TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 23/10: KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHOÁ XV
Đánh giá sâu hơn, thực chất “sức khỏe” của doanh nghiệp
Đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nêu rõ, đánh giá về doanh nghiệp, các báo cáo đều lấy các số liệu bao gồm: Một là thành lập mới, hai là giải thể, phá sản, rút khỏi thị trường, ba là quy mô vốn và bốn là tỷ lệ lao động. Đại biểu cho rằng đây mới chỉ là những con số cơ học mà điều quan trọng, thực chất hơn là chất lượng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nộp thuế bao nhiêu, doanh nghiệp có bao nhiêu lao động và đặc biệt là trong số doanh nghiệp thì phải phân chia ra có những doanh nghiệp rất mới, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp lớn…để có những chính sách, hỗ trợ phù hợp với từng nhóm doanh nghiệp.
Đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai
Mặt khác, báo cáo cũng chỉ rõ những vướng của doanh nghiệp như khả năng tiếp cận nguồn lực cho đầu tư; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng xây dựng thực thi chính sách, pháp luật; chính sách hỗ trợ giảm chi phí kinh doanh, giảm sức cạnh tranh; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ. Và 05 khó khăn với doanh nghiệp là nhu cầu thị trường trong nước thấp; khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước; nhu cầu của thị trường quốc tế thấp; khó khăn về tài chính và lãi suất vay vốn cao.
Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng những khó khăn, vướng mắc được nêu trong báo cáo lần này là những vấn đề đã kéo dài từ vài năm trở lại đây. Nếu cứ nêu ra nhưng lại không có những giải pháp thực sự trực tiếp và cụ thể thì sẽ rất khó để hỗ trợ cho hệ thống doanh nghiệp, đại biểu nhấn mạnh.
Nhìn nhận khó khăn của doanh nghiệp trong mối quan hệ với người lao động và tác động đến người lao động, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai thống nhất với đánh giá về tốc độc tăng trưởng có sự suy giảm; đồng thời cho biết thêm có những nhóm ngành nghề, lĩnh vực có sự giảm sâu như điện tử, cơ khí, giày da, may mặc và gỗ, v.v..
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý dẫn chứng thực tiễn tại Đồng Nai, về da giày chiếm đến 220.000 lao động, đối với dệt may là trên 70.000 lao động, ngành gỗ là trên 40.000 và cơ khí là trên 35.000. Từ những con số trên cho thấy khó khăn giảm giờ làm ở trong các doanh nghiệp có số lượng lao động lớn như trên đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động. Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý đề nghị cần phải đánh giá chi tiết hơn và có những giải pháp căn cơ hơn.
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai
Có chung đề nghị về việc phân định rõ quy mô doanh nghiệp để có hỗ trợ phù hợp, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý chỉ rõ, báo cáo của Chính phủ nêu số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể rất lớn với số lượng là 135.000 doanh nghiệp và so sánh thấp hơn tổng số 165.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Đại biểu cho rằng, ở đây cần đánh giá sâu về các doanh nghiệp giảm lao động chiếm tỷ lệ bao nhiêu lao động so với tổng số doanh nghiệp mới thành lập và quay trở lại. Đánh giá sâu để có những giải pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp cũng như có những hỗ trợ thiết thực để giảm bớt khó khăn cho người lao động. Đồng thời, lưu ý rằng trong thời gian tới, nếu có những chính sách hỗ trợ cho người lao động thì cần phải có sự nhất quán trong xác nhận bộ tiêu chí về cho các cái địa phương, để khi thực hiện địa phương không phải lúng túng và người thực hiện ở cấp cơ sở có thể làm một cách an tâm hơn.
