THẢO LUẬN TỔ 04: SỬA ĐỔI LUẬT CẦN TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

08/11/2023

Chiều 08/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Thảo luận tại Tổ 04 gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lai Châu và Thừa Thiên – Huế, các đại biểu cho rằng sửa đổi các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản cần tính đến một số loại tài sản đặc thù, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 08/11: CHÍNH PHỦ TRÌNH QUỐC HỘI DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN VÀ DỰ ÁN LUẬT CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP

Thảo luận tại Tổ 04 gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lai Châu và Thừa Thiên – Huế

Trước đó, trong phiên họp toàn thể tại hội trường vào đầu giờ chiều, các đại biểu đã nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Theo Tờ trình của Chính phủ, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển dịch vụ đấu giá tài sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, chất lượng hoạt động đấu giá tài sản; khắc phục những hạn chế, bất cập, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Phát biểu trong phiên thảo luận Tổ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến nêu rõ, qua 06 năm thực hiện Luật Đấu giá tài sản năm 2016, hoạt động đấu giá tài sản phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa; trình tự, thủ tục áp dụng đối với tất cả các loại tài sản phải bán đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật; phân định rõ trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong các giai đoạn đấu giá.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến phát biểu

Tuy nhiên, trong tình hình phát triển chung của đất nước, hoạt động đấu giá tài sản đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập về trình tự, thủ tục đấu giá; một số quy định chưa phù hợp thực tiễn (thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ, quy định về tiền đặt trước); chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung chưa hiệu quả, còn tồn tại tình trạng thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá; cơ chế kiểm soát việc đấu giá bộc lộ một số vướng mắc,...Do vậy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến nhất trí việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản là thật sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc đánh giá sát tình hình thực tiễn thể chế hóa các quy định của Luật cho thật sự chặt chẽ, đảm bảo khi luật có hiệu lực phải khắc phục được tình trạng hiện nay đang xảy ra trong thực tiễn đó là: Phương pháp xác định giá khởi điểm chưa sát với giá thị trường; tình trạng ép giá, thổi giá; quân xanh, quân đỏ, năng lực của đấu giá viên và tổ chức đấu giá chưa đáp ứng yêu cầu đấu giá.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tại khoản 1, Điều 1 dự thảo Luật đã loại bỏ nội dung tài sản là quyền sử dụng và quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc giữ lại quy định này vì theo quy định của Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và phát triển rừng thì đấu giá là hình thức quan trọng để xác định tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận cấp phép sở hữu quyền khai thác  và quyền sử dụng. Việc giữ lại quy định này như Luật Đấu giá tài sản 2016 sẽ bảo đảm phù hợp với các luật chuyên ngành, đồng thời cũng bảo vệ chặt chẽ lợi ích của nhà nước trong đấu giá, quản lý, sử dụng tài sản là rừng. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cũng đề nghị bổ sung tổ chức đấu giá phải niêm yết ở UBND cấp xã nơi có tài sản đấu giá bên cạnh quy định niêm yết tại trụ sở, nơi cư trú người có tài sản.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu thì cho biết, theo Tờ trình của Chính phủ phạm vi sửa đổi 25 Điều trong tổng số 81 Điều của Luật hiện hành. Tuy nhiên qua rà soát cho thấy nếu tính tổng những điều khoản sửa mang tính kỹ thuật lập pháp câu chữ thì số lượng các Điều sửa đổi lên đến hơn 50 Điều. Đại biểu cho rằng với số lượng lớn các điều khoản được sửa đổi bổ sung như vậy cần nghiên cứu rà soát và đánh giá lại để sửa đổi một cách toàn diện để dễ theo dõi, kiểm tra và thực hiện.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu

Về nội dung các điều khoản sửa đổi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho rằng các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá vẫn còn mang tính thủ công với các quy định như dán niêm yết thông tin tài sản đấu giá hay đấu giá đất đai thì ngươi tham dự đấu giá phải đến “xem trực tiếp” hay các thủ tục như ghi phiếu trực tiếp, bỏ phiếu trực tiếp…Đại biểu đặt vấn đề nếu tiến hành đấu giá qua mạng thì các quy định trên sẽ thực hiện như thế nào? Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu giá được thể hiện như thế nào trong dự thảo Luật lần này?

Từ những phân tích trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn đề nghị nên sửa đổi một cách toàn diện và có tương thích với ứng dụng công nghệ trong bối cảnh hiện nay khi mà đấu giá điện tử đã có từ rất lâu trên thế giới với phạm vi đấu giá trên toàn thế giới, có chấm điểm các thành viên tham gia đấu giá.

Liên quan đến quy định về Cổng đấu giá tài sản quốc gia, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho rằng Cổng đấu giá tài sản quốc gia ngoài việc tổ chức hệ thống công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước, thông báo công khai việc đấu giá cung cấp thông tin… thì có thể nghiên cứu để đưa Cổng đấu giá tài sản quốc gia thành Trung tâm đấu giá, tương tự như Trung tâm đấu thầu quốc gia. Từ đó, việc niêm yết tài sản đấu giá là động sản tại trụ sở, nơi cư trú của người có tài sản hay nộp hồ sơ đấu giá cần được quy định mở ra ứng dụng công nghệ, có thể thông qua Cổng đấu giá tài sản quốc gia vừa công bố vừa xác minh.

Cùng quan điểm, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến đề nghị xem xét quy định công khai các nội dung quan trọng về đấu giá tài sản trên Cổng đấu giá tài sản quốc gia nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về đấu giá, bảo vệ và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản bị đấu giá. Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định tất cả các thủ tục, trình tự đấu giá, tài sản đấu giá, giá khởi điểm, v..v.. đều phải được gửi và đăng công khai trên Cổng đấu giá tài sản quốc gia. Trường hợp thiếu bất kỳ thông tin nào, sẽ là căn cứ để hủy bỏ kết quả đấu giá; nhất là công bố thông tin đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị đồng thời cân nhắc tăng thêm thời gian để nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ đấu giá so với quy định hiện nay.

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận:

Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng Lê Tiến Châu điều hành phiên thảo luận Tổ

Các đại biểu Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thị Sửu

Đại biểu Nguyễn Minh Quang - Đoàn DDBQH Tp.Hải Phòng

Đại biểu Đỗ Văn Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bảo Yến - Phạm Thắng