng xa của Lào cũng được quan tâm thúc đẩy, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn giữ gìn và phát huy, các hủ tục, tình trạng mê tín dị đoan có sự chuyển đổi tích cực.

Chính sách sắp xếp khu định cư và nghề nghiệp ổn định cho người dân các dân tộc đã được cụ thể hóa trong các luật, các quy định và trở thành căn cứ cho việc tổ chức thực hiện.

Chất lượng cuộc sống và xóa đòi giảm nghèo của người dân đã được nâng lên, đã phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, khuyến khích, thúc đẩy sản xuất lương thực và sản xuất hàng hóa của người dân vùng nông thôn có một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh, của huyện và của bản.

Đáng lưu ý, Đảng bộ, chính quyền các cấp của Lào đã tập trung triển khai Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về việc xây dựng bản phát triển, xây dựng các bản lớn thành các thị trấn ở vùng nông thôn và Nghị quyết 03 về công tác 3 xây thành các chương trình, kế hoạch cụ thể và đã lãnh đạo chỉ đạo việc tổ chức thực hiện thành hệ thống.

Công tác phát triển nông thôn ở Lào còn có nhiều khoảng cách giữa nông thôn và thành thị

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, Ủy viên Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Lào đã chỉ ra một số vướng mắc trong quá tình triển khai thực hiện như việc xây dựng những bản lớn thành các thị trấn trong vùng nông thôn theo Nghị quyết 03 của Bộ Chính trị còn thiếu việc lập kế hoạch một cách toàn diện, phần lớn chỉ đạt được số lượng, nhưng chất lượng thấp. Việc phát triển nông thôn còn thiếu quy hoạch phát triển tổng thể, việc xây dựng quy hoạch, chương trình, dự án phát triển nông thôn chưa có sự nhuần nhuyễn giữa các ngành ở Trung ương và các cơ quan quản lý ở địa phương, chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của người dân, việc cấp vốn triển khai không theo tiến độ, chưa có trọng tâm, trọng điểm.

Chất lượng cuộc sống của người dân Lào đã được nâng lên (Ảnh minh họa)

Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, dịch vụ và sinh hoạt của người dân ở vùng nông thôn chưa được đảm bảo; năng lực hệ thống thủy lợi, trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp chưa mạnh; đường giao thông, viễn thông, điện lực và thương mại nông thôn còn hạn chế; việc giáo dục dạy nghề để chuyển đổi cách thức mưu sinh theo hướng nông nghiệp hiện đại, khoa học kỹ thuật tiến bộ còn chưa được nhiều; chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe chưa cao; văn hóa, nghệ thuật của địa phương chưa được khuyến khích đầy đủ.

Bên cạnh đó, vấn đề di cư tự do của người dân ở nhiều địa phương còn diễn ra nhiều, việc bố trí khu định cư và nghề nghiệp ổn định cho người dân tại nhiều nơi chưa đúng với định hướng. Việc xây dựng bản phát triển và xây dựng bản lớn thành thị trấn nhỏ ở vùng nông thôn chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa đảm bảo các tiêu chuẩn, hình mẫu chưa nhiều, nhiều nơi thiếu tính bền vững…

Nhìn chung, Ủy viên Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Lào Khanthong Phanthachak nhận thấy, công tác phát triển nông thôn ở Lào còn có nhiều khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, là thách thức đối với công tác an ninh, trật tự an toàn xã hội, sự ổn định của chế độ, ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước nhằm thoát khỏi tình trạng một quốc gia kém phát triển.

Việc phát triển nông thôn cần triển khai một cách đồng bộ, toàn diện

Qua việc tổ chức thực hiện thời gian qua, Ủy viên Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Lào Khanthong Phanthachak đã tổng kết và rút ra một số bài học kinh nghiệm, trong đó nhấn mạnh việc phát triển nông thôn cần triển khai một cách đồng bộ, toàn diện, liên tục, có trọng điểm, coi việc xây dựng gia đình kiểu mẫu, bản phát triển phải có tính bền vững.

Muốn nông thôn có thể phát triển được thì cần có các chính sách ưu đãi cho các công ty, doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, tích cực tham gia vào việc thúc đẩy, khuyến khích sản xuất và dịch vụ hàng hóa, xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Đảng bộ và chính quyền cần chủ động nghiên cứu, nắm chắc đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách của Nhà nước, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm, có tư duy sáng tạo, chủ động huy động các nguồn lực từ các thành phần khác trong xã hội.

Ngoài ra, cần phải có cơ chế phối hợp hài hòa giữa các ngành ở Trung ương và địa phương. Cần củng cố hệ thống chính trị ở cấp cơ sở vững mạnh để tiếp tục lãnh đạo việc tổ chức thực hiện các chương trình, dự án phát triển nông thôn một cách bền vững.

Đi liền với đó, có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ, tri thức ở các cơ quan, sở ngành xuống cơ sở tại các vùng nông thôn để đào tạo trở thành những cán bộ nối tiếp trong tương lai. Đồng thời tiếp tục tăng cường quan hệ, hợp tác với các nước bạn bè chiến lược, tranh thủ cơ hội kết nối, hội nhập với khu vực và thế giới.

Đại diện Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Lào cũng đề xuất một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới, trong đó tập trung rà soát và sửa đổi một số Luật và các quy định pháp lý liên quan cho phù hợp với thực tiễn trong từng giai đoạn, nhất là các tiêu chí về chuẩn thoát nghèo và tiêu chuẩn phát triển theo Nghị định 348/NĐ-CP của Chính phủ.

Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương tiến hành theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và tổng kết báo cáo về công tác phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo theo từng giai đoạn để Trung ương Đảng và Chính phủ Lào có chỉ đạo kịp thời./.

Bích Ngọc