TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội
Trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã diễn ra sôi nổi và chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.
Đóng góp ý kiến về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các tháng cuối năm 2023 và năm 2024, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần sự phối kết hợp giữa các ngành nghề trong nước để giảm được chi phí logistics, chi phí lưu kho, lưu bãi, vận chuyển, để từ đó hạ chi phí, giá thành và giúp cho giá cả của hàng hóa khi xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước có thể cạnh tranh được. Đẩy mạnh xuất khẩu từ đó sẽ thúc đây hoạt động nhập khẩu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế
Thị trường tiêu dùng trong nước với 100 triệu dân, có mức thu nhập bình quân đầu người tăng lên nhanh chóng đang có nhu cầu rất lớn về nhiều mặt hàng tiêu dùng nhưng các sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam chưa đáp ứng được vấn đề về mẫu mã, chất lượng, giá cả, khâu bảo trì bảo dưỡng, khuyến mại chưa như mong muốn. Bộ Công Thương cần đồng hành cùng các hiệp hội doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” một cách thiết thực, hiệu quả.
Bộ Công thương cùng cần các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ các DN thực hiện các chương trình đăng ký, quảng bá sản phẩm vùng miền… giúp tiêu thụ các sản phẩm tốt hơn, nhất là việc liên kết giữa các ngành nghề, từ khâu vận chuyển cho đến logistics, kho bãi, các siêu thị… để giảm thiểu các chi phí lưu kho, lưu bãi, chi phí trung gian và có thể giảm được giá hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng. Cùng với đó cần tiếp tục bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ… nhằm bảo vệ, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và doanh nghiệp, sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công, tạo động lực tăng trưởng; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giảm thiểu thủ tục hành chính nhằm tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng, kiến tạo thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước, tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, kinh doanh. Để thúc đẩy hoạt động đầu tư công trong năm 2024, các Bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, có đủ căn cứ khoa học và pháp lý để lập kế hoạch đầu tư công năm 2024.
Việc giao, điều chỉnh kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội cần được thực hiện sớm theo đúng quy trình. Các bộ, ngành, địa phương cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lập, thực hiện các kế hoạch đầu tư. Thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ và chất lượng thi công các dự án đầu tư công. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợ chặt chẽ, xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc về thủ tục hành chính, về nguồn nguyên vật liệu, về đơn giá, định mức… để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư công. Cần xem xét thực hiện điều chuyển vốn giữa các dự án, các chương trình, các bộ ngành và địa phương để phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng vốn.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính, quy trình và thời hạn visa cho khách du lịch nước ngoài, có sự đổi mới trong cơ chế, chính sách để tăng cường phát triển hoạt động dịch vụ, du lịch. Cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững. Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia. Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch cả về nghiệp vụ và nguồn lực tài chính. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hoạt động dịch vụ, du lịch. Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, tiếp tục cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển; rà soát, sửa đổi cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Cần thay thế chính sách ưu đãi thuế để thu hút đầu tư bằng việc hoàn thiện môi trường đầu tư và các biện pháp phù hợp nhằm giảm chi phí cho các DN. Nâng cao chất lượng nguồn lao động, cũng như cần phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối các tỉnh, vùng kinh tế tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài.
Với quyết tâm vượt mọi khó khăn, tìm kiếm cơ hội để hồi phục và tăng trưởng của các doanh nghiệp, sự vào cuộc rất kiên quyết của các cơ quan quản lý nhà nước, sự đồng hành, kịp thời tháo gỡ các khó khăn của các cơ quan thực thi pháp luật, sự đổi mới kịp thời các cơ chế chính sách của nền kinh tê, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội, Chính phủ đề ra cho năm 2023 và giai đoạn 2020 -2025 sẽ được hoàn thành thắng lợi.