ĐOÀN ĐBQH TP.HÀ NỘI HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ THEO CHƯƠNG TRÌNH, KẾ HOẠCH ĐỀ RA TRÊN CÁC LĨNH VỰC
ĐOÀN ĐBQH TP.HÀ NỘI TIẾP XÚC CỬ TRI BÁO CÁO KẾT QUẢ KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV
Đề cập về công tác xây dựng Luật trong năm 2024, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, ban ngành chức năng, các chuyên gia và đối tượng chịu tác động của luật, nghị quyết...vào các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội xem xét cho ý kiến, thông qua tại các kỳ họp thứ 7, kỳ họp 8 và các kỳ họp bất thường (nếu có) Quốc hội khoá XV; Tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Thủ đô; Tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào một số dự án Luật tại tỉnh, thành phố ngoài Hà Nội.
Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội thảo luận ở Tổ trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Về công tác giám sát, khảo sát: Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội sẽ triển khai Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” (Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội). Triển khai Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023” (Nghị quyết số 833/2023/UBTVQH15 ngày 27/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Triển khai Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn từ 01/01/2009 đến 31/12/2023” (Nghị quyết số 838/NQ-UBTVQH15 ngày 02/8/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Triển khai Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” (Nghị quyết số 95/2023/QH15 ngày 22/6/2023 của Quốc hội)
Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cũng sẽ tổ chức Đoàn khảo sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về Bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2023”. Tham gia các Đoàn giám sát, phiên chất vấn, phiên giải trình của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội khi có yêu cầu. Thực hiện báo cáo kết quả thực hiện công tác giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2023.
Về công tác tiếp xúc cử tri: Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết, Đoàn sẽ phối hợp với Ủy ban MTTQ Thành phố, UBND Thành phố và Ủy ban MTTQ, HĐND quận, huyện, thị xã chuẩn bị để ĐBQH tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp thứ 7,8, Quốc hội khóa XV và tiếp xúc cử tri chuyên đề (nếu có). Ngoài ra, Đoàn cũng sẽ hoàn thiện các Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và gửi đến các cơ quan theo quy định.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai.
Về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo: Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội sẽ tổ chức cho ĐBQH tiếp công dân theo lịch phân công của Đoàn. Chỉ đạo xử lý, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Đoàn ĐBQH Thành phố theo quy định. Ban hành Báo cáo Dân nguyện hàng tháng, quý, năm gửi Ban Dân nguyện, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Về tham dự các kỳ họp Quốc hội khoá XV và hội nghị ĐBQH chuyên trách: Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội sẽ tổ chức buổi làm việc với HĐND-UBND- Ủy ban MTTQ và các ngành Thành phố Hà Nội trước kỳ họp; Họp nội bộ Đoàn chuẩn bị kỳ họp thứ 7,8. Đảm bảo các điều kiện để ĐBQH trong Đoàn tham dự kỳ họp thứ 7,8, kỳ họp chuyên đề (nếu có) và hội nghị đại biểu chuyên trách. Tiếp tục tổ chức hoạt động đối ngoại của Đoàn tại kỳ họp.
Đối với các hoạt động khác: Theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, trong năm 2024, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội tiếp tục tham dự các hội nghị, hội thảo do Trung ương và Thành phố tổ chức. Tổ chức Tổng kết hoạt động của Đoàn năm 2023 và triển khai công tác năm 2024. Tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà cho đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo dịp Tết nguyên đán và dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Tổ chức các Đoàn công tác trao đổi kinh nghiệm hoạt động và tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật tại một số tỉnh, thành phố.
Qua nửa nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV và để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đề ra trong năm 2024, thay mặt Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, Phó Trưởng Đoàn Phạm Thị Thanh Mai đề xuất, kiến nghị một số nội dung:
Thứ nhất: Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tăng cường chỉ đạo, điều phối chặt chẽ hoạt động của các Đoàn Giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, tránh trường hợp các Đoàn về địa phương làm việc với thời gian quá cận kề nhau, nhiều lần, để Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương có điều kiện tham gia đầy đủ và đóng góp tốt nhất vào hoạt động giám sát chung cũng như tạo điều kiện tốt hơn về thời gian cho UBND tỉnh, hành phố và các cơ quan của địa phương thực hiện các nhiệm vụ chính trị.
Các ĐBQH của Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội tham dự kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Thứ hai: Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành được giao chủ trì soạn thảo các dự án Luật thực hiện; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, bảo đảm chất lượng các dự thảo đúng tiến độ, thời gian cung cấp kịp thời tài liệu, hồ sơ liên quan để các Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố chủ động nghiên cứu, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu dự tác động trực tiếp của dự án Luật, nâng cao chất lượng công tác xây dựng Luật.
Thứ ba: Đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi Nghị quyết 524/2012/UBTVQH13 ngày 20/9/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng điều chỉnh, bổ sung quy định về một số chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của Quốc hội theo hướng phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay. Tăng cường việc huy động chuyên gia vào công tác giám sát của Quốc hội; có cơ chế tài chính thỏa đáng trong việc thuê, hợp đồng, khoán việc đối với chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực nhằm trợ giúp hoạt động cho đại biểu.
Thứ tư: Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đề nghị ,sớm điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các quy định liên quan đến lĩnh vực tiếp công dân, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân để công tác này hiệu quả và chất lượng hơn.
Thứ năm: Tiếp tục quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, các kỹ năng hoạt động dân cử cũng như đảm bảo các điều kiện tốt nhất để ĐBQH, các Đoàn ĐBQH thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ đáp ứng trong tình hình mới./.