BƯỚC TIẾN QUAN TRỌNG VỀ TƯ DUY VÀ THIẾT KẾ MÔ HÌNH TỔ CHỨC ĐIỀU PHỐI VÙNG

13/11/2023

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS.Lê Văn Hùng, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng cho rằng, 06 Quyết định thành lập Hội đồng điều phối được cho là một bước tiến về tư duy và thiết kế mô hình tổ chức điều phối vùng, và đây là văn bản pháp lý đầu tiên về quy chế hoạt động của bộ máy vùng kinh tế xã hội (vùng tổng hợp).

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Toàn cảnh phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hộ tại Kỳ họp thứ 6

Phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã diễn ra sôi nổi và chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Tham gia đóng góp ý kiến vào tình hình kinh tế xã hội, TS.Lê Văn Hùng, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng cho biết, nhằm tăng cường hoạt động điều phối vùng, đặc biệt là thúc đẩy liên kết và hợp tác giữa các địa phương trong vùng, không chỉ các tỉnh/thành phố trong 04 vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) có bộ máy vùng (mô hình Tổ chức điều phối các vùng KTTĐ) mà hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập và quy chế hoạt động của 06 vùng kinh tế - xã hội (mô hình Hội đồng điều phối vùng KTXH). Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đầu tiên có Hội đồng điều phối (HĐĐP) vùng (được thành lập tháng 6/2020), tiếp đến là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (tháng 8/2022) và gần đây (tháng 7/2023) đã thành lập 04 HĐĐP của 04 vùng KTXH còn lại.

TS.Lê Văn Hùng, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng

Nhìn chung, 06 Quyết định thành lập HĐĐP được cho là một bước tiến về tư duy và thiết kế mô hình tổ chức điều phối vùng, và đây là văn bản pháp lý đầu tiên về quy chế hoạt động của bộ máy vùng KTXH (vùng tổng hợp). Quyết định thành lập HĐĐP vùng KTXH đã quy định rõ hơn mô hình tổ chức điều phối vùng và có nhiều ưu việt hơn so với mô hình Tổ chức điều phối các vùng KTTĐ trên một số khía cạnh.

Cụ thể, nhiệm vụ HĐĐP vùng KTXH mặc dù được thiết kế giống nhiệm vụ Tổ chức điều phối các vùng KTTĐ, theo đó cả hai bộ máy vùng đều là tổ chức phối hợp liên ngành, thực hiện chức năng tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề phát triển vùng, trong đó có liên kết vùng. Tuy nhiên, mô hình HĐĐP vùng được giao chủ trì thêm một số nhiệm vụ quan trọng, trong đó có nhiệm vụ: điều phối các hoạt động trong công tác lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh trong vùng; điều phối các hoạt động liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng KTXH, đào tạo nguồn nhân lực, sử dụng lao động, phát triển trung tâm logistics gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu,...; điều phối việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công, thúc đẩy đầu tư theo phương thức PPP trong phát triển hạ tầng chiến lược, cấp bách, quan. Riêng 03 vùng KTXH được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho HĐĐP vùng, đó là nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng, đó là vùng Đông Nam Bộ (ĐNB), vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và vùng Tây Nguyên.

HĐĐP vùng KTXH không phải là một cấp trung gian giữa Ban chỉ đạo điều phối phát triển vùng với các địa phương trong vùng (như mô hình Tổ chức điều phối các vùng KTTĐ). Thay vào đó, HĐĐP vùng KTXH hoạt động như một diễn đàn chung, với sự tham gia trực tiếp của tất cả các bộ, ngành và đại diện các địa phương để bàn luận và cùng thống nhất các nhu cầu liên kết vùng, quy hoạch vùng, tham gia ý kiến về danh mục các chương trình, dự án có quy mô vùng. Điều này cho phép các địa phương trong vùng có tiếng nói trực tiếp ngay trong bộ máy ra quyết định đối với vấn đề phát triển vùng nói chung và liên kết vùng nói riêng.

