PGS.TS- ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV - VÌ LỢI ÍCH CỦA DÂN ĐỂ CHỌN QUYẾT SÁCH
DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Văn hóa ngày càng được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội
Phóng viên: Tại ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển KTXH năm 2024. Ông có đánh giá như thế nào về thành quả trong lĩnh vực văn hóa?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Một trong những thành quả đáng ghi nhận sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là lĩnh vực văn hóa có nhiều chuyển biến tiến bộ. Khẳng định sự quan tâm cho lĩnh vực văn hóa, trong Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2024 trình bày tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã 15 lần đề cập đến từ “văn hóa”.
Đầu tiên là những đánh giá tích cực về những thành tựu cơ bản của ngành như: “Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư phát triển, đạt kết quả rõ nét hơn. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống và di sản văn hoá của dân tộc được kế thừa, bảo tồn, tôn tạo và phát triển; quan tâm bố trí nguồn lực của Nhà nước và phát huy các nguồn lực xã hội cho lĩnh vực văn hóa.”
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo trước Quốc hội
Rõ ràng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 là một dấu mốc đặc biệt đối với sự phát triển văn hóa Việt Nam. Kể từ sau Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, sự quan tâm của toàn xã hội cho văn hóa đã có những chuyển biến tích cực, thể hiện ở các hội nghị văn hóa toàn tỉnh, hội thảo và đặc biệt là những chương trình, dự án cụ thể cho văn hóa.
Từ cuối năm 2021 đến nay, chúng ta đã có nhiều việc làm thiết thực để đưa chủ trương, đường lối văn hóa của Đảng đi vào cuộc sống. Minh chứng sinh động nhất là việc tổ chức hai hội thảo quy mô toàn quốc: Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp tổ chức ngày 29/11/2022 tại Hà Nội; Hội thảo “Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp tổ chức vào 17/12/2022 tại Bắc Ninh.
Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển KTXH năm 2024
Đây là hai hội thảo có quy mô lớn nhất, sức ảnh hưởng mạnh nhất, thu hút nhiều bài tham luận nhất của các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, nhà quản lý văn hóa kể từ khi đất nước đổi mới (năm 1986) đến nay. Điều đó cho thấy, Đảng, Nhà nước ta thực sự coi trọng lĩnh vực văn hóa, đưa văn hóa trở lại đúng vị trí, vai trò trong quá trình phát triển đất nước, thấm nhuần sâu sắc chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” và quan điểm của Đảng “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Nhằm góp phần tạo ra sự chuyển biến nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, ngay đầu năm 2023, các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (2-1943 / 2-2023) gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa được tổ chức rộng khắp, hiệu quả ở cả cấp Trung ương và các địa phương, từ đó tạo ra luồng sinh khí mới trong đời sống văn hóa nước nhà…
Từ đó, các cấp ủy đảng, các ngành, địa phương ngày càng quan tâm, coi trọng văn hóa, từ đó có những giải pháp thiết thực, khả thi nhằm từng bước đưa văn hóa phát triển tương xứng với kinh KTXH. Ngân sách nhà nước đầu tư cho lĩnh vực văn hóa đã có sự gia tăng đáng kể, góp phần làm cho văn hóa ngày càng thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và trở thành sức mạnh nội sinh thúc đẩy đất nước phát triển bền vững.
Chúng ta thấy rằng, kết quả đó đã giúp gắn văn hóa với KTXH, chứng minh sức mạnh và sự lan tỏa của văn hóa trong quá trình phát triển bền vững đất nước. Chuyển biến từ nhận thức đến hành động này đã khích lệ tinh thần, tạo ra động lực cho toàn ngành văn hóa và cả xã hội, góp phần củng cố hơn nữa nền tảng tinh thần và hệ điều tiết của xã hội trong giai đoạn mới.
Xác định “con người”, “văn hóa” là nguồn lực “gốc rễ” để phát triển đất nước
Phóng viên: Trong bài học kinh nghiệm, Báo cáo của Chính phủ có khẳng định “Lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất, là động lực và mục tiêu của sự phát triển; chú trọng ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển văn hóa, xã hội; đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin trong Nhân dân”. Ông có suy nghĩ thế nào?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Văn hóa và con người luôn là mục tiêu cuối cùng của sự phát triển KTXH. Chính vì thế, bài học kinh nghiệm được Thủ tướng đưa ra trong Báo cáo là: “Lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất, là động lực và mục tiêu của sự phát triển; chú trọng ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển văn hóa, xã hội; đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin trong Nhân dân”.
Ở đó, đặt nguồn lực văn hóa và nguồn lực con người vào vị trí “trung tâm”, “gốc rễ” của sự phát triển là một nguyên tắc quan trọng. Bởi mọi nguồn lực cho sự phát triển của quốc gia - dân tộc cũng không nằm ngoài đích hướng tới cao nhất và cuối cùng là vì con người, nâng cao toàn diện chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của con người. Phát triển con người để nâng tầm văn hóa. Phát triển văn hóa để hoàn thiện phẩm chất, giá trị con người. Điều đó bao gồm đảm bảo quyền con người, phát huy tiềm năng và tạo điều kiện cho sự phát triển cá nhân và xã hội. Quan điểm này thúc đẩy việc xem xét mọi quyết định và hành động trên cơ sở lợi ích của Nhân dân, vì Nhân dân và từ đó hướng đến xây dựng cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp cho mọi người.
