CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: KẾT QUẢ RÀ SOÁT HỆ THỐNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐÃ GIẢI ĐÁP NHIỀU VẤN ĐỀ
Góp phần chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động rà soát văn bản và xây dựng pháp luật
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nêu rõ thời gian qua, trong quá trình triển khai thực hiện pháp luật, một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã có những kiến nghị về vướng mắc, bất cập trong thực thi pháp luật. Nhiều đoàn kiểm tra, giám sát của Đảng, Nhà nước, qua xử lý các vụ án, vụ việc cũng đã có những kiến nghị khắc phục sự thiếu thống nhất, chồng chéo, mâu thuẫn có thể bị lợi dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Đặc biệt, gần đây nhiều nghị quyết của Đảng, nhất là của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã yêu cầu phải tăng cường rà soát hệ thống pháp luật để khắc phục những hạn chế, bất cập. Nếu hệ thống pháp luật mà bất cập, chồng chéo sẽ không chỉ làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước mà còn gây khó khăn cho thực hiện, ảnh hưởng đến quyền công dân, gây ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, hệ thống pháp luật bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn, không rõ ràng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm không dám làm.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu trong phiên thảo luận tại Tổ 12 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Tiền Giang
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh, với bối cảnh như vậy, việc Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 đã giao cho Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành rà soát hệ thống pháp luật là một yêu cầu rất quan trọng. Mặc dù rà soát hệ thống pháp luật là công việc thường xuyên nhưng đây là lần đầu tiên Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát để báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp. Điều này sẽ góp phần chấn chỉnh, nâng cao chất lượng không chỉ hoạt động xây dựng pháp luật mà còn cả hoạt động rà soát hệ thống pháp luật.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường ghi nhận từ Kỳ họp thứ 5 cho đến nay, với một thời gian rất ngắn nhưng với sự vào cuộc rất tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành, với sự tham gia rất tích cực của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan, tổ chức hữu quan, Chính phủ đã hoàn thành một báo cáo rất quan trọng bước đầu để báo cáo Quốc hội về kết quả rà soát hệ thống pháp luật.
Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan, tán thành với nhiều đánh giá, kiến nghị, giải pháp được đề ra trong báo cáo, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường lưu ý phải đánh giá một cách thận trọng nhiều chiều và phải làm rõ những quy định nào của pháp luật có khó khăn, vướng mắc là do tổ chức thực hiện hay là do bản thân quy định của pháp luật. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng báo cáo của Chính phủ phải chỉ ra được những hạn chế, bất cập chủ yếu của hệ thống pháp luật chứ không chỉ đơn thuần là nêu các văn bản có nội dung còn bất cập, hạn chế. Phải chỉ rõ đầy đủ những hạn chế, bất cập thì mới có những giải pháp khắc phục triệt để.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường
Cần nhìn nhận và đánh giá rõ những tồn tại, hạn chế
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong hệ thống pháp luật hiện nay. Đó là, thể chế hóa chủ trương của Đảng có trường hợp còn chậm, thể chế hóa chưa kịp thời hoặc chưa đầy đủ. Vẫn còn tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, kể cả văn bản của trung ương và văn bản của địa phương. Chất lượng một số văn bản chưa đảm bảo, thiếu tính khả thi, còn có sơ hở, bất cập, không phù hợp với thực tiễn, chồng chéo, mâu thuẫn. Nhiều trường hợp mới ban hành phải ngưng hiệu lực thi hành hoặc sửa đổi, bổ sung. Một số văn bản trái quy định của pháp luật về cả thẩm quyền ban hành, hình thức văn bản, thời điểm có hiệu lực, trái cả văn bản cấp trên về nội dung. Vẫn còn hiện tượng có những văn bản dành thuận lợi hơn cho các cơ quan nhà nước, cho việc thực thi của các bộ, ngành.
Còn có tình trạng tuân thủ trình tự, thủ tục trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế. Điều này hạn chế từ chất lượng của việc tổng kết việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo đánh giá tác động còn hình thức. Việc tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan trong nhiều trường hợp tiếp thu, giải trình còn chưa thỏa đáng, chưa thấu đáo. Xuất hiện tình trạng lạm dụng việc ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn mà không có căn cứ rõ ràng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ văn bản thiếu chất lượng….
