TÌM “LỜI GIẢI” CHO BÀI TOÁN GẮN KẾT NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VỚI ỨNG DỤNG THỰC TIỄN

08/11/2023

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu thực trạng nhiều kết quả nghiên cứu chưa hoàn thiện về công nghệ, chưa có khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường. Gắn kết giữa nghiên cứu và ứng dụng đang là bài toán khó cần có lời giải để tạo sự phát triển thực chất cho ngành khoa học, công nghệ. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không đánh giá kỹ và có giải pháp thích hợp thì rất khó gắn kết nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 08/11: BẾ MẠC PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Nhiều kết quả nghiên cứu không đáp ứng nhu cầu thị trường

Tham gia phiên chất vấn, đại biểu Tạ Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho biết, kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho thấy nhiều vấn đề cần quan tâm trong gắn kết nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đại biểu, liên kết giữa nghiên cứu và đào tạo, giữa nghiên cứu với thị trường, giữa nhà khoa học và doanh nghiệp còn yếu. Nhiều kết quả nghiên cứu có địa chỉ ứng dụng nhưng chưa chuyển giao được, chưa hoàn thiện về công nghệ và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, chương trình khoa học, công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới qua giám sát, đến nay mới lựa chọn được nhiệm vụ khoa học, chưa ký hợp đồng, giao kinh phí thực hiện.

Đại biểu Tạ Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết giải pháp trọng tâm nhằm tạo đột phá trong thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng theo tinh thần của Chính phủ đã thể hiện khi xây dựng dự thảo Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này.

Giải trình vấn đề được đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, đối với việc gắn kết giữa nghiên cứu và ứng dụng, trong thời gian vừa qua Bộ Khoa học và Công nghệ có chủ trương làm việc với các các địa phương, các viện, các trường để có sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học của các trường và gắn với nhu cầu của địa phương. Bộ cũng đề ra chủ trương tất cả những nhiệm vụ khoa học mang tính ứng dụng đều phải có sự tham gia của các đội ngũ nghiên cứu khoa học ở các trường phối hợp với địa phương để cùng nhau xây dựng những chương trình nghiên cứu để giải quyết được những vấn đề, những yêu cầu bức thiết của địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho biết, về liên kết giữa các viện, trường và doanh nghiệp, đây là một mô hình mà ở các nước người ta ứng dụng rất có hiệu quả. Ví dụ như Hà Lan có mô hình gồm Nhà nước, doanh nghiệp và trường, viện. Nhà nước là nơi tạo môi trường, hệ sinh thái và thể chế. Trường, viện là nơi nghiên cứu. Doanh nghiệp là nơi thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo. Hiện nay, chúng ta cũng đang có chủ trương để xây dựng mô hình này trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ ở Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt

Về ứng dụng vào nông nghiệp, Bộ trưởng nêu rõ, trong thời gian qua, ngành khoa học, công nghệ có đóng góp rất quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo thống kê trong thời gian qua, khoa học, công nghệ đã đóng góp 30% trong sự phát triển của ngành nông nghiệp. Để liên kết giữa ngành khoa học với ngành nông nghiệp, vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có một ký kết phối hợp hoạt động giữa hai bộ để cùng triển khai các hoạt động khoa học, công nghệ và ứng dụng trong nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp.

Cần giải pháp thích hợp để gắn kết nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn

Phát biểu tranh luận với câu trả lời của Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, đại biểu Lê Minh Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho biết, Báo cáo 484 của Chính phủ đánh giá việc thúc đẩy phát triển thị trường khoa học, công nghệ đã chỉ ra nguồn cung công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học công lập ở nước ta khá phong phú, đa dạng nhưng lượng hàng hóa khoa học, công nghệ còn rất khiêm tốn, mới hấp dẫn chưa đầy 16% doanh nghiệp quan tâm. Lý do phần lớn là kết quả nghiên cứu chưa thực sự trở thành hàng hóa khoa học, công nghệ để lưu thông trên thị trường.