Cần tiếp tục gia hạn các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Tô Ái Vang cho biết, qua hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp với khách hàng mà địa phương tổ chức đã cho thấy vấn đề về nguồn vốn của ngân hàng để cho vay, hỗ trợ cho vay cho các doanh nghiệp là không thiếu. Tuy nhiên việc giải ngân là rất khó khăn. Hiện nay nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp vay đang gặp khó khăn về dòng tiền sẽ không bị chuyển nhóm nợ. Nếu không tiếp tục chính sách này thì không chỉ doanh nghiệp mà cả ngân hàng cũng gặp khó vì một số doanh nghiệp đã vướng nợ xấu ở một ngân hàng thì tất cả dư nợ ở ngân hàng khác của doanh nghiệp này cũng sẽ chuyển nhóm nợ theo. Các ngân hàng này phải trích lập dự phòng trong khi doanh nghiệp càng thêm khó khăn do không còn cơ hội vay vốn để quay trở lại kinh doanh. Gia hạn nợ là điều kiện để hỗ trợ việc giải ngân tiếp theo cho các doanh nghiệp rất lớn, đại biểu Tô Ái Vang nêu rõ.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Tô Ái Vang phát biểu
Ngoài ra, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cũng đề nghị Nhà nước nên tung ra chính sách giảm nợ để cứu doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp có vốn giữ lại để chi trả lương cho người lao động cũng như cầm cự qua giai đoạn khó khăn này. Chính phủ cũng tiếp tục duy trì hỗ trợ lãi suất cho vay, cần giảm về đến mức hợp lý. Hiện nay, với mức 10%/năm, doanh nghiệp cho rằng trong điều kiện khó khăn thì đây là mức vẫn còn cao, có thể giảm tiếp xuống nữa để giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cũng lưu ý rằng các ngành nghề và tiêu chí miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cần phải công khai, minh bạch để cho tất cả các doanh nghiệp biết. Hiện nay, trong khi doanh nghiệp thì khát vốn, ngân hàng thì muốn giải ngân nhưng còn có những vấn đề vướng. Do đó, đề nghị Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan có giải pháp sớm tháo gỡ khó khăn này để hỗ trợ cho doanh nghiệp một cách kịp thời.
Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai
Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai chỉ rõ thực tiễn trong những địa bàn động lực kinh tế phát triển như Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu đều thấy một cách rõ ràng tình hình kinh doanh, hoạt động của các cơ sở kinh doanh tư nhân đang cực kì khó khăn. Có thể nhìn thấy các cửa hàng cho thuê, văn phòng cho thuê, các địa chỉ rất sầm uất trước đây của Thành phố Hồ Chí Minh thì nay đã trả mặt bằng kinh doanh rất nhiều. Đặc biệt là ở các khu nhộn nhịp về đêm như khu Bùi Viện nay rất đìu hiu. Điều đó chứng tỏ rằng hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, đại biểu cho rằng việc tiếp tục gia hạn các chính sách hỗ trợ là điều cần thiết.
Cho ý kiến về việc nên hay không nên tiếp tục hoàn thuế giá trị gia tăng và giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, mỡ nhờn cho năm 2024, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng cần phải đánh giá rất rõ và kĩ về tác động cũng như kết quả thực hiện của năm 2023.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh cho biết, riêng việc giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn của năm 2023 được đánh giá tương đối tích cực và kết quả tương đối rõ, đã tác động trực tiếp tới sản xuất và đặc biệt với dịch vụ vận tải, đời sống và mặt hàng giá cả. Tuy nhiên, giảm 2% thuế giá trị gia tăng, có thể là do thời gian áp dụng rất ngắn, mới bắt đầu từ tháng 7 cho đến thời điểm hiện tại thì để đánh giá được hiệu quả và tác động của chính sách này cũng là cả một câu chuyện, đại biểu nêu rõ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh, việc mà tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 06 tháng tiếp theo đến tháng 6/2024 (để tròn 01 năm thực hiện chính sách này) thì tổng kết lại là có thể điều chỉnh được; việc giảm 50% thuế bảo vệ môi trường cũng cần tiếp tục phải đánh giá và trong điều kiện khó khăn của doanh nghiệp như hiện nay thì chính sách này là cần thiết. Tuy nhiên, cách thức vận hành và tổ chức thực hiện và thời điểm áp dụng như thế nào cũng cần phải trao đổi rất kỹ và cần phải có thêm báo cáo từ phía Chính phủ bởi các chính sách này đã trực tiếp tác động tới giảm thu ngân sách./.