Thành phần HĐĐP vùng KTXH đã được kiện toàn hơn theo hướng mở rộng chủ thể tham gia Hội đồng, theo đó, HĐĐP không chỉ có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành và địa phương mà còn có sự tham gia của 01 đại diện chuyên gia, nhà khoa học tiêu biểu và 01 đại diện có uy tín của cộng đồng doanh nghiệp trong vùng (đối với HĐĐP Trung du và miền núi phía Bắc (TD&MNPB) và HĐĐP vùng ĐBSCL). Số lượng và sự tham gia đại diện các thành viên HĐĐP vùng ở 06 vùng KTXH có sự khác nhau.

Chẳng hạn, HĐĐP vùng TD&MNPB có 05 Phó Chủ tịch, bổ sung thêm 01 Phó Chủ tịch là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội so với 04 Phó Chủ tịch của HĐĐP vùng ĐBSCL. Các uỷ viên là Thứ trưởng và tương đương của các Bộ và cơ quan ngang Bộ của HĐĐP vùng TD&MNPB gồm 11 người, bổ sung thêm 04 thành viên[6] so với HĐĐP vùng ĐBSCL. Sự khác biệt trong cơ cấu tổ chức HĐĐP vùng giữa các vùng KTXH chủ yếu là do trọng tâm lĩnh vực hoạt động điều phối và liên kết nội vùng của các vùng là khác nhau; và để đảm bảo có sự tham gia đầy đủ đại diện của các lĩnh vực ưu tiên điều phối, liên kết nên các thành viên của HĐĐP vùng tất yếu có sự khác biệt.

Người đứng đầu HĐĐP vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) và vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là Thủ tướng Chính phủ; và 04 vùng KTXH còn lại, người đứng đầu HĐĐP là 01 Phó Thủ tướng Chính phủ. Ở mô hình Tổ chức điều phối các vùng KTTĐ, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan có thẩm quyền chỉ tương đương với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương nên trong quá trình điều phối, chỉ có thể hướng dẫn, đôn đốc chứ không thực hiện được chức năng chỉ đạo. Trong khi đó, hoạt động điều phối vùng không thể tách rời giữa hai chức năng là chỉ đạo và điều phối nên mô hình người đứng đầu HĐĐP vùng là Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ cho phép với những vấn đề chưa thống nhất hoặc cần các quyết định chỉ đạo về mặt hành chính, Chủ tịch HĐĐP vùng có đủ thẩm quyền để quyết định chứ không nhất thiết phải đệ trình tất cả lên các cơ quan có thẩm quyền, nhờ đó, rút ngắn được thời gian ra quyết định và tăng thêm quyền cho bộ máy này.

Bên cạnh đó, kinh phí hoạt động của HĐĐP vùng KTXH đã có sự mở rộng hơn so với kinh phí hoạt động của Tổ chức điều phối phát triển các vùng KTTĐ. Kinh phí hoạt động của HĐĐP vùng không chỉ từ nguồn Ngân sách Nhà nước mà còn có thể có từ nguồn tài trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế.

Hiện nay, ngoại trừ HĐĐP vùng ĐBSCL được thành lập từ tháng 6/2020, 05 HĐĐP vùng còn lại do mới được thành lập nên hiện còn quá sớm để đánh giá hiệu quả hoạt động của các HĐĐP vùng này. Đối với HĐĐP vùng ĐBSCL, mặc dù được thành lập hơn 3 năm nhưng do cả nước đã tiến hành Đại hội Đảng các cấp (từ quý I/2020 đến 31/10/2020) và do dịch bệnh Covid-19 nên các cuộc họp của HĐĐP vùng ĐBSCL cũng chưa nhiều, nên hiện vẫn chưa có sự đánh giá tổng thể về hiệu quả hoạt động của mô hình này. Tuy nhiên, so với vùng KTTĐ, bộ máy điều phối vùng KTXH được trao nhiều thẩm quyền hơn nên có thể thực hiện vai trò điều phối, thúc đẩy liên kết nội vùng tốt hơn vùng KTTĐ.

Minh Hùng

Các bài viết khác