Đại biểu nhấn mạnh, con số này phản ánh đây là thực trạng đáng quan ngại về hiệu quả nghiên cứu khoa học. Dẫu vẫn biết rằng nguồn lực đầu tư cho khoa học còn khiêm tốn trong điều kiện nguồn lực chung có hạn, nghiên cứu khoa học có tính mạo hiểm và có khả năng rủi ro thất bại, không thể sáng đầu tư chiều có kết quả ngay, nhưng nếu không đánh giá kỹ và có giải pháp thích hợp thì rất khó gắn kết nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn.

Đại biểu Lê Minh Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang

Đại biểu cho rằng, cần đánh giá bối cảnh, xu hướng, nhu cầu phát triển khoa học, công nghệ và năng lực thực tế của chúng ta để xác định rõ nội dung, đối tượng. Qua đó, hoạch định chính sách thích hợp để cân đối, phát triển từng loại hình khoa học nghiên cứu như là nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai và nghiên cứu thăm dò.

Cùng với đó, cần lấy quy trình đánh giá hiệu quả theo các yếu tố như yếu tố đầu vào, đầu ra, mức độ, hiệu quả tác động, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư cho các nhóm nội dung đối tượng nêu. Bố trí nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có tính đến yếu tố công tư và đối tác công tư. Theo đó, đầu tư công chủ yếu cho nghiên cứu cơ bản và những lĩnh vực mà khu vực tư không muốn làm hoặc không thể làm. Còn khu vực tư cần có chính sách hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai để có thể khai thác hiệu quả ngay.

Đại biểu cũng cho rằng, cần có chính sách đãi ngộ phù hợp đối với các nhà khoa học chân chính, tạo điều kiện môi trường nghiên cứu và đảm bảo thu nhập hợp lý cho nguồn nhân lực đặc biệt này. Cần phải xây dựng bộ tiêu chí đánh giá rõ ràng, kiên quyết loại bỏ những đề xuất nghiên cứu không đáp ứng yêu cầu về hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội.

Hoàn thiện khung pháp lý phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Quan tâm về vấn đề này, chuyên gia Nguyễn Minh Tiến, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh chỉ rõ, thị trường khoa học và công nghệ là nơi diễn ra các giao dịch mua - bán các sản phẩm như: bản quyền, bí quyết, sáng kiến và các dịch vụ liên quan đến hoạt động khoa học - công nghệ. Là một dạng của thị trường hàng hóa, nhưng thị trường khoa học và công nghệ là loại thị trường đặc biệt do đặc tính của “hàng hóa” khoa học và công nghệ. Hàng hóa khoa học - công nghệ có hai đặc tính là tính không có khả năng cạnh tranh và tính không thể loại trừ. Hai đặc tính này hình thành do thực chất hàng hóa này là kiến thức được thể hiện dưới dạng vật chất hữu hình như bằng sáng chế, nhưng cũng có thể là vô hình dưới dạng ý tưởng.

 Việc xác định giá trị rất phức tạp do lao động kết tinh là lao động trí óc, tồn tại sự bất đối xứng thông tin giữa người mua và người bán; mang tính tích cực, ở đó lợi ích cá nhân ít hơn so với lợi ích xã hội. Hàng hóa khoa học - công nghệ được hình thành và phát triển muộn hơn hàng hóa thông thường nên cần được Nhà nước hỗ trợ để phát triển. Vai trò của Nhà nước thể hiện ở sự điều tiết vĩ mô bằng các công cụ chính sách nhằm phát huy những mặt tích cực và hạn chế những mặt trái của thị trường do đặc tính hàng hóa của sản phẩm khoa học và công nghệ.