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp chỉ rõ những hạn chế trên chưa được đề cập trong báo cáo của Chính phủ. Do đó, đề nghị cần phải nhìn nhận rõ, phải đánh giá rõ những hạn chế. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường, hệ thống pháp luật còn có bất cập như trên là do một số nguyên nhân. Đó là chưa thực sự chú trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện rà soát thường xuyên văn bản. Hoạt động kiểm tra văn bản vẫn chưa đạt yêu cầu, kể cả giám sát văn bản của các cơ quan Quốc hội. Sự phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động rà soát văn bản chưa có sự chặt chẽ. Kinh phí, bộ máy biên chế và năng lực của cán bộ thực hiện công tác này cũng rất hạn chế bởi việc đọc văn bản để phát hiện ra văn bản này trái một bản khác là công việc rất khó, đòi hỏi chuyên môn rất sâu, đòi hỏi tập trung nhiều thời gian nhiều thì mới có thể làm được. Những vấn đề nêu trên, cả về hạn chế, nguyên nhân đều phải làm rõ được trong báo cáo của Chính phủ thì mới có thể đề ra được các giải pháp khắc phục, chấn chỉnh được tình trạng bất cập của hệ thống pháp luật hiện nay, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước Điểu Huỳnh Sang phát biểu trong phiên thảo luận tại Tổ 15 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Bình Phước, Bình Thuận
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước Điểu Huỳnh Sang cũng cho rằng cần rà soát đánh giá lại một số nội dung trong báo cáo kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ. Đại biểu Điểu Huỳnh Sang chỉ rõ còn tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để hay tình trạng luật ban hành theo một hướng rất mở nhưng văn bản dưới luật lại đóng và khép cho nên không thực hiện được. Báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá được hiệu quả cũng như việc thực thi trong việc triển khai các văn bản dưới luật cũng như việc triển khai thực hiện các nội dung của cấp trên.
Bày tỏ thống nhất cao với nhận định của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội là chưa kiến nghị Quốc hội dùng một luật để sửa nhiều luật. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai tại địa phương còn có nhiều vấn đề cấp bách cần phải xử lý. Do đó, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Chính phủ rà soát thêm.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai phát biểu trong phiên thảo luận tại Tổ 17 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Giang, Gia Lai, An Giang
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương cho biết trong Báo cáo rà soát của Chính phủ vẫn còn những vấn đề Chính phủ để lại do chưa có ý kiến thống nhất của các cơ quan; những kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội về văn bản pháp luật nhưng Chính phủ chưa đưa ra các biện pháp xử lý. Vì vậy, đề nghị là trong Nghị quyết của Quốc hội cần quy định rõ thời hạn Chính phủ phải báo cáo tiếp kết quả rà soát đối với những vấn đề còn nợ đọng. Đồng thời, cần phải tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng văn bản; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng công tác cán bộ, đặc biệt, các cán bộ làm công tác xây dựng văn bản.
Điều quan trọng là hướng xử lý sau rà soát
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An bày tỏ thống nhất cao với báo cáo kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Chính phủ và cho rằng báo cáo có sự đầu tư rất lớn. Trong thời gian qua, các địa phương cũng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan để có được kết quả báo cáo. Đánh giá cao Chính phủ đã nỗ lực rất lớn để thực hiện công tác rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và đã có báo cáo thống kê chi tiết với 26 phụ lục với gần 400 trang liệt kê những quy định pháp luật hoặc là những văn bản quy phạm pháp luật có khó khăn, vướng mắc hoặc đang chồng chéo.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An
Đại biểu nhấn mạnh công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật không phải là có nghị quyết của Quốc hội thì mới thực hiện mà theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì công tác này phải thực hiện một cách thường xuyên, hàng năm, định kỳ, theo chuyên đề và theo giai đoạn. Lần rà soát này tập trung để tháo gỡ, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước sau đại dịch COVID-19. Do đó, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho rằng xử lý kết quả rà soát như thế nào mới là điều quan trọng. Đại biểu đặt vấn đề bây giờ xử lý có kịp thời không, có phù hợp không, có đảm bảo để tháo gỡ những vướng mắc hay không? Nhiều vướng mắc ở văn bản dưới luật, nằm ở các nghị định, thông tư, những văn bản hướng dẫn trong thời gian qua chưa xử lý kịp thời. Đại biểu cho rằng các bộ, ngành chưa xử lý kịp thời cũng như chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với nhau. Từ đó gây nhiều khó khăn cho địa phương trong triển khai thực hiện.
