CẦN QUAN TÂM THỰC HIỆN ƯU ĐÃI NGHỀ ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN KHI THỰC HIỆN CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG
Phóng viên: Tại Kỳ họp thứ 6, vấn đề về chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa, chế độ lương, phụ cấp cho giáo viên... được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, ông muốn gửi gắm điều gì tới các nhà hoạch định chính sách?
PGS. Lê Văn Canh, nguyên giảng viên trường Đại học ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội: Tôi rất vui khi Quốc hội, Chính phủ quan tâm đến lĩnh vực giáo dục như vậy. Chủ trương “Coi giáo dục là quốc sách hàng đầu” là một chủ trương tiến bộ, có thể coi là một chân lý. Tuy nhiên để hiện thực hoá chủ trương này thì cần phải coi sự an lạc của giáo viên là gốc, là nền tảng. Sự an lạc của giáo viên bao gồm an lạc về cuộc sống vật chất, an lạc về tinh thần, xúc cảm và an lạc về chuyên môn.
Do vậy, một mặt cần có những yêu cầu cao nhưng thực tế với giáo viên, mặt khác phải có những sự hỗ trợ tương xứng với yêu cầu mới để giáo viên thực sự cũng là những người học suốt đời để luôn đổi mới chính mình. Tôi cho rằng, yêu cầu cao mà không thực tế sẽ dẫn đến sự đối phó. Yêu cầu cao mà thiếu sự hỗ trợ tương xứng sẽ dẫn đến sức ỳ, sự phản kháng với đổi mới.
Phóng viên: Việt Nam có truyền thống tôn sư trọng đạo. Nhưng nhiều năm gần đây, dường như nhiều áp lực ngoài giáo dục khiến truyền thống bị mai một. Thầy có suy nghĩ gì về điều này?
PGS. Lê Văn Canh, nguyên giảng viên trường Đại học ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội: Câu hỏi này rất xác thực. Dù muốn hay không chúng ta phải thừa nhận rằng từ khi đất nước chuyển sang kinh tế thị trường, truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta cũng “bay đi ít nhiều”. Trong nền kinh tế thị trường , quan hệ thầy-trò, nhà trường-phụ huynh cũng bị chi phối bởi của kinh tế thị trường.
Một lý do khác là do việc tiếp cận những triết lý giáo dục của nước ngoài dễ dàng nhờ công nghệ thông tin nhưng lại hiểu không đúng cũng làm mai một truyền thống tôn sư trọng đạo. Ví dụ, chúng ta lâu nay vẫn nói “lấy người học làm trung tâm” mà đáng ra phải dịch là “đặt người học ở vị trí trung tâm của quá trình giáo dục” rồi lại diễn dịch sai nên dẫn đến việc hạ thấp vai trò của người dạy.
Bên cạnh đó, một nghịch lý dễ thấy trong xã hội Việt Nam hiện thời là nghề dạy học vừa được xã hội tôn vinh vừa bị xã hội coi thường. Đó là hiện tượng đáng lo ngại. Cho dù quan niệm “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy” có lẽ không đúng với thời đại ngày nay, nhưng những hành vi, những phát ngôn của một số người đã làm tổn thương những nhà giáo chân chính suốt đời tận tuỵ với người học , hoá thân vào tri thức của người học, từ đó dẫn đến hiệu ứng coi thường thầy, cô giáo không những trong phụ huynh mà cả trong một bộ phận người học.
Là một nhà giáo, một người làm nghiên cứu giáo dục hơn 40 năm, tôi thấy đây là hiện tượng đáng lo ngại. Muốn nên người, muốn làm thầy thiên hạ thì trước hết phải tôn trọng thầy. Nếu cả xã hội mong muốn con em mình được hưởng một nền giáo dục lành mạnh, một nền giáo dục trang bị cho con em họ một cặp kính sáng để có thể nhìn mọi thứ trong thế giới này rõ hơn chứ không phải khoác lên người họ bộ quần áo lụa là, đẹp đẽ để khoe mẽ trước thiên hạ, thì trước hết hãy có thái độ tôn trọng và biết ơn người trao cho họ cặp kính đó. Từ ngàn đời trong văn hoá Việt Nam, ngay cả các bậc đế vương cũng thực hành theo đạo lý “tôn sư trọng đạo”.
Phóng viên: Những năm gần đây, nhiều ý kiến của xã hội qua truyền thông và mạng xã hội về giáo dục ít có những ý kiến đánh giá đúng những nỗ lực của ngành giáo dục và của các thầy, cô giáo hay những ý kiến đóng góp với tinh thần xây dựng cho ngành giáo dục?
PGS. Lê Văn Canh, nguyên giảng viên trường Đại học ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội: Giáo dục là lĩnh vực tác động đến hầu hết mọi thành viên, mọi thành phần kinh tế trong xã hội nhưng hệ thống giáo dục của bất cứ quốc gia nào cũng là một hệ thống phức hợp. Tôi nói là phức hợp, chứ không phải phức tạp. Phức hợp có nghĩa là hệ thống giáo dục luôn chịu sự chi phối của những hệ quả khó lường do sự tương tác bất định giữa các tiểu hệ thống hay các yếu tố khác trong hệ thống văn hoá-xã hội-chính trị-kinh tế.
Do đó, giáo dục rất cần tiếng nói và sự phản biện của xã hội. Những tiếng nói hay sự phản biện mang tính xây dựng của xã hội là hết sức quý giá để những người làm giáo dục thấy mình đang ở đâu, thấy việc gì mình làm đúng, việc gì cần cải tiến hay thay đổi. Nhưng nếu dư luận xã hội chỉ tập trung vào những gì hạn chế thậm chí thiếu sót của giáo dục mà quên đi những đóng góp âm thầm của những người làm giáo dục thì sẽ gây ra sự mất lòng tin của phụ huynh, của người học. Liệu học sinh đến trường có đạt được tiến bộ trong học tập không nếu họ không có niềm tin ở nhà trường, ở thầy, cô giáo? Xã hội có quyền đặt ra những kỳ vọng đối với giáo dục nhưng điều quan trọng là phải xem xét những kỳ vọng đó dựa trên cơ sở nào và có thực tế không. Những kỳ vọng đó dựa trên quan niệm thế nào về giáo dục, về dạy, về học và về quan hệ giữa dạy và học. Không phải ai cũng có cách nhìn phù hợp và thống nhất về các khái niệm đó. Do vậy, những ý kiến phản biện của xã hội chỉ mang lại kết quả tốt đẹp khi những ý kiến đó có mục đích đồng hành cùng giáo dục, thấu cảm với những người làm giáo dục. Ngược lại giáo dục và xã hội, nhà trường và phụ huynh, thầy, cô giáo và học trò chỉ ngày càng xa nhau.
Phóng viên: Giáo dục Việt Nam hiện nay giống như cách miêu tả của nhà thơ Tản Đà: “Đường xa gánh nặng xế chiều, Cơn dông biển lớn mái chèo thuyền nan”. Vậy theo ông, thách thức lớn nhất mà giáo dục của chúng ta đang phải đối mặt là gì?
PGS. Lê Văn Canh, nguyên giảng viên trường Đại học ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội: Thách thức là một phần tất yếu của cuộc sống. Chỉ có thách thức mới tạo động lực cho chúng ta vươn lên tầm cao mới. Nền giáo dục nước ta hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức mà trong phạm vi của cuộc phỏng vấn này tôi không thể nói hết được.
Tôi cho rằng, thách thức lớn nhất của giáo dục nước ta hiện nay là làm thế nào giải quyết được bài toán không làm đứt gãy văn hoá, vừa đổi mới vừa giữ được những giá trị văn hoá dân tộc, vừa hội nhập quốc tế vừa phát triển một nền giáo dục “hoàn toàn Việt Nam”. Một nền giáo dục không bắt rễ từ những giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc là một nền giáo dục tha hoá, một nền giáo dục nô dịch, một nền giáo dục lai căng.
Phóng viên: Vậy làm sao để giữ được con thuyền giáo dục thật thăng bằng trước nhiều khó khăn thách thức như hiện nay, thưa ông?
PGS. Lê Văn Canh, nguyên giảng viên trường Đại học ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội: Cha ông ta đã dạy rằng “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Trong một thế giới bất định, luôn biến động một cách không thể dự doán như thế giới hiện nay, trong cơn lốc toàn cầu hoá trong giáo dục hiện nay, thì những giá trị tốt đẹp trong văn hoá dân tộc chính là cái bất biến, là mái chèo tin cậy của giáo dục nước ta. Rời bỏ cái neo đó con thuyền giáo dục sẽ bị lật giữa đại dương mênh mông. Biết sử dụng mái chèo của giá trị văn hoá tốt đẹp thì giông bão lại trở thành lợi thế đưa con thuyền giáo dục đến chân trời mới.
Tất nhiên không phải cái gì trong truyền thống cũng đáng giữ, có cái phải vứt bỏ (ví dụ quan niệm học gạo, học để lấy điểm thi, học để tiến thân, thiếu liêm chính trong giáo dục, thầy giáo là kho tri thức, sách giáo khoa là sách của thánh hiền…) nhưng những gì tốt đẹp (lòng nhân ái, sống hài hoà với người khác, với thiên nhiên, sống trung thực với chính mình, sống có trách nhiệm với người khác, ý chí vượt khó…) giúp chúng ta thực hiện được 03 bình diện của giáo dục là giáo dục đạo đức, giáo dục cá nhân và giáo dục công dân cần được sử dụng làm nền tảng cho giáo dục cất cánh.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!