GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: TẬN DỤNG MỌI THỜI CƠ ĐỂ THU HÚT FDI NHẰM PHÁT TRIỂN KINH TẾ BỀN VỮNG

12/11/2023

Để có thêm giải pháp căn cơ, đột phá nhằm giúp cho Quốc hội có sự chỉ đạo, Chính phủ đưa ra giải pháp kịp thời cân đối và tận dụng mọi cơ hội thị trường, thu hút FDI có trọng điểm và hướng tới nguồn FDI có chất lượng, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu đến độc giả bài viết “Tận dụng mọi thời cơ để thu hút FDI nhằm phát triển kinh tế bền vững” của PGS.TS Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương.

QUỐC HỘI BIỂU QUYẾT THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT VỀ PHÂN BỔ NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG NĂM 2024

GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: TRAO ĐỔI VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA DỰ ÁN LUẬT ĐƯỜNG BỘ

GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: THÁO GỠ KHÓ KHĂN, KHAI THÔNG ĐIỂM NGHẼN CHO DỰ ÁN THU HỒI ĐẤT, BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ CẢNG HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ LONG THÀNH

Trong 9 tháng đầu năm 2023, xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài đã có những dấu hiệu phục hồi trở lại sau khi giảm sút trong 6 tháng đầu năm 2023 thể hiện ở kim ngạch xuất khẩu khẩu và tỷ lệ thu hút, giải ngân FDI. Tuy nhiên, sự phục hồi đó còn rất khiêm tốn, chưa có những thay đổi về chất lượng xuất khẩu khẩu và nguồn vốn FDI thu hút được. Đây là một trong những nội dung được quan tâm tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội XV.  

Sau những khó khăn và suy giảm trong những tháng đầu năm, hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta tiếp tục duy trì sự phục hồi tăng trưởng. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 496,3 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 259,67 tỷ USD (giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước) và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 237,99 tỷ USD, (giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước). Điểm sáng lớn nhất trong bức tranh xuất nhập khẩu được ghi nhận trong báo cáo của Chính phủ là xuất siêu 21,64 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 6,9 tỷ USD), đưa nước ta vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại.

Đi sâu vào phân tích cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, chúng ta thấy sự đóng góp quan trọng của ngành nông nghiệp cho hoạt động xuất khẩu. Trong khi nhóm hàng công nghiệp chế biến và nhóm hàng nguyên liệu đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, thủy sản tăng 3,1%, ước đạt 23,87 tỷ USD, trong 9 tháng năm 2023 và chiếm 9,2% kim ngạch xuất khẩu. Trong nhóm hàng này cũng chứng kiến sự bứt phá của xuất khẩu rau quả đạt 4,2 tỷ USD, vượt kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2022 (3,16 tỷ USD); xuất khẩu gạo đạt kim ngạch xuất khẩu 3,66 tỷ USD, vượt kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2022 (3,45 tỷ USD). Kết quả đạt được đối với mặt hàng trái cây này theo tôi do những nỗ lực đàm phán mở cửa thị trường cho trái cây tươi đối với những thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ và thị trường chính ngạch của Trung Quốc. Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp thì các mặt hàng nông nghiệp cũng có xu hướng tăng giá và các doanh nghiệp nước ta đã tận dụng được xu hướng tăng giá này để khai thác nguồn cung tương đối dồi dào và chênh lệch vụ thu hoạch so với các nhà cung cấp khác.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 259,67 tỷ USD. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tuy nhiên, điểm tối trong bức tranh cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu lại nằm ở chính các mặt hàng chế biến chế tạo, những mặt hàng vẫn được coi là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Tính trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng có phần chững lại hoặc giảm như: Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (-0,6%), dệt may (-13%), giày dép (-12,7%), gỗ và sản phẩm gỗ (-7%),... Nhưng quan trọng hơn là nhập khẩu nhóm hàng nguyên liệu sản xuất và là đầu vào quan trọng phục vụ các ngành hàng xuất khẩu đều giảm ở mức hai con số, chẳng hạn như: điện thoại và linh kiện (giảm 62,2%); máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng (giảm 11,1%); nguyên phụ liệu dệt may, da giày, (giảm 13,4%)…. Điều này có lý do quan trọng là do thiếu vắng các đơn hàng xuất khẩu đã kéo theo nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm tương ứng.

