Còn nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện
Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020, có kinh phí tối thiểu làm tròn là 137.664 tỷ đồng, gồm 10 dự án, 14 Tiểu dự án thực hiện trên địa bàn 49 tỉnh.
Kết quả giám sát cho thấy, quá trình triển khai thực hiện đã bám sát mục tiêu tổng quát của Chương trình là “Giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, sắp xếp ổn định dân cư, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, thu hẹp dần khoảng cách mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước...”. Chương trình thực hiện đã tích hợp trên 118 văn bản chính sách dân tộc ở giai đoạn trước, do đó bước đầu khắc phục được tình trạng manh mún, dàn trải để tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết những vấn đề cấp thiết về kinh tế, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng đặc biệt khó khăn. Đến tháng 6/2023, các văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Chương trình cơ bản đã hoàn thành với khối lượng khá lớn, các bộ, ngành Trung ương đã ban hành khoảng 58 văn bản, ở mỗi địa phương ban hành từ 40-50 văn bản liên quan.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030
Tình hình giải ngân năm 2023 đã có tiến bộ, nhất là vốn đầu tư công. Giải ngân vốn đầu tư công Trung ương đến tháng 6/2023 đạt 22%, ước đến tháng 9/2023 đạt 52%, nhiều địa phương giải ngân trên 60%. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện, nhưng theo Báo cáo của Chính phủ tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 giảm 3.4%, đạt và vượt mục tiêu kế hoạch giao; nhiều chỉ tiêu về hạ tầng, kinh tế-xã hội khác cơ bản đều đạt so với mục tiêu của Chương trình.
Mặc dù vậy, Đoàn giám sát đã chỉ rõ, việc ban hành các văn bản quản của Chương trình còn chậm. Mô hình chỉ đạo, điều hành còn bất cập, chưa được kiện toàn, đồng bộ, thống nhất giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương với nhau. Đến tháng 6/2023 vẫn còn 21 tỉnh chưa thành lập Tổ Công tác. Việc phân bổ vốn Trung ương chậm, dẫn đến đối tượng thực hiện của một số chính sách, ở một số địa phương có sự thay đổi, không còn phù hợp. Kết quả giải ngân đạt thấp, từ năm 2022 đến 6/2023 giải ngân khoảng 18,9% so với kế hoạch trung hạn, do đó, Chương trình khó có thể hoàn thành mục tiêu giải ngân đến hết năm 2025.
Theo báo cáo, Chương trình đến nay đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra, xong trên thực tế, Đoàn giám sát nhận định: đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế, xã hội phát triển chậm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao; khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng; khả năng đạt mức thu nhập bình quân tăng 2 lần so với 2020, giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu về thiếu đất ở, đất sản xuất, quy hoạch dân cư và nhiều chỉ tiêu khác đến năm 2025 ở vùng dân tộc thiểu số theo mục tiêu của Chương trình rất khó khăn.
Cần thiết ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai
Góp ý kiến về nội dung này, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến bày tỏ nhất trí cao với các nội dung được đánh giá trong Báo cáo giám sát số 550 về nội dung này; cho rằng báo cáo đã phản ánh đầy đủ về tình hình triển khai thực hiện các Chương trình trong thực tiễn; những khó khăn, vướng mắc được chỉ rõ; những kiến nghị, đề xuất của các địa phương được ghi nhận.
Qua nghiên cứu, đại biểu Lò Thị Luyến bày tỏ nhất trí cao với đề xuất giao Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, tiếp thu kiến nghị của Đoàn giám sát trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất ban hành Nghị quyết theo quy trình rút gọn về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Ngày 16/10/2023 Chính phủ đã có Tờ trình số 557 và Báo cáo đánh giá tác động kèm theo Tờ trình về các cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025, cá nhân tôi nhất trí rất cao 07 nội dung Chính phủ trình Quốc hội và những nội dung này đều vượt thẩm quyền của Chính phủ.
Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội- Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến
Đại biểu cho rằng, nếu những khó khăn, vướng mắc từ thực tế tổ chức thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được tháo gỡ bằng 01 Nghị quyết của Quốc hội quy định về cơ chế, chính sách đặc thù như Chính phủ trình thì sẽ tháo gỡ được toàn bộ những khó khăn vướng mắc hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, mục tiêu và hiệu quả của chương trình chắc chắn sẽ đạt được. Sau cuộc giám sát tối cao, các địa phương và người dân được thụ hưởng chính sách đang rất mong chờ Nghị quyết này của Quốc hội
Về khó khăn, vướng mắc liên quan đến Nghị định 38/2023, tại trang 19 Báo cáo giám sát đã nêu 3 khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, đại biểu Lò Thị Luyến cho biết, còn có khó khăn của địa phương chưa được đề cập vì khó khăn này mới phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện, thời điểm Đoàn giám sát trực tiếp tại địa phương, một số nội dung của Nghị định 38 chưa được triển khai do Nghị định mới ban hành vào tháng 6/2023.
