ĐBQH DƯƠNG TẤN QUÂN: CẦN BỔ SUNG QUY ĐỊNH CHUYỂN GIAO BẮT BUỘC, PHÁ SẢN TỔ CHỨC TÍN DỤNG ĐƯỢC KIỂM SOÁT ĐẶC BIỆT

25/11/2023

Cho ý kiến dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng, đại biểu Dương Tấn Quân, đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị cân nhắc bổ sung quy định về chuyển giao bắt buộc, phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

TIẾP THU ĐẦY ĐỦ Ý KIẾN ĐẠI BIỂU, CHỈNH LÝ HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI)

SỬA ĐỔI LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG: ĐỀ XUẤT BỔ SUNG THÊM ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG, MỞ RỘNG PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH

Đa số đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); cho rằng, dự thảo Luật đã quy định cơ bản đủ các nội dung về thành lập, tổ chức, hoạt động, tổ chức lại, giải thể, phá sản các tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài. Tuy nhiên, đại biểu Dương Tấn Quân, đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng vẫn cần cân nhắc bổ sung một số nội dung đã được điều chỉnh trong dự thảo luật, như chuyển giao bắt buộc, phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Đại biểu Dương Tấn Quân, đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Phóng viên: Thưa đại biểu, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã quy định cơ bản đủ các nội dung về thành lập tổ chức hoạt động, tổ chức lại, giải thể, phá sản các tổ chức tín dụng, đại biểu có đồng tình với quy định đã được ban soạn thảo tiếp thu về vấn đề nêu trên hay chưa?

ĐBQH Dương Tấn Quân: Đúng là dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã quy định cơ bản đủ các nội dung về thành lập tổ chức hoạt động, tổ chức lại, giải thể, phá sản các tổ chức tín dụng. Việc thành lập tổ chức hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện không có tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng, v.v.. Đặc biệt, đã bổ sung các quy định về can thiệp sớm tổ chức tín dụng, về phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, về xử lý trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt.

Về vay, cho vay đặc biệt, về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Tuy nhiên, qua nghiên cứu tôi thấy rằng tại Điều 1 phạm vi điều chỉnh hiện tại chưa bao hàm đủ các nội dung nêu trên. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung một số nội dung đã được điều chỉnh trong dự thảo luật, như chuyển giao bắt buộc, phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, xử lý trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, vay, cho vay đặc biệt vào phạm vi điều chỉnh tại Điều 1.

Rồi tại Điều 181 dự thảo có quy định: "Trường hợp phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt", nhưng chưa quy định trường hợp phá sản tổ chức tín dụng do kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán và không thuộc trường hợp phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật Phá sản năm 2014, đối với trường hợp người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp, cũng có thể yêu cầu mở thủ tục phá sản khi mất khả năng thanh toán.

Vì vậy, tôi đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về phá sản các tổ chức tín dụng do kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán và không thuộc các trường hợp phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt tại Điều 181 dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng.

Phóng viên: Thưa đại biểu, để tránh rủi ro với tổ chức tín dụng thì quy định xét duyệt cấp tín dụng rất cần được quan tâm. Vậy đại biểu đã đồng tình với quy định về về xét duyệt cấp tín dụng tại khoản 1 Điều 102 hay chưa?

ĐBQH Dương Tấn Quân: Theo tôi, tại khoản 1 Điều 102, về xét duyệt cấp tín dụng dự thảo quy định "Tổ chức tín dụng phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu, dữ liệu chứng minh phương án sử dụng vốn khả thi, khả năng tài chính của mình, mục đích sử dụng vốn hợp pháp trước khi quyết định cấp tín dụng" nhưng chưa quy định việc khuyến khích khách hàng cung cấp, đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp hoặc đánh giá tính khả thi của dự án đầu tư của các đơn vị tư vấn độc lập để từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng các hoạt động xét duyệt cấp tín dụng để khuyến khích doanh nghiệp bảo đảm các chuẩn mực theo thông lệ quốc tế trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, tại khoản 3 Điều 102 dự thảo luật có quy định: "Khách hàng phải cung cấp thông tin về người có liên quan cho tổ chức tín dụng khi đề nghị cấp tín dụng. Ngân hàng Nhà nước quy định việc xác định khách hàng thông tin phải cung cấp".

Nhưng trên thực tế muốn làm được điều này thì tổ chức tín dụng phải có mẫu kê khai để hướng dẫn khách hàng cung cấp thông tin về người có liên quan cho tổ chức tín dụng khi đề nghị cấp tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước quy định việc xác định khách hàng, thông tin phải cung cấp tại khoản 3  Điều 102 nêu trên. Nên theo tôi, cần xem xét bổ sung quy định tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm thẩm tra, đánh giá mức độ rủi ro tiềm ẩn về người có liên quan của khách hàng bằng các biện pháp nghiệp vụ công nghệ thông tin, sử dụng cơ sở dữ liệu về khách hàng liên thông với các tổ chức tín dụng khác hoặc các cơ quan chức năng theo quy định nội bộ thay cho việc chỉ quy định một chiều là khách hàng phải cung cấp thông tin về người có liên quan cho tổ chức tín dụng.

Liên quan đến vấn đề này, tôi cũng đề nghị xem xét bổ sung, giải thích từ ngữ về cấp tín dụng ưu đãi và cho vay ưu đãi để tương thích với các quy định của các điều khoản có liên quan tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Cụ thể, tại khoản 5 Điều 77 Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội được hưởng chính sách hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở. Do đó, tôi đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung khoản 18, khoản 20, khoản 22 tại Điều 4 của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng. Trong đó, cần bổ sung làm rõ nội dung về cấp tín dụng ưu đãi và cho vay ưu đãi để phù hợp với Luật Nhà ở (sửa đổi).

Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu!

Hải Yến

Các bài viết khác