THẢO LUẬN TẠI TỔ 1: NÊN TÁCH VIỆC BỒI THƯỜNG, GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG THÀNH TIỂU DỰ ÁN VÀ GIAO CHO ĐỊA PHƯƠNG CÓ TUYẾN ĐƯỜNG ĐI QUA THỰC HIỆN

27/10/2023

Thảo luận tại Tổ 1 về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, các ĐBQH cho rằng, nên Tách nội dung bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần hoặc tiểu dự án trong dự án tổng thể và giao cho địa phương có tuyến đường đi qua thực hiện.

THẢO LUẬN TẠI TỔ 1: GIẢI QUYẾT DỨT ĐIỂM, KHÔNG ĐỂ CÁC DỰ ÁN BẤT ĐỘNG SẢN, XÂY DỰNG CHẬM TRIỂN KHAI KÉO DÀI

THẢO LUẬN TẠI TỔ 1: TIẾP TỤC CÁC GIẢI PHÁP HỮU HIỆU THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI, KIỀM CHẾ LẠM PHÁT

Thực hiện chương trình kỳ họp thứ 6, chiều 27/10, Quốc hội thảo luận ở Tổ về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 1.

Thảo luận tại Tổ 1 gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Tp.Hà Nội. Đa số các ĐBQH cho rằng, trên cơ sở đánh giá quá trình triển khai thực hiện các quy định pháp luật trong thực tiễn thời gian qua đã phát sinh một số nội dung chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế về đầu tư phát triển các dự án đường bộ, theo đó Chính phủ đã đề xuất các chính sách thí điểm đặc thù, nhằm bảo đảm thực hiện thành công chủ trương của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động, nhất là các nguồn lực ngoài nhà nước. Do đó, nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết.

Tuy nhiên, có ý kiến không tán thành với các đề xuất của Chính phủ do việc triển khai các quy định này chưa rõ về kết quả tích cực nhưng có thể dẫn đến hệ lụy tiêu cực. Vì vậy, đề nghị bổ sung đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ hơn về tác động của các chính sách, làm rõ hơn đối với tác động đến thu, chi ngân sách nhà nước, nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách.

Các ĐBQH tham gia Phiên thảo luận tại Tổ 1.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, Nghị quyết đã giải quyết được các vấn đề vướng mắc do chính các quy định pháp luật chưa phù hợp thực tế nhưng chỉ giới hạn cho một số dự án mà chưa xét hết các dự án đang cần tháo gỡ các vướng mắc bởi chính các quy định pháp luật chưa phù hợp với thực tế này. Quốc hội không thể giải quyết riêng lẻ từng dự án nên cần có sự điều chỉnh phạm vi để Chính phủ có thể giải quyết các vướng mắc. Cụ thể tại khoản 4 Điều 3 quy định: “Các dự án đề xuất phải thuộc một trong các nhóm chính sách đang đề xuất thí điểm của Nghị quyết này” thì nên điều chỉnh thành: “Các dự án đề xuất do Chính phủ quyết định dựa trên các nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Nghị quyết này.

Ngoài ra, tại Khoản 1 các Điều 4, 5, 6, 7; Khoản 2 Điều 8 cần bỏ nội dung quy định cục bộ cho một số dự án do còn nhiều dự án nằm ngoài danh mục nhưng không được đưa vào Nghị quyết. Ví dụ Khoản 1 Điều 4 quy định về tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án PPP.

Thời gian qua, Luật Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã ban hành nhưng ít dự án PPP được triển khai, không hấp dẫn nhà đầu tư do giới hạn dưới vốn ngân sách Nhà nước tối đa 50%. Các dự án ở vùng miền núi khó khăn, chi phi đầu tư cao, lưu lượng thấp, thời gian hoàn vốn kéo dài 20 – 30 năm, việc đầu tư những dự án này theo hình thức PPP là rất đáng hoan nghênh để giảm áp lực cho vốn ngân sách Nhà nước nhưng các ngân hàng chỉ cấp tín dụng với thời gian trả nợ là 15 năm. Vì vậy, cần tăng tỷ lệ vốn ngân sách Nhà nước tham gia để đảm bảo điều kiện này.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc dẫn chứng, thực tế cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2016-2021 thì chỉ có các dự án có vốn ngân sách Nhà nước 55-65% mới lựa chọn được Nhà đầu tư. Do đó, cần ưu tiên bố trí vốn ngân sách Nhà nước tối đa 70% cho các dự án ở vùng miền núi khó khăn, chi phi đầu tư cao, lưu lượng hiện tại thấp, kém hấp dẫn Nhà đầu tư nhưng rất cần cao tốc để đột phá phát triển. Ví dụ như các tỉnh Đông Bắc Bộ là các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng...

Đại biểu Nguyễn Phi Thường đóng góp ý kiến về việc giao một UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án qua nhiều địa phương có một số nội dung cần được cập nhật, bổ sung. Theo đó, với đặc thù dự án công trình giao thông đường bộ đi qua nhiều địa phương tương ứng với các cơ chế chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng khác nhau. Cùng với đó là việc đan xen nguồn vốn khác nhau sẽ là khó khăn không nhỏ cho cơ quan chủ quản trong quá trình triển khai các thủ tục đầu tư, triển khai đầu tư dự án.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường.

Từ kinh nghiệm triển khai tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang được thực hiện có hiệu qua, cần cập nhật bổ sung cơ chế đối với loại dự án này vào Điều 6 dự thảo Nghị Quyết theo hướng: Tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần hoặc tiểu dự án trong dự án tổng thể và giao cho địa phương có tuyến đường đi qua thực hiện. Việc bố trí vốn của địa phương và vốn ngân sách Trung ương ưu tiên bố trí đủ cho dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng tại từng địa phương. Dự án đầu tư xây lắp sử dụng đa dạng nguồn vốn, linh hoạt cơ cấu nguồn vốn.

Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, cần có nghị quyết đặc thù với các dự án đầu tư công. Theo đó, cần đẩy nhanh đầu tư công để giải quyết về hạ tầng giao thông, tăng trưởng kinh tế. Tất cả dự án PPP phải tách riêng về giải phóng mặt bằng. Khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ mà đã giao cho các địa phương thực hiện thì sẽ quản lý và chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện. Điều này nhằm hạn chế cơ chế xin-cho nếu có vấn đề phát sinh.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường.

Trong khuôn khổ phiên thảo luận, các ĐBQH tại Tổ 1 còn cho ý kiến về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đa số các ĐBQH cho rằng, tiến độ của dự án còn rất chậm và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó cần có sự quyết tâm, nỗ lực của các cơ quan liên quan. Do đó, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung giải quyết các nội dung về bố trí vốn, giao chủ đầu tư và chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện Dự án trụ sở cơ quan quản lý nhà nước tại Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đáp ứng tiến độ hoàn thành trước ngày 31/12/2024.

Phát biểu kết luận Phiên thảo luận, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cảm ơn và ghi nhận những ý kiến, đề xuât của các ĐBQH đối với Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Những ý kiến sẽ được Tổ Thư ký ghi chép đầy đủ để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này.

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận tại Tổ 1:

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 1.

Các đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội tham gia thảo luận tại Tổ 1.

Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Đinh Tiến Dũng đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận ở Tổ 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường nêu quan điểm tại Phiên thảo luận.

Đại biểu Hoàng Văn Cường đề cập về vấn đề thực hiện giải phóng mặt bằng khi thực hiện đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc đề cập về Tỷ lệ vốn ngân sách Nhà nước tham gia vào dự án PPP.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ 1./.

Bích Lan - Nghĩa Đức

Các bài viết khác