Đại biểu đưa ra nhiều dẫn chứng thực tiễn những khó khăn trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia do thiếu hướng dẫn cụ thể trong bố trí vốn. Hay như thực hiện Luật Thanh tra, không còn quy định về thanh tra chuyên ngành của các chi cục của Sở Nông nghiệp nhưng các nghị định xử phạt hành chính vẫn đang áp dụng, chưa sửa đổi nên ở địa phương rất lúng túng, không biết thanh tra chuyên ngành của các chi cục trực thuộc Sở Nông nghiệp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nữa hay không. Hay như các thông tư của Bộ Tài chính hiện nay đang rất vướng giữa việc thực hiện đấu thầu để mua sắm tài sản công với mua sắm thường xuyên, mua sắm thường xuyên thì mức tiền thường thấp nhưng một số trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động thường xuyên trị giá hơn một trăm triệu thì phải thực hiện thủ tục đấu thầu nên rất nhiêu khê. Địa phương cũng đã liên tục báo cáo ngành, báo cáo tổng kết chuyên đề nhưng xử lý rất chậm, tháo gỡ rất chậm.
Hoặc như trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính buộc các địa phương, các bộ ngành phải rà soát để cắt giảm thủ tục và phải lập danh mục đề xuất cắt giảm, chỉ tiêu cắt giảm trong nội bộ là 20%. Tuy nhiên quyết định cho phép thực hiện cắt giảm lại không có cơ sở pháp lý. Bởi vì bộ thủ tục hành chính do bộ, ngành công bố. Nếu muốn cắt giảm, sửa đổi thì phải được cấp trên chấp thuận. Trường hợp cấp trên không chấp thuận, không ra quyết định chấp thuận cắt giảm thì địa phương cũng không dám làm, mặc dù rất quyết tâm.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An trong phiên thảo luận tại Tổ 07 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Thái Nguyên, Đắk Nông, Kon Tum, Long An
Từ những phân tích trên, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khi có những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, nơi triển khai thực hiện thì phải sớm có sửa đổi hoặc là những hướng dẫn để tháo gỡ và sự hướng dẫn tháo gỡ và phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành với nhau.
Các cơ quan xây dựng các dự thảo văn bản pháp luật phải cầu thị nhiều hơn nữa, tiếp thu ý kiến nhiều hơn nữa. Các dự thảo nghị định, thông tư ở địa phương đóng góp từ thực tiễn triển khai, đóng góp rất tâm huyết, rất trách nhiệm nhưng lại không được tiếp thu, dẫn đến khi triển khai ở địa phương lại vướng. Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho rằng sự cầu thị, lắng nghe chưa nhiều. Mặt khác, thời gian gửi xin ý kiến văn bản thường rất gấp, có những văn bản gửi đến địa phương là đã hết thời gian xin ý kiến nên việc đóng góp ý kiến còn hình thức, không bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Hiện nay, việc thẩm định các dự thảo thông tư do bộ ngành tự tiến hành. Do đó, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành nâng cao chất lượng của vụ pháp chế thẩm tra các văn bản quy phạm pháp luật của ngành mình. Đồng thời lưu ý cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà có sai sót thì phải chịu trách nhiệm, phải được kiểm điểm, xử lý.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu trong phiên thảo luận tại Tổ 10 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Bạc Liêu, Thái Bình, Ninh Thuận
Còn theo đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, các báo cáo rà soát đã đề cập, tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản đã gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ sợ và né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ. Mặc dù, Chính phủ thì cũng đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tuy nhiên theo đại biểu Nguyễn Văn Huy, nếu chỉ với một nghị định này trong bối cảnh các quy định của pháp luật còn chồng chéo, vướng mắc thì dù có khuyến khích cũng rất khó thực hiện.
Do đó, đối với các nội dung còn có mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập được nêu trong báo cáo mà chưa có trong chương trình, nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Huy đề nghị, Quốc hội có nghị quyết để chỉ đạo và yêu cầu Chính phủ giao cho các bộ, ngành rà soát, tổng kết, để có kế hoạch trình Quốc hội đưa vào trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, 2025 và những năm tiếp theo để tiếp tục hoàn thiện./.