Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản cơ bản giữ nguyên các quy định của Luật Đấu giá tài sản đang còn phù hợp và phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 25 điều, khoản; bổ sung 01 Điều mới quy định về: tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, quyền, nghĩa vụ và việc thay đổi đăng ký hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; Trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, trong đó có tính đến một số loại tài sản đặc thù, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; Trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình tổ chức đấu giá và hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản
Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội
Phóng viên: Thưa luật sư, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sẽ được Quốc hội tiến hành thảo luận vào sáng 28/11 tới đây. Luật sư có đánh giá như thế nào về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản?
Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội: Luật Đấu giá tài sản 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017, đến nay đã trải qua 5 năm triển khai thực hiện và đã đạt nhiều kết quả cụ thể như: chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa một cách mạnh mẽ hoạt động đấu giá tài sản; xây dựng và nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong việc xử lý tài sản, đặc biệt là tài sản công; hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, luật cũng bộc lộ những hạn chế như: còn thiếu một số quy định quan trọng về trình tự, thủ tục đấu giá, một số quy định chưa phù hợp thực tiễn (thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ, quy định về tiền đặt trước); một số quy định chung trong Luật Đấu giá tài sản chưa có quy định về thẩm quyền xét duyệt hồ sơ của người có tài sản đối với một số loại tài sản (quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản…); còn tồn tại tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá dẫn đến cơ chế kiểm soát việc đấu giá còn bộc lộ một số vướng mắc; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Trong bối cảnh đất nước bước sang giai đoạn mới và trước yêu cầu thực tiễn của hoạt động đấu giá, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu giá tài sản là rất cần thiết và cấp bách, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thúc đẩy tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, khách quan, tính bền vững của hoạt động đấu giá; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động đấu giá tài sản, cũng như công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Phóng viên: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản trình Quốc hội dự kiến sửa đổi, bổ sung 25 điều, khoản; bổ sung 01 Điều mới. Tiếp cận dự thảo luật, luật sư có nhận định như thế nào về nội dung cơ bản và những điểm mới của dự thảo Luật?
Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội: Dự thảo Luật cơ bản giữ nguyên các quy định của Luật Đấu giá tài sản đang còn phù hợp và phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung 25 điều, khoản; bổ sung 1 điều mới quy định về: Tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, quyền, nghĩa vụ và việc thay đổi đăng ký hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; Trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, trong đó có tính đến một số loại tài sản đặc thù, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; Trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình tổ chức đấu giá và hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Đấu giá tài sản và khắc phục các hạn chế, bất cập còn tồn tại, nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp; nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, đặc thù trong hoạt động đấu giá tài sản; tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản; bảo đảm sự quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về đấu giá tài sản và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Một số những điểm mới của dự thảo luật có thể kể đến như:
Tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên: Tháo gỡ các hạn chế về tiêu chuẩn, điều kiện để thu hút và phát triển nguồn đấu giá viên (Bỏ điều kiện phải có thời gian làm việc trong lĩnh vực được đào tạo 03 năm mới được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá) nhưng cũng khắt khe trong đào tạo để đảm bảo chất lượng đầu ra (Bỏ các trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá nhằm đảm bảo tất cả các đối tượng muốn trở thành đấu giá viên). Tuy nhiên, là ngành nghề thường xuyên áp dụng pháp luật chuyên ngành và xử lý nhiều tình huống phát sinh trong thực tế nên rất cần quy định về bồi dưỡng hàng năm đối với đấu giá viên.
Trình tự, thủ tục đấu giá tài sản: Bổ sung một số quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá đối với tài sản đặc thù bao gồm quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tài sản thi hành án. Quy định này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi áp dụng trình tự, thủ tục đấu giá chung đối với một số tài sản đặc thù trong thời gian qua. Dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về xem tài sản đấu giá, địa điểm tổ chức cuộc đấu giá đảm bảo thuận lợi, thu hút nhiều người tham gia đấu giá bổ sung các trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá; quy định chặt chẽ hơn việc trả giá, hình thức đấu giá gián tiếp, đấu giá trong trường hợp chỉ có một người, đấu giá theo thủ tục rút gọn; nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch của hoạt động đấu giá.
Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước: Đẩy mạnh việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản, để công khai thông tin, tiếp cận lựa chọn các tổ chức đấu giá tài sản, tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá trực tuyến vừa góp phần đảm bảo tính khách quan, minh bạch, công khai, thu hút được nhiều cá nhân, tổ chức trong nước cũng như nước ngoài tham gia đấu giá; vừa góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Phóng viên: Một trong những điểm mới được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo luật lần này là quy định về trình tự, thủ tục đấu giá. Vậy, luật sư có đề xuất gì nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, khắc phục vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, nhất là đối với một số tài sản đặc thù?
Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội: Một điểm mới đáng chú ý của Dự thảo luật là bổ sung một số quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá đối với tài sản đặc thù bao gồm quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tài sản thi hành án. Cụ thể, thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá dài hơn so với tài sản thông thường; cách thức xác định tiền đặt trước trong trường hợp giá khởi điểm chưa xác định được bằng tiền hoặc theo số lượng khối tài sản và giá khởi điểm cao nhất…
Đấu giá quyền sử dụng đất là nội dung rất quan trọng và phổ biến nhưng đang bộc lộ nhiều bất cập, như thông đồng thổi giá, dìm giá, dẫn đến làm lợi bất chính cho một số cá nhân, tổ chức. Do vậy, khi sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản hiện hành thì cần quy định cụ thể để hạn chế tính trạng trên như: nâng mức tiền đặt cọc tương xứng với giá trị của hàng hóa đấu giá; các bước giá khi đấu giá phù hợp với giá trị tài sản; quy định tất cả các thủ tục, trình tự đấu giá, thông tin tài sản đấu giá, giá khởi điểm, thông tin năng lực các bên tham gia đấu giá ... đều phải bảo đảm được thông tin đến Cổng đấu giá tài sản quốc gia. Trường hợp thiếu sót bất cứ thông tin, thì là căn cứ để hủy bỏ kết quả đấu giá.
Quy định vấn đề này cực kỳ quan trọng để tăng cường quản lý Nhà nước về đấu giá, bảo vệ và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản bị đấu giá, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các biểu hiện "quân xanh, quân đỏ". Ngoài ra, cũng cần quy định các chế tài ràng buộc, xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá nếu vi phạm thì có thể sẽ mất tiền cọc, phạt tiền, thậm chí xem xét trách nhiệm hình sự nếu thấy có dấu hiệu tội phạm để ngăn ngừa tình trạng tính mục đích khi tham gia đấu gia không phải mua tài sản mà chỉ phô trương danh tiếng, trúng đấu giá nhưng không tiến hành các bước tiếp theo, để mua tài sản, trả giá cao bất thường nhưng khi trúng đấu giá lại bỏ, gây nhiễu loạn thị trường và trục lợi.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Luật sư!