Các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Trong khi đó, việc ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển văn hóa cũng quan trọng để xây dựng một xã hội phát triển bền vững dựa trên những giá trị nhân văn. Chắc chắn là, phát triển văn hóa sẽ giúp củng cố tinh thần yêu nước, đoàn kết và những giá trị quan trọng khác, tạo điều kiện cho mọi người tham gia vào cuộc sống xã hội một cách tích cực và đóng góp cho sự phát triển bền vững.
Còn truyền thông chính sách hiệu quả chính là cách giúp tạo ra sự đồng thuận trong xã hội và củng cố niềm tin của nhân dân, tạo điều kiện để phục vụ lợi ích của nhân dân và thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá là nhiệm vụ cấp bách để tạo sức bật mới, mang tính định hướng cho phát triển văn hóa
Phóng viên: Về quan điểm chỉ đạo điều hành và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới liên quan đến phát triển văn hóa và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề cập trong Báo cáo sáng nay, ông có bình luận gì?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi cho rằng, trong bối cảnh thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, có nhiều thách thức, sự phát triển KTXH và văn hóa trong giai đoạn sắp tới sẽ gặp nhiều khó khăn, nên nhiệm vụ “phát triển văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân”mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu ra trong quan điểm chỉ đạo điều hành trong giai đoạn tới vẫn rất quan trọng và hết sức nặng nề. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã cho thấy, thời kỳ nào con người và văn hóa được coi trọng thì quốc gia hưng thịnh, toàn dân trên dưới đồng lòng, sẵn sàng đối đầu với mọi “sóng gió” và vượt qua mọi thử thách; ngược lại, khi văn hóa xuống cấp, bị coi nhẹ, con người không được đặt vào vị trí trung tâm của mọi quyết sách phát triển đất nước thì đất nước suy yếu, rơi vào cảnh lầm than.
Cần phải khẳng định, văn hóa là một yếu tố quan trọng xác định đạo đức, lối sống, giá trị cao đẹp, và lòng tự hào dân tộc, đồng thời lan tỏa sức mạnh sang các lĩnh vực KTXH, luôn phải được xem xét trong quá trình hoạch định chính sách phát triển KTXH. Phát triển văn hóa chính là cách bảo đảm đạo đức, lối sống và những giá trị của cộng đồng, dân tộc được bảo tồn và phát triển, giúp ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức xã hội, tạo ra môi trường tích cực cho sự phát triển cho mỗi cá nhân và toàn xã hội. Bên cạnh đó, phát triển văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra cơ hội cho mọi người tham gia vào các hoạt động xã hội và hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế.
Để đạt được những mục tiêu đó, để văn hóa thấm sâu, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển KTXH, thì việc “Tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị. Tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá Việt Nam” cần phải được xem như nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị như Báo cáo của Chính phủ đã xác định. Ở đó, tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá là công việc cấp bách, quan trọng để tạo nguồn lực mới, sức bật mới, mang tính định hướng cho sự phát triển văn hóa, con người những năm sắp tới.
Thêm vào đó, những nhiệm vụ không kém phần quan trọng khác như: “Chú trọng xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, đời sống văn hoá cơ sở, đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; Quan tâm đầu tư hơn nữa cho bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc; Chú trọng xây dựng con người có nhân cách, môi trường văn hoá lành mạnh, văn hoá công chức, văn hoá công vụ; chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên; Huy động nguồn lực trung ương và địa phương, nguồn lực trong và ngoài nhà nước phục vụ công tác tôn tạo, phát huy các di sản quốc tế, quốc gia. Hoàn thiện cơ chế, chính sách khơi dậy sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ; Đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công tư, thu hút đầu tư phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đồng bộ, hiện đại. Dành nguồn lực hợp lý để thúc đẩy thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao”,... như đã được Thủ tướng Chính phủ đặt ra, là những giải pháp hết sức có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay.
Năm 2024 và đặc biệt là năm 2025 sắp tới sẽ có rất nhiều lễ kỷ niệm lớn của đất nước (80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 70 năm chiến thắng Điện Biên, 70 năm giải phóng Thủ đô, 80 năm thành lập Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), 50 năm thống nhất đất nước...) cũng như của ngành văn hóa (80 năm thành lập ngành văn hóa, 100 năm thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam),...). Văn hóa nghệ thuật lại là lĩnh vực góp phần lan tỏa thông điệp tốt đẹp từ những sự kiện quan trọng này.
Giữa bối cảnh như vậy, để có những sản phẩm xứng tầm thời đại, còn mãi với thời gian, các sản phẩm văn hóa nghệ thuật cần có thời gian để hình thành và kết tinh thành giá trị. Vì thế, tôi rất ấn tượng và ghi nhận thông điệp sâu sắc của Thủ tướng rằng: “Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2023 và năm 2024 đặt ra là rất nặng nề và có ý nghĩa quan trọng, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, năng động, đổi mới, sáng tạo, không lùi bước trước khó khăn, thách thức, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm. Chính phủ trân trọng đề nghị và mong tiếp tục nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chủ động, tích cực, quan tâm, đồng hành, ủng hộ, kề vai sát cánh và giám sát của Quốc hội, Chủ tịch nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể Nhân dân, toàn thể đồng bào, cử tri cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài để nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra của năm 2023 và năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nhanh chóng hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân ấm no, hạnh phúc; xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong ước.”.
Và thực tế kết quả thời gian qua đã cho thấy, văn hóa chính là một trong những lĩnh vực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này!
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!