Nguyên nhân do kinh tế thế giới năm 2023 vẫn tiếp tục bức tranh khá ảm đạm, nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm nhưng cũng do nguyên nhân chủ quan từ chính chúng ta khi chưa thực sự bắt kịp với xu hướng dịch chuyển của thị trường sang các sản phẩm xanh. Ví dụ như trong ngành dệt may, đã có hơn 250 nhãn hàng may mặc thời trang trên thế giới đưa ra các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử có trách nhiệm với môi trường, áp dụng cho các nhà cung cấp, không chỉ các nhà mua hàng châu Âu đặt ra yêu cầu về các nhãn hàng xanh, mà những doanh nghiệp mua hàng lớn tại Mỹ, Nhật Bản… đều có chung đòi hỏi này. Bên cạnh đó, hành vi của người tiêu dùng cũng đã khác, họ yêu cầu cao hơn về hàng dệt may bền vững.

Cơ cấu xuất/nhập khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm 2023. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Xét về cơ cấu thị trường, chúng ta có thể ghi nhận những nỗ lực trong việc đa dạng hóa thị trường, tập trung khai thác các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như thị trường các nước Tây Á (tăng 4%), thị trường Bắc Phi (tăng 9,4%)... Tuy nhiên, những thị trường này còn rất hạn chế về quy mô, trong khi các thị trường lớn đều suy giảm và do chính sách tiền tệ thắt chặt của nhiều quốc gia, ảnh hưởng trực tiếp đến tổng cầu, đặc biệt là những hàng hóa không thiết yếu: thị trường Mỹ giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2022, thị trường EU giảm 8,2%; thị trường ASEAN giảm 5,5%, Hàn Quốc giảm 5,1%, Nhật Bản giảm 3%. Mặc dù, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta, có được mức tăng 2,1% nhưng cũng cần chú ý đến những dấu hiệu chững lại của nền kinh tế này sau quý 1-2 năm 2023 có sự tăng trưởng mạnh khi mở cửa trở lại muộn sau Covid-19.

Cùng với bức tranh xuất nhập khẩu, bức tranh thu hút đầu tư nước ngoài cũng ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong việc thu hút và đặc biệt là giải ngân nguồn vốn FDI trong 9 tháng đầu năm 2023. Trong 9 tháng, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Mặc dù vốn đầu tư điều chỉnh giảm trong 9 tháng (37,3% so với cùng kỳ) nhưng xu hướng này đã có sự cải thiện so với các tháng trước đó. Điểm sáng cần được ghi nhận là vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 15,9 tỷ USD, chiếm 79%, cao nhất trong giai đoạn 2018-2023. Bên cạnh đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đóng góp vào con số xuất siêu của cả nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ lớn cho cán cân thanh toán quốc tế.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy, tốc độ tăng số dự án mới (75,5%) lớn hơn tốc độ tăng vốn đầu tư mới (38,6%) mới chỉ cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đã đưa ra các quyết định đầu tư mới. Trong khi đó, các tập đoàn lớn, mặc dù các chuyến thăm cấp cao của của nhiều lãnh đạo các quốc gia, tập đoàn lớn đã mở ra rất nhiều cơ hội như Boeing với văn phòng mới thành lập tại hà Nội, tập đoàn Intel với chiến lược đầu tư thêm nhiều tỷ USD, hay P&G tiếp tục mở rộng nhà máy ở Bình Dương,... vẫn cần tiếp tục thúc đẩy để hiện thực.

