GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: QUY ĐỊNH MỘT CHƯƠNG RIÊNG VỀ ĐẤU GIÁ TRỰC TUYẾN TRONG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

27/11/2023

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 28/11, Quốc hội thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Khẳng định hình thức đấu giá trực tuyến sẽ phổ biến trong giai đoạn tới, vì vậy nhiều đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định thành một Chương riêng về đấu giá trực tuyến trong dự thảo luật.

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN: TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐẦY ĐỦ THÚC ĐẨY TÍNH CHUYÊN NGHIỆP, MINH BẠCH CỦA HOẠT ĐỘNG ĐẤU GIÁ

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6. Trước khi thảo luận tại hội trường vào ngày 28/11, các ý kiến tại phiên thảo luận tại tổ đều thống nhất với sự cần thiết quy định về hình thức đấu giá trực tuyến, nhằm tạo sự minh bạch, công khai, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong hoạt động đấu giá tài sản, nhất là đối với việc đấu giá tài sản công. Do vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định thành một chương riêng về Đấu giá trực tuyến do đây sẽ là hình thức đấu giá phổ biến trong giai đoạn tới, trong đó có nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Một số đại biểu cho rằng, việc bổ sung quy định thực hiện đấu giá trực tuyến thông qua Cổng đấu giá tài sản quốc gia và Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản là phù hợp với yêu cầu về chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc quản lý Cổng Đấu giá tài sản quốc gia như trách nhiệm về bảo mật thông tin trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản bằng hình thức trực tuyến; lưu trữ thông tin phục vụ công tác tra cứu, theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; bảo đảm việc vận hành thông suốt và hiệu quả của Cổng Đấu giá tài sản quốc gia…

Đại biểu Dương Bình Phú – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên

Đại biểu Dương Bình Phú – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên nêu quan điểm, việc nâng cấp trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản bằng việc xây dựng thêm phần mềm đấu giá tài sản trực tuyến thành Cổng Đấu giá tài sản quốc gia trực tuyến là phù hợp với xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần tạo sự minh bạch, công khai trong hoạt động đấu giá tài sản.

Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung thuyết minh về hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực vật chất cho việc bảo đảm vận hành của Cổng thông tin này sau khi được đưa vào hoạt động chính thức rộng rãi. Đồng thời, làm rõ mối quan hệ với Cổng thông tin đấu giá quyền sử dụng đất quốc gia trong dự thảo Luật Đất đai và tích hợp việc bán hồ sơ tham gia đấu giá qua cổng này; công khai thông tin cần thiết như: số lượng người đăng kí kết quả sau mỗi cuộc đấu giá… nhằm đảm bảo đảm tính minh bạch, trách nhiệm, tránh một số tổ chức bán đấu giá cố tình gây khó khăn cho người tham gia đấu giá bằng việc là hạn chế bán hồ sơ.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung thêm, ở quy định về thành lập Hội đồng đấu giá tài sản tại Điều 60 Luật đấu giá năm 2016, chỉnh lý theo hướng: người có tài sản được thành lập Hội đồng đấu giá tài sản trong trường hợp đấu giá tài sản bằng hình thức trực tuyến mà trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến sử dụng để đấu giá phải bảo đảm điều kiện về bảo mật, an ninh, an toàn.

Đại biểu Nguyễn Đình Việt – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng

Mặc dù dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản cũng nêu chủ trương nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có cả vấn đề đấu giá trực tuyến, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đình Việt – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng cho rằng, sửa đổi như dự thảo luật là chưa đủ. Bởi trong luật hiện hành, tại Điều 40 đã quy định về hình thức đấu giá và phương thức đấu giá, trong đó điểm d khoản 1 cũng đã quy định về đấu giá trực tuyến và tại khoản 4 giao Chính phủ quy định về việc đấu giá trực tuyến này. Thời gian qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 62 từ năm 2017 liên quan đến đấu giá trực tuyến, do vậy đại biểu đề nghị, để phát huy hình thức đấu giá trực tuyến đặc biệt là trong giai đoạn công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, cần tổng kết Nghị định số 62 và bổ sung hình thức đấu giá trực tuyến thành một chương trong Luật đấu giá tài sản, bảo đảm được đầy đủ hơn.

Cũng quan tâm đến hình thức đấu giá trực tuyến, đại biểu Siu Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai nhấn mạnh việc áp dụng công nghệ trong hoạt động đấu giá tài sản là cần thiết để hình thức đấu giá trực tuyến có thể phát huy được giá trị của mình trong hoạt động đấu giá tài sản. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần quy định chi tiết về nguyên tắc, trình tự, thủ tục, việc xây xây dựng, quản lý bảo đảm các yếu tố kỹ thuật, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đối với hình thức đấu giá trực tuyến.

Đại biểu Siu Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai 

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, quy định về đấu giá trực tuyến được giữ quy định hiện hành và Điều 40 quy định bốn hình thức đấu giá, trong đó có hình thức đấu giá trực tuyến. Đại biểu cho rằng, thực tiễn cho thấy khoa học công nghệ phát triển, hình thức đấu giá trực tuyến cũng phát triển. Để có thể tận dụng hết lợi ích của hình thức đấu giá trực tuyến này, dự thảo luật nên có quy định riêng về đấu giá trực tuyến. Bởi, trong luật hiện hành cũng như trong dự luật chỉ quy định bốn hình thức đấu giá gồm có hình thức trực tuyến và các trình tự, thủ tục lại áp chung như nhau, chưa tách bạch riêng cho hình thức đấu giá trực tuyến.

“Tôi đề nghị phải cân nhắc xem xét bổ sung quy định riêng về trình tự, thủ tục đầu giá trực tuyến, làm sao đấy nó có thể tận dụng được tối đa thành quả khoa học, công nghệ trong hoạt động đấu giá này”, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề xuất.

Lan Hương