Cụ thể về giống vật nuôi, theo khoản 4 Điều 20 Nghị định 38/2023/NĐ-CP quy định “Ưu tiên sử dụng giống cây trồng, vật nuôi và những hàng hóa, dịch vụ khác do người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án. Đơn giá thu mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tính theo giá thị trường trên địa bàn tại cùng thời điểm, được ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận tại giấy biên nhận mua bán với người dân”. Đại biểu Luyến cho rằng, quy định này chưa thật sự rõ ràng, dễ dẫn đến hậu quả rủi ro về mặt pháp lý cho người thừa hành công vụ.
Đại biểu tỉnh Điện Biên cho biết, để thống nhất quan điểm và nhận thức trong tổ chức thực hiện, Điện Biên đã ban hành văn bản xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn và đề xuất theo hướng: cho phép “Đơn vị chủ trì dự án thực hiện thu mua giống vật nuôi từ người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án bảo đảm quy định về nguồn gốc, sức khỏe, dịch bệnh và các tiêu chí theo định mức kinh tế kỹ thuật của tỉnh ban hành. Chính quyền địa phương nơi triển khai dự án sẽ thành lập Tổ thẩm định đánh giá về chất lượng giống vật nuôi của đơn vị chủ trì dự án trước khi cấp đến các hộ dân được thụ hưởng”
Nội dung này được Cục chăn nuôi trả lời tại văn bản số 668 ngày 15/8/2023 như sau: địa phương cần xem xét cân nhắc lựa chọn phương án cung ứng giống phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý giống vật nuôi và sản phẩm giống vật nuôi (Luật chăn nuôi, các nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành Luật chăn nuôi và các văn bản pháp luật khác có liên quan).
Đại biểu cho biết, hiện nay, trên địa bàn cả nước không có đơn vị nào có đủ điều kiện cung ứng con giống bản địa. Việc sử dụng giống vật nuôi (chủ yếu được nuôi theo hướng công nghiệp) do các đơn vị cung ứng từ các địa phương khác đạt tiêu chuẩn theo quy định của Luật Chăn nuôi không phù hợp với cách thức chăn nuôi quảng canh của nông hộ nhỏ lẻ vùng miền núi, không phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường chăn thả ngoài tự nhiên, làm giảm tỷ lệ sống, hạn chế sự phát triển của vật nuôi và giá thành tăng do chi phí vận chuyển xa. Do đó, đề nghị Chính phủ và Quốc hội chấp thuận cơ chế cho phép các địa phương thực hiện theo đề xuất của tỉnh Điện Biên.
Đề nghị kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn sự nghiệp, chứ không thu hồi
Liên quan đến khó khăn về vốn sự nghiệp, Chính phủ đề xuất thu hồi vốn sự nghiệp của năm 2022 nếu hết năm 2023 chưa giải ngân xong, chỉ cho phép kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân đến hết 31/12/2024 đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện 3 Chương trình MTQG năm 2023.
Nêu quan điểm của mình, đại biểu Luyến cho biết, việc giao vốn sự nghiệp của CTMTQG có nhiều bất cập, các văn bản hướng dẫn thực hiện ban hành chậm, tổ chức thực hiện nhiều khó khăn vướng mắc. Các địa phương không phải không muốn làm mà không thể làm được vì cơ sở pháp lý không rõ ràng, nếu cứ làm thì hậu quả về mặt pháp lý là có khả năng dẫn đến rủi ro cho người thi hành công vụ.
Các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
“Chính phủ có nêu là sẽ chỉ đạo, quyết tâm giải ngân trong năm 2023 nguồn vốn năm 2022 được kéo dài, nếu không giải ngân hết sẽ thu hồi. Trong khi đó, theo báo cáo của Chính phủ đến hết tháng 9/2023, nguồn vốn sự nghiệp mới giải ngân được 15%. Trong khi đó, Nghị định 38 mới ban hành tháng 6 nhưng vẫn vướng mắc, 07 nội dung về cơ chế đặc thù chưa được ban hành thì việc giải ngân nguồn vốn này không khả thi, vô hình chung gây áp lực cho các địa phương”, đại biểu Luyến phân trần.
Theo nữ đại biểu, đến thời điểm này hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện cơ bản đã hoàn thiện, nếu Kỳ họp này Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù nữa thì sẽ đảm bảo cơ sở pháp lý để triển khai, do vậy việc thu hồi vốn là không hợp lý, không nhân văn, ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của người dân, nhất là người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, gây dư luận xấu trong xã hội, làm mất đi phần nào niềm tin của nhân dân vào chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước.
Từ thực tiễn này, đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn sự nghiệp của CTMTQG đến hết giai đoạn, hoặc cho phép như đề nghị của 48 địa phương mà Chính phủ đã tổng hợp kèm theo tờ trình 557 (cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn năm 2023 sang năm 2024 bao gồm cả kế hoạch vốn của năm 2022 chuyển sang năm 2023)./.