TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI
Toàn cảnh phiên thảo luận về kinh tế - xã hội
Phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã diễn ra sôi nổi và chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.
Bàn về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia bày tỏ quan tâm đến vấn đề điều hành chính sách tiền tệ và ổn định thị trường tài chính trước những thách thức mới.
TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia
Theo TS.Trương Văn Phước, cần tăng cường theo dõi, phân tích và có kịch bản ứng phó với tác động của rủi ro địa chính trị tới ổn định hệ thống tài chính. Cơ quan quản lý nhà nước cần bổ sung rủi ro từ quá trình phân tách kinh tế và tài chính vào nội dung theo dõi, phân tích và chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa rủi ro để có thể giảm thiểu được tác động tới hệ thống tài chính. Cần đánh giá được mối liên hệ giữa rủi ro địa chính trị với các rủi ro hiện hữu của hệ thống tài chính như tín dụng, tỷ giá, thị trường và hoạt động, đặc biệt là các tổ chức tài chính có hoạt động đầu tư ở nước ngoài.
Ngân hàng Nhà nước cần đánh giá và cập nhật rủi ro địa chính trị trong công tác quản lý dự trữ ngoại hối trước xu thế thay đổi trong cơ cấu đồng tiền dự trữ. Tỷ trọng của đồng USD đã giảm từ mức 71% đầu thế kỉ xuống khoảng 60% trong thời gian gần đây, phản ánh xu hướng đa dạng hóa danh mục các đồng tiền của các ngân hàng trung ương. Các công cụ trừng phạt chính trị thông qua tài chính từ khi diễn ra cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine đã thúc đẩy nhiều ngân hàng trung ương tăng tỷ trọng nắm giữa vàng. Ở góc độ rộng hơn, do trong dài hạn, tác động của phân tách kinh tế và tài chính có thể được truyền dẫn qua các hoạt động kinh tế nên cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước… để có hình thành một khung chính sách ứng phó với rủi ro mới này.
Bên cạnh đó, cần cải cách thị trường tài chính theo hướng tuân thủ nhiều hơn các quy luật của kinh tế thị trường. Trong một nền kinh tế thị trường, việc cho phép các chủ thể kinh tế được chủ động xây dựng và triển khai các hoạt động kinh doanh trong khuôn khổ quy định pháp luật là nguyên tắc căn bản. Các hoạt động trên thị trường tài chính ngoài đặc tính diễn ra liên tục và sôi động thì cũng có tính biến đổi và sáng tạo cao. Việc để cho các tổ chức tài chính được tự chủ trong hoạt động kinh doanh sẽ giúp nhiều hơn các sản phẩm và dịch vụ tài chính được hình thành, phát triển, sửa đổi và hoàn thiện, góp phần vào thực hiện tốt các chức năng của một thị trường tài chính.
Do vậy, Nhà nước sẽ ban hành các quy định pháp lý cho các tổ chức tài chính thực hiện theo hướng tiệm cận dần với các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế hiện đại, đặc biệt là công tác quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro. Các tổ chức tài chính và chủ thể kinh tế khác tham gia vào thị trường tài chính sẽ căn cứ vào hàng lang pháp lý đó để đưa ra các quyết định kinh doanh và tự chịu trách nhiệm với các quyết định của mình.
Cần cải cách thị trường tài chính theo hướng tuân thủ nhiều hơn các quy luật của kinh tế thị trường
Vừa qua, trước những ý góp ý của cộng đồng doanh nghiệp về một số nội dung của Thông tư số 06/2023/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN). Sự việc này cho thấy cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng tài chính chỉ nên gián tiếp điều chỉnh hành vi kinh doanh của các ngân hàng thương mại thông qua áp dụng các quy định về bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng thay vì đưa ra các quy định có tính hành chính, can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Việc ban hành các tiêu chuẩn BASEL với các hệ số rủi ro khác nhau đối với các phân khúc khách hàng, sản phẩm và loại tài sản đảm bảo khác nhau sẽ giúp cơ quan quản lý điều tiết được hoạt động kinh doanh ngân hàng theo hướng trao quyền tự chủ kinh doanh, tự chịu trách nhiệm về kết quả đặt trong một khuôn khổ đề cao tính thận trọng. Thực vậy, để tối ưu hóa giữa lợi ích và rủi ro, giữa quy mô tài sản, rủi ro với vốn chủ sở hữu, các tổ chức tín dụng sẽ tự xác định cần ưu tiên cấp tín dụng hay hạn chế tín dụng đối với lĩnh vực nào, nhóm doanh nghiệp nào, với tài sản đảm bảo nào trong khả năng đảm bảo tuân thủ hệ số an toàn vốn và các hệ số an toàn hoạt động khác. Song song với đó, cần thực hiện hai sự đổi mới bao gồm phát triển các công cụ phòng ngừa rủi ro thị trường và nâng cao tính minh bạch thông tin, trách nhiệm giải trình trên thị trường. Các công cụ và phương thức giao dịch trên thị trường tài chính cũng cần được đa dạng hóa theo hướng tăng cường các công cụ phòng ngừa rủi ro thị trường.
Việc sử dụng các công cụ phái sinh trên thị trường giúp các chủ thể kinh tế phân tán và phòng ngừa rủi ro trên thị trường theo nhu cầu. Ngoài ra, các tổ chức tài chính phải công bố công khai, minh bạch và chính xác thông tin về chiến lược kinh doanh, tình hình tài chính, cơ cấu quản lý, công tác quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro với cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể có liên quan. Việc nâng cao trách nhiệm giải trình đi kèm với trao quyền cho các chủ thể có quyền lợi trên thị trường sẽ giúp hình thành một cơ chế giám sát hiệu quả hoạt động song song và bổ sung hết sức hiệu quả cho cơ chế thanh tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước.