TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 15/01: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ THẢO LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI)
Dự án Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi đã được thảo luận qua 2 kỳ họp Quốc hội (Kỳ họp thứ 5 và Kỳ họp thứ 6). Do đây là dự án luật khó, chuyên môn sâu nên thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhiều lần cho ý kiến và tổ chức các Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận. Chủ tịch Quốc hội cũng đã chủ trì nhiều hội nghị để lắng nghe các ý kiến tham gia để định hướng chỉ đạo, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật. Ủy ban Kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan của Quốc hội, các bộ, cơ quan hữu quan đã đầu tư thời gian, nhân lực cầu thị, lắng nghe nhau, trao đổi thẳng thắn để hoàn thiện dự thảo Luật. Sau quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, cơ bản, các nội dung của dự án Luật được báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 đã được các cơ quan thống nhất tiếp thu, chỉnh lý chất lượng dự thảo Luật đã được nâng lên một bước.
Toàn cảnh phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội
Thảo luận tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao quyết tâm, tinh thần làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ, cầu thị, lắng nghe lẫn nhau của các cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo để thống nhất được nhiều nội dung lớn, chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội. Các vị đại biểu cũng đánh giá cao nội dung của dự thảo Luật, thống nhất với nhiều nội dung đã được tiếp thu và chỉnh lý.
Một trong những nội dung của dự thảo Luật được các đại biểu quan tâm là áp dụng can thiệp sớm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Điều 156).
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 6, có ý kiến cho rằng, theo quy định hiện hành một số tổ chức tín dụng yếu kém hiện nay đã đủ điều kiện đặt vào kiểm soát đặc biệt, nhưng theo quy định tại dự thảo Luật sẽ chỉ được can thiệp sớm, có thể gây rủi ro lớn hơn cho sự an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng. Có ý kiến đề nghị quy định những trường hợp như mất thanh khoản hoặc rút tiền hàng loạt nên chuyển về kiểm soát đặc biệt, để đúng với tính chất, mức độ, do can thiệp sớm là việc tổ chức tín dụng tự khắc phục ở bước đầu, vẫn còn trong trạng thái an toàn. Có ý kiến đề nghị làm rõ tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt đến mức độ nào thì cần phải có sự can thiệp của Ngân hàng nhà nước. Có ý kiến cho rằng việc can thiệp sớm cần được thực hiện ngay khi có những dấu hiệu cảnh báo vi phạm trong quản trị, điều hành ngân hàng, vi phạm các tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của Ngân hàng nhà nước trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng không quá dài.
Ý kiến khác thống nhất việc kết hợp lỗ lũy kế với chỉ tiêu vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; đề nghị trao quyền quyết định cho Ngân hàng nhà nước xem xét áp dụng can thiệp sớm trong trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành thảo luận
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giao Ngân hàng nhà nước xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc một hoặc một số trường hợp:
Một là, số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu;
Hai là, xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của Thống đốc Ngân hàng nhà nước;
Ba là, vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 30 ngày liên tục;
Bốn là, vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong thời gian 06 tháng liên tục;
Năm là, bị rút tiền hàng loạt và có báo cáo gửi Ngân hàng nhà nước.
Ngoài ra, để bảo đảm chặt chẽ, trên cơ sở tham khảo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý khoản 1 và khoản 2 Điều 161 dự thảo Luật theo hướng:
“1. Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt áp dụng can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tổ chức tín dụng khắc phục được tình trạng dẫn đến can thiệp sớm quy định tại khoản 1 Điều 156 của Luật này;
b) Tổ chức tín dụng được tổ chức lại dưới hình thức sáp nhập, hợp nhất với tổ chức tín dụng khác theo quy định tại Điều 201 của Luật này;
c) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyết định thực hiện giải thể, phá sản tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật;
d) Ngân hàng Nhà nước có quyết định đặt vào kiểm soát đặc biệt quy định tại Điều 162 của Luật này.
2. Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt áp dụng can thiệp sớm khi chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Chi nhánh ngân hàng nước ngoài khắc phục được tình trạng dẫn đến can thiệp sớm quy định tại khoản 1 Điều 156 của Luật này;
b) Chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải thể, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật”.
Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng bày tỏ tán thành với dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi được trình tại Kỳ họp này. Tuy nhiên, liên quan đến quy định được chỉnh lý tại khoản 1 và khoản 2 Điều 161 dự thảo Luật bổ sung thêm quy định Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản quyết định chấm dứt can thiệp sớm, theo đại biểu Lã Thanh Tân, quyết định này làm thay đổi bản chất can thiệp, sớm chuyển can thiệp sớm từ cơ chế can thiệp từ sớm, từ xa của cơ quan quản lý sang một trạng thái xử lý cụ thể.
Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng
Đại biểu Lã Thanh Tân phân tích, với cơ chế các thiệp từ sớm thì khi phát hiện các tổ chức tín dụng thuộc trường hợp can thiệp sớm, Ngân hàng nhà nước có văn bản gửi tổ chức tín dụng thực hiện các yêu cầu hạn chế để khắc phục các vấn đề trong hoạt động để tổ chức tín dụng đó quay trở lại hoạt động bình thường. Đây không phải là văn bản quyết định đặt tổ chức tín dụng vào căn thiệp sớm. Trong văn bản của Ngân hàng nhà nước nêu rõ các yêu cầu hạn chế cùng với thời hạn thực hiện các yêu cầu hạn chế đó. Các yêu cầu hạn chế của Ngân hàng Nhà nước sẽ chấm dứt khi hết thời hạn thực hiện mà các tổ chức tín dụng đã khắc phục được là vấn đề của mình. Với cách tiếp cận này, Ngân hàng nhà nước sẽ áp dụng yêu cầu hạn chế hoặc không còn áp dụng yêu cầu hạn chế đối với tổ chức tín dụng được can thiệp sớm mà không có văn bản quyết định can thiệp sớm nên cũng không cần có văn bản quyết định chấm dứt can thiệp sớm .
Theo dự thảo Luật trình tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Ngân hàng nhà nước phải có văn bản quyết định can thiệp sớm và sau đó là văn bản quyết định chấm dứt can thiệp sớm. Đây sẽ là thông tin bất lợi đối với tổ chức tín dụng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, ảnh hưởng tới tâm lý người gửi tiền, tạo rủi ro nguy cơ rút tiền hàng loạt đối với chính tổ chức tín dụng được can thiệp sớm nói riêng và hệ thống tổ chức tín dụng nói chung. Pháp luật các nước cũng không quy định can thiệp sớm là một giai đoạn xử lý mà quy định theo hướng can thiệp sớm là các cơ chế cho phép cơ quan quản lý áp dụng đối với một tổ chức tín dụng gặp vấn đề.
Từ những phân tích trên, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị giữ nguyên quy định về căn thiệp sớm như dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 hoặc bỏ quy định Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản quyết định chấm dứt can thiệp sớm tại Điều 161 của dự thảo Luật. Điều này sẽ phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, tránh trường hợp thị trường có phản ứng tiêu cực khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp can thiệp sớm đối với một tổ chức tín dụng tôi xin hết ý kiến xin cảm ơn Quốc hội, đại biểu Lã Thanh Tân nêu rõ.
Đại biểu Phạm Đức Ấn – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội
Cùng chung quan điểm, đại biểu Phạm Đức Ấn – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội nêu rõ bản chất của từ “can thiệp sớm” đã thể hiện rằng đó là việc Ngân hàng nhà nước làm trước một giai đoạn nào đó mang tính chất bắt buộc về mặt hành chính. Theo đại biểu Phạm Đức Ấn, để đảm bảo đưa về hoạt động bình thường thì không nên nặng nề câu chuyện phải ra quyết định rồi rút quyết định đó. Bởi vì, hết can thiệp sớm, nếu trở lại hoạt động bình thường thì có thể coi như chuyện không có gì xảy ra. Nếu trong trường hợp can thiệp sớm mà doanh nghiệp, tổ chức tín dụng vẫn rủi ro hơn thì sẽ chuyển sang hình thức kiểm soát đặc biệt. Khi đó mới cần một quyết định chính thức, đại biểu nêu rõ.
Giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đối với vấn đề về can thiệp sớm, dự thảo Luật đã có tiếp thu và chỉnh lý so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. So với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật lần này vẫn giữ nguyên 5 trường hợp giao Ngân hàng nhà nước xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đồng thời, dự thảo Luật giao quyền chủ động cho Ngân hàng nhà nước trong việc xem xét, quyết định khi thấy rằng có một hoặc một số các trường hợp trong 5 trường hợp luật định. Liên quan đến việc có văn bản của Ngân hàng nhà nước hay không, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết sẽ tiếp tực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để xử lý vấn đề này, bảo đảm hài hòa giữa các mối quan hệ./.