Trong thời gian gần đây, đa số các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng nhẹ so với dự báo đưa ra vào đầu năm nhưng vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng năm 2022 (IMF điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm và đạt 3%,  so với dự báo tháng 4/2023; WB điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm và đạt 2,1%). Điều này cho thấy, những dấu hiệu phục hồi và chặn đà suy giảm của kinh tế thế giới. Đặc biệt, những thị trường xuất khẩu lớn của nước ta đều có những tín hiệu tích cực. Tại trường Hoa Kỳ, mặc dù chỉ số PMI tổng hợp của Hoa Kỳ tháng 8/2023 đạt 50,2 điểm, thấp hơn mức 52 điểm của tháng 7/2023 nhưng tốc độ tăng trưởng việc làm và dự kiến việc dừng tăng lãi suất của FEd sẽ hỗ trợ phục hồi trong những tháng cuối năm. Khu vực EU, chỉ số BMI tiếp tục duy trì ở mức 46-47 điểm nhưng những tháng cuối năm thường sẽ là những tháng có sự gia tăng về nhu cầu tiêu dùng của khu vực thị trường này.

Tại thị trường Trung Quốc, chỉ số PMI đã tăng lên 50,2 điểm trong tháng 9 cho thấy nền kinh tế này đã bắt đầu chạm đáy và dần lấy lại thăng bằng. Tuy nhiên, cùng với những diễn biến phức tạp và khó lường trên thế giới, sự phục hồi của kinh tế thế giới chưa mang tính bền vững. Điều này đòi hỏi chúng ta cần có một cân đối mang tính chiến lược giữa thị trường trong nước với xuất nhập khẩu và thức đẩy phát triển thị trường trong nước, gắn kết cung  - cầu giữa thị trường trong nước và nước ngoài. Hiện nay, dung lượng thị trường trong nước tương đối thấp (bằng khoảng ½ thị trường xuất khẩu), đang có xu hướng doãng ra nhưng đang có tiềm năng phát triển lớn.

Cần thu hút FDI có trọng điểm và hướng tới nguồn FDI có chất lượng. Ảnh minh họa

Để vực dậy nền kinh tế, cân đối và tận dụng mọi cơ hội thị trường, thu hút FDI có trọng điểm và hướng tới nguồn FDI có chất lượng, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, tôi cho rằng, trong giai đoạn tới, cần chú trọng đến một số giải pháp quan trọng như:

Thứ nhất: Quản trị rủi ro, đảm bảo cân đối giữa các thị trường, chú trọng đến các chương trình dự trữ hàng hóa, đảm bảo an ninh lương thực;

Thứ hai: Thúc đẩy phát triển mạnh thị trường trong nước thông qua việc xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại trên cơ sở áp dụng công nghệ 4.0 để kết nối mọi vùng, miền trên cả nước;

Thứ ba: Phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa cho cả hai thị trường, thống nhất quản lý chất lượng sản phẩm để vừa nâng cao sức mua thị trường trong nước, vừa là điều kiện đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu.

Bên cạnh đó, bối cảnh kinh tế thế giới đang có những thay đổi mang tính cấu trúc đòi hỏi Việt Nam cần nghiên cứu và tận dụng các cơ hội đối với hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài. Trước hết, sau đại dịch Covid-19 và với sự cạnh tranh địa chính trị của những nước lớn và những xung đột vũ trang đang diễn ra, chuỗi cung ứng toàn cầu đang có những định hình và tái cấu trúc, hướng tới chuỗi cung ứng bền vững và có khả năng chống chịu giữa những đối tác chiến lược.

Đối với Việt Nam, cùng với việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ và những FTAs đã và đang đàm phán với nhiều đối tác lớn khác, chúng ta hoàn toàn có thể có cơ hội để tham gia những chuỗi cung ứng toàn cầu ở những ngành hàng chiến lược như ngành bán dẫn, điện tử,...

Ngoài ra, với những cam kết tại Hội nghị COP26, nhiều quốc gia đang đưa ra những quy định cụ thể như các quy định không phá rừng (EUDR), cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU hay Luật cạnh tranh sạch (Clean competition Act) của Hoa Kỳ,... đã và đang thúc đẩy xu hướng sản xuất và tiêu dùng xanh. Đây sẽ là những xu hướng mà Việt Nam, cả Chính phủ và các doanh nghiệp cần nhanh chóng chuyển dịch và bắt kịp và là điều kiện quan trọng cho sự phát triển bền vững xuất nhập khẩu bền vững và thu hút FDI có chất lượng trong tương lai./.

                       

PGS.TS Đào Ngọc Tiến

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương