CẦN CÓ THÊM GIẢI PHÁP CHÍNH SÁCH ĐỂ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP
THẢO LUẬN TỔ 7: NHIỀU VẤN ĐỀ VỀ KINH TẾ XÃ HỘI ĐƯỢC CÁC ĐẠI BIỂU QUAN TÂM
Năm 2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục hồi phục bấp bênh do gặp những “cơn gió ngược” từ hệ quả của đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn cũng như tình trạng lạm phát cao và kéo dài. Trong bối cảnh đó, Ủy ban Kinh tế - cơ quan chủ trì thẩm tra các báo cáo của Chính phủ nhận thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự chủ động và giám sát hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng của các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế đề nghị, Chính phủ quan tâm, tập trung đánh giá kỹ hơn một số vấn đề gồm: có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra (năm 2022 có 2/15 chỉ tiêu không đạt), trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt năm thứ 3 liên tiếp; các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài; nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn; thị trường tài chính, tiền tệ vẫn còn tiềm ẩn rủi ro; thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, tiềm ẩn rủi ro.
Đại biểu Nguyễn Vân Chi, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An
Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành cao với những vấn đề được Ủy ban Kinh tế đưa ra. Đại biểu Nguyễn Vân Chi, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng, cần củng cố ba động lực về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Bởi xuất khẩu hàng hóa 9 tháng giảm 8,2% so với cùng kỳ, nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục giảm sâu, các thị trường xuất khẩu lớn giảm hoặc tăng rất thấp. Tiêu dùng phục hồi chưa vững chắc, tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm dần qua các quý (quý I tăng 13,9% đến quý III chỉ còn tăng 7,3%).
Bên cạnh đó, Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng những chính sách hợp lý để đưa thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, không để “đóng băng” mà cũng không để phát triển “ quá nóng”.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh
Theo báo cáo, xuất khẩu hàng hóa 9 tháng giảm 8,2%, nhiều nhóm hàng chủ lực liên tục giảm sâu, các thị trường xuất khẩu giảm hoặc tăng rất thấp. Tuy nhiên, trong 9 tháng nước ta vẫn xuất siêu 15 tỷ USD. Đánh giá về tình trạng này, đại biểu Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc vẫn xuất siêu trong điều kiện xuất khẩu hàng hóa giảm thời gian qua đã góp phần bảo đảm cán cân thanh toán, giảm bớt áp lực về ngoại tệ. Nhưng, căn nguyên của hiện tượng này cũng bởi nhập khẩu thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho sản xuất giảm mạnh hơn so với tốc độ giảm của xuất khẩu hàng hóa, trong khi tình hình xuất, nhập khẩu chưa có tín hiệu khả quan do tình hình kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu hồi phục.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, cần chú trọng triển khai các biện pháp để phát triển thị trường trong nước, vì quốc gia có 100 triệu dân như Việt Nam sẽ là một thị trường lớn cho các nhà sản xuất.
Nhìn chung, để tháo gỡ các điểm nghẽn tăng trưởng trong ngắn hạn, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và hiệu quả, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa bảo đảm hỗ trợ tăng trưởng; tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng một cách hợp lý; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách và ưu tiên nguồn lực cho đầu tư công. Cùng với đẩy nhanh được tiêu dùng, thì tăng giải ngân đầu tư công sẽ hỗ trợ cho nhiều mặt. Đó là giúp tháo gỡ được các điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông, đồng thời thúc đẩy giải quyết công ăn việc làm, giảm thất nghiệp và lan tỏa đến nguồn vốn huy động trong xã hội, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhiều đại biểu quan tâm đến việc từ ngày 01/7/2024 sẽ thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách tiền lương. Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, việc cải cách tiền lương phải gắn với bảo đảm kiềm chế lạm phát, giá cả hàng hóa trên thị trường gia tăng, vì những năm qua, mức điều chỉnh lương cho cán bộ, công chức, viên chức chưa theo kịp sự tăng giá của các mặt hàng trên thị trường bởi theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2023, có 31% các hộ gia đình bị ảnh hưởng của việc giá cả tăng cao. Nếu tăng lương mà không áp dụng song hành với các biện pháp kiềm chế lạm phát, thì ý nghĩa của việc tăng lương không bảo đảm.
Theo dự báo từ các chuyên gia của Ngân hàng ADB công bố vào tháng 9/2023 cho thấy, Việt Nam vẫn sẽ dẫn đầu về tăng trưởng so với các quốc gia ở Đông Nam Á, ở mức 5,8% trong năm 2023 và 6% năm 2024. Dự báo hiện tại của ADB về lạm phát ở Việt Nam là 3,8% trong năm 2023 và 4% vào năm 2024. Theo các chuyên gia quốc tế, trong bối cảnh này, điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách phải luôn cảnh giác để đảm bảo có phản ứng kịp thời, đồng thời tiếp tục nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế trong nước thông qua các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn và cải cách dài hạn. Về động lực tăng trưởng, ưu tiên lớn nhất cần đặt vào việc tăng cường giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy nhu cầu trên thị trường và thúc đẩy các hoạt động kinh tế tổng thể. Chính phủ có dư địa tài chính lớn để kích thích nền kinh tế thông qua các khoản vay, bởi tỷ lệ nợ công/GDP hiện khoảng 38% so với mục tiêu 60%.
Chắc hẳn với cả yếu tố thuận lợi và khó khăn, các vướng mắc sẽ tiếp tục được mổ xẻ, phân tích đa chiều, nhằm tìm ra những phương án tối ưu cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước trong bối cảnh hiện nay.