ĐBQH TRẦN VĂN TUẤN: CẦN RÀ SOÁT LOẠI BỎ CÁC THỦ TỤC, ĐIỀU KIỆN KHÔNG CẦN THIẾT TRÁNH PHÁT SINH CHI PHÍ ĐỐI VỚI NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

25/11/2023

Góp ý vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bắc Giang đề nghị ban soạn thảo Luật tiếp tục rà soát, đánh giá loại bỏ các quy định về thủ tục, điều kiện không cần thiết, tránh làm phát sinh chi phí đối với người dân và doanh nghiệp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 24/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

GÓC NHÌN: MỘT SỐ GÓP Ý ĐỐI VỚI DỰ THẢO LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Để tránh sự chồng chéo giao thoa của Luật Đường bộ, pham vị điều chỉnh của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tập trung quy định về trật tự an toàn giao thông với quy hoạch, đổi mới đăng kiểm, đăng ký đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe. Phân định rõ hơn về phạm vi, nội dung điều chỉnh, về các quy định về điều kiện phương tiện giao thông, điều kiện người điều khiển phương tiện giao thông, quy định về nồng độ cồn, đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe, chỉ huy giao thông, Trung tâm chỉ huy giao thông, hoạt động tuần tra, kiểm soát với Trung tâm điều độ và lực lượng thanh tra đường bộ của Luật Đường bộ. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng vẫn còn nhiều thủ tục hành chính trong Luật cần được đánh giá để đảm bảo tính cần thiết, tránh phát sinh chi phí đối với người dân và doanh nghiệp.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với đại biểu Trần Văn Tuấn, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang về vấn đề này.

Đại biểu Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bắc Giang 

Phóng viên: Thưa đại biểu, theo thống kê trong hồ sơ dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định đến 17 thủ tục hành chính, trong đó có 12 thủ tục kế thừa các quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Theo đại biểu, điều này có cần thiết hay không trong bối cảnh cần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp?

ĐBQH Trần Văn Tuấn: Theo bản thống kê trong hồ sơ dự án luật, dự thảo luật quy định 17 thủ tục hành chính, trong đó có 12 thủ tục hành chính kế thừa các quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và 4 thủ tục hành chính luật hóa từ các văn bản dưới luật, 1 thủ tục hành chính mới ban hành. Với điều này, tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá loại bỏ các quy định về thủ tục, điều kiện không cần thiết, tránh làm phát sinh chi phí đối với người dân và doanh nghiệp. Cần đánh giá rõ hơn dự thảo luật đã bổ sung và loại bỏ bao nhiêu thủ tục hành chính, bao nhiêu điều kiện, thể hiện tinh thần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp như thế nào? Có quy định nào làm phát sinh thêm thủ tục hành chính và điều kiện không cần thiết cần loại bỏ hay không?

Tôi nêu ví dụ, tại khoản 1 Điều 35 quy định "xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu phải được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường". Theo quy định này thì không chỉ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng mà cả phụ tùng xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu cũng phải được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Điều này có thể sẽ làm phát sinh thêm chi phí không cần thiết đối với doanh nghiệp. Hay tại khoản 4 Điều 42 quy định "người lái xe hoặc người áp tải vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải có chứng nhận chuyên môn về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo quy định". Trong khi, theo quy định tại Nghị định 42/2020 của Chính phủ về danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa chỉ quy định "người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải được tập huấn và được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình tập huấn theo quy định".

Với minh chứng trên, cần làm rõ chứng nhận chuyên môn theo quy định tại khoản 4 Điều 42 nêu trên có khác với giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình tập huấn theo Nghị định 42 của Chính phủ hay không? Nếu khác thì có làm phát sinh thêm điều kiện hay không và tại sao cần bổ sung điều kiện này? Tôi Đề nghị cần tiếp tục đánh giá làm rõ.

Phóng viên: Tại dự thảo Luật lần này, quy định chặt chẽ hơn về cấp giấy phép lái xe với tất cả các loại phương tiện cũng như quy định xử phạt hành chính khi giấy phép lái xe hết hạn? đại biểu có đồng tình với quy định này?

ĐBQH Trần Văn Tuấn: Đúng vậy, tại khoản 3 Điều 50 quy định "giấy phép lái xe ôtô, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ, xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ, phương tiện giao thông thông minh có thời hạn và tại các khoản 8, khoản 9 quy định "Chính phủ quy định chi tiết về hạng giấy phép lái xe, thời hạn giấy phép lái xe. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết trình tự, thủ tục và sử dụng giấy phép lái xe". Tôi nhất trí với quy định này. Tuy nhiên, thực tế có nhiều người do vô tình không để ý nên không biết giấy phép lái xe của mình đã hết hạn, dẫn đến có thể bị phạt khi tham gia giao thông, theo quy định hiện hành có thể bị phạt từ 5 đến 12 triệu đồng.

Vì vậy, tôi đề nghị trong luật này hoặc trong quy định chi tiết của Chính phủ và Bộ Giao thông cần quy định rõ trước khi giấy phép lái xe hết hạn, chậm nhất là 1 đến 2 tháng, cơ quan chức năng cần thông báo cho người có giấy phép lái xe biết để cấp đổi kịp thời, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Với điều kiện số hóa như hiện nay thì tôi nghĩ rằng việc làm này không khó.

Hai là về hiện đại hóa các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trước nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa đang phát triển ngày càng mạnh mẽ, đòi hỏi phải đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Do đó, tôi đồng tình dự thảo luật có một số quy định chính sách mới về xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trang bị phương tiện, thiết bị nghiệp vụ phục vụ xử lý, chỉ huy giao thông thông minh, hệ thống giám sát xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, v.v.. Qua đó nhằm giảm áp lực ngày càng lớn đến công tác quản lý của lực lượng chức năng nói chung, trong đó có lực lượng cảnh sát giao thông để lực lượng này thực hiện tốt nhiệm vụ mà không tăng biên chế, giảm sự tiếp xúc giữa cảnh sát giao thông với người dân. Khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc đẩy mạnh chuyển đổi số ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đòi hỏi phải có sự đầu tư tương xứng về nguồn lực. Vì vậy, tôi đề nghị tại Điều 5 về chính sách của Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần chỉnh sửa, bổ sung, nhấn mạnh hơn theo hướng huy động sử dụng các nguồn lực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ưu tiên đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị và các điều kiện bảo đảm phục vụ cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Như vậy, mới có thể đáp ứng được yêu cầu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.

Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu.

Hải Yến

Các bài viết khác