ĐBQH NGUYỄN THỊ SỬU: NÂNG CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM KHI ĐÁNH GIÁ CÔNG TÂM, KHÁCH QUAN VỚI NHỮNG NGƯỜI GIỮ CHỨC VỤ

23/10/2023

Để việc lấy phiếu tín nhiệm được khách quan, công tâm nhất, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, mỗi ĐBQH cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, có tâm, có tầm khi đánh giá đúng, đầy đủ năng lực, phẩm chất, tinh thần trách nhiệm, sự cống hiến trong thời gian qua của những người giữ chức vụ.

KHAI MẠC TRỌNG THỂ KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV: THỂ CHẾ HÓA KỊP THỜI CÁC QUYẾT ĐỊNH QUAN TRỌNG CỦA ĐẢNG, KHẲNG ĐỊNH QUYẾT TÂM VÀ SỰ CHUẨN BỊ CHẮC CHẮN ĐỂ CẢ NƯỚC BỨT PHÁ

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 23/10: KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Sáng 23/10, dưới sự chủ trì của Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV chính thức khai mạc. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 09 dự án luật; xem xét, cho ý kiến đối với 08 dự án luật khác.

Toàn cảnh Phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

Là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023; xem xét và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, trong đó có phương án cải cách tiền lương từ 01/7/2024; xem xét tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, quyết định kế hoạch đầu tư công năm 2024; xem xét Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2024 - 2026; đồng thời, xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với  các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là phương thức giám sát quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Bên hành lang Quốc hội, phóng viên Cổng Thông tin điện tử phỏng vấn ĐBQH Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thừa Thiên Huế xung quanh những nội dung trên.

Phóng viên: Thưa đại biểu, kỳ họp thứ 6 có nhiều nội dung quan trọng cần được xem xét, thông qua. Đại biểu kỳ vọng nhất vào nội dung nào và vì sao?

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Sau khi đóng góp ý kiến, thảo luận nhiều lần, tôi kỳ vọng tại kỳ họp thứ 6 này, Quốc hội sẽ thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là đạo luật quan trọng để triển khai các luật khác như dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)... Ngoài ra, liên quan đến các vấn đề an sinh xã hội có dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và các nội dung về địa phương có dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) là những nội dung tôi quan tâm và kỳ vọng cao vì những luật này tác động lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quyền lợi, an sinh của Nhân dân.

Có thể nói, các dự án Luật được Quốc hội đóng góp ý kiến và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 này có sự liên kết chặt chẽ, đòi hỏi sự tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phóng viên: Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín và biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Đại biểu có sự chuẩn bị, nghiên cứu đánh giá những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn để việc bỏ phiếu được khách quan nhất?

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Việc đánh giá giữa nhiệm kỳ phải gắn với trách nhiệm, công việc, kết quả của các đại biểu, người giữ chức vụ đã cống hiến của họ cho địa phương, đất nước đối với sự đảm bảo hệ thống chính trị, quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội... Trước khi lấy phiếu tín nhiệm, các ĐBQH đã được Quốc hội gửi tài liệu, thông tin của những người được lấy phiếu tín nhiệm lần này để nghiên cứu.

Trên cơ sở báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi đến từng ĐBQH, lắng nghe ý kiến của cử tri, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị mỗi ĐBQH phát huy tinh thần trách nhiệm cao đối với đất nước, đối với tổ chức, hoạt động của Quốc hội và bộ máy Nhà nước, đánh giá công tâm, khách quan và chính xác trong ghi phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Các ĐBQH tham dự kỳ họp thứ 6.

Để việc lấy phiếu tín nhiệm được khách quan, công tâm nhất, tôi cũng mong rằng, mỗi ĐBQH cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, có tâm, có tầm khi đánh giá đúng, đầy đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, sự cống hiến trong thời gian qua của những người giữ chức vụ.

Phóng viên: Tại  kỳ họp này, Quốc hội sẽ nhìn lại bức tranh nền kinh tế-xã hội của nước ta trong nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đại biểu có kỳ vọng như thế nào về nội dung này?

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Tôi kỳ vọng, các ĐBQH sẽ đưa ra được những giải pháp mới để triển khai thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã được đặt ra từ đầu nhiệm kỳ và triển khai thành công Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng như triển khai tốt chương trình kinh tế-xã hội giai đoạn 2020-2025.

Tôi kỳ vọng, với sự chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan, những năm còn lại của nhiệm kỳ khóa XV, chúng ta sẽ đạt được những kết quả, mục tiêu đề ra. Điều này cũng góp phần nâng cao niềm tin tưởng của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan - Trọng Quỳnh