Theo chuyên gia, cả nước hiện có hơn 800 tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ, trong đó số lượng sàn giao dịch công nghệ có sự phát triển mạnh mẽ. Nếu như trước năm 2015 chỉ có 8 sàn giao dịch công nghệ thì giai đoạn 2015-2020 đã hình thành 20 sàn giao dịch công nghệ địa phương, một sàn giao dịch vùng Duyên hải Bắc bộ, một sàn giao dịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang trong giai đoạn thành lập. Cùng với việc phát triển các tổ chức trung gian truyền thống, các tổ chức kiểu mới cũng phát triển mạnh mẽ với 69 cơ sở ươm tạo, 28 chương trình thúc đẩy kinh doanh, loại hình không gian làm việc chung có 186 khu...

Nhằm phát triển thị trường khoa học và công nghệ ở Việt Nam, chuyên gia cho rằng cần hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ như: sở hữu công nghiệp, quyền tác giả, hợp đồng chuyển giao công nghệ… Đây là cơ sở để minh bạch thị trường khoa học và công nghệ, để các chủ thể tham gia (cung - cầu, trung gian) được bảo vệ khi có sự xâm phạm về lợi ích và sự thiếu lành mạnh của thị trường. Bên “cung” dường như yếu thế hơn về vấn đề thủ tục, pháp lý so với bên “cầu” và “trung gian”, khi hiệu lực pháp lý đủ mạnh sẽ giúp các tổ chức nghiên cứu, các nhà khoa học yên tâm về sản phẩm của mình và chuyên tâm hơn trong nghiên cứu.

Xây dựng chính sách hỗ trợ các hoạt động khoa học và công nghệ: cần có chính sách phát triển nguồn lực khoa học và công nghệ thông qua việc đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là giáo định hướng vào khoa học - công nghệ, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cho các tổ chức nghiên cứu, trước mắt là tập trung hỗ trợ cho các trường, viện trọng điểm, nghiên cứu chính sách thu hút trí thức kiều bào về nước làm việc lâu dài hoặc hợp tác ngắn hạn. Nhà nước sẵn sàng đầu tư cho các dự án nghiên cứu và ứng dụng khả thi, hạn chế tiếp cận theo hướng từ dưới lên, tức là xuất phát từ năng lực của nhà nghiên cứu chứ không phải từ mục tiêu cụ thể. Điều này sẽ tránh được những lãng phí như trong thời gian qua, nghiên cứu không gắn với thực tiễn. Đồng thời, hỗ trợ về tài chính, dịch vụ chuyển giao, nhân lực cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động đổi mới công nghệ. Khuyến khích nhập khẩu sản phẩm khoa học và công nghệ mà trong nước chưa nghiên cứu, sản xuất được, hạn chế nhập khẩu những sản phẩm trong nước có thể nghiên cứu, sản xuất được với giá hợp lý.

Đưa ra quan điểm về nội dung này, Giảng viên Lê Thị Bích Ngọc, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng, cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học, có chiến lược đầu tư đúng đắn về con người và trọng dụng nhân tài để phát huy tiềm lực con người. Thay đổi phương pháp dạy, học, đào tạo để phát huy tính sáng tạo của người học. Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ từ nhà trường đến doanh nghiệp từ các dự án khởi nghiệp sinh viên. Tăng cường tỷ lệ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển hệ thống các vườn ươm công nghệ, các dự án khởi nghiệp sáng tạo để rút ngắn khoảng cách từ lý thuyết đến thực tiễn. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo muốn vậy phải phát triển bền vững không chỉ là khẩu hiệu theo phong trào, mà cần có môi trường, tổ chức hoạt động bài bản, thường xuyên để thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp.

Ngoài ra, nên tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ, nhập khẩu công nghệ tiên tiến từ nước ngoài nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, năng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm sản xuất trong nước. Để thực hiện có hiệu quả giải pháp này, cần có sự chủ động từ phía các doanh nghiệp trong lựa chọn đầu tư, đổi mới công nghệ...; đồng thời, các cấp quản lý vĩ mô cần tạo môi trường thuận lợi, có chính sách thông thoáng nhằm khuyến khích phát triển thị trường chuyển giao khoa học công nghệ giữa trong nước và nước ngoài.

Minh Hùng

Các bài viết khác