GÓC NHÌN: THỰC HIỆN TỐT CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM XÃ HỘI, GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến được kết cấu gồm 10 chương và 136 điều. Một trong những điểm mới của dự thảo luật lần này là quy định về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc.
Theo đó, Dự thảo Luật bổ sung 5 nhóm tham gia BHXH bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyển trách ở cấp xã; Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; Người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); Trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019. Dự kiến, tổng số người được mở rộng có cơ hội tham gia khoảng 3 triệu người.
TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội
Quan tâm đến dự án luật này, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, mục tiêu của NQ 28/TW là mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân do đó việc quy định đối tượng phải linh hoạt. Trong đó, phải quan tâm khuyến khích và có chính sách để 02 nhóm hộ kinh doanh: Hộ kinh doanh phải đăng ký hộ kinh doanh và Hộ không phải đăng ký hộ kinh doanh; trong đó, đặc thù của hộ không phải đăng ký kinh doanh là các hộ hoạt động nhỏ lẻ, không ổn định, có thu nhập thấp.
TS. Bùi Sỹ Lợi dẫn chứng, theo số liệu thống kê, có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có gần 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh. Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Do đó, lần này quan điểm bổ sung nhóm hộ có đăng ký kinh doanh là hợp lý, nhưng nên quy định tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo hộ kinh doanh tương tự như BHYT hộ gia đình bắt buộc và nên có chính sách khuyến khích hỗ trợ như đã thực hiện BHYT hộ gia đình theo lũy tiến;..
Cũng theo TS. Bùi Sỹ Lợi cần hỗ trợ nhóm hộ chưa đăng ký kinh doanh để họ cũng tham gia BHXH tự nguyện theo các thành viên của hộ kinh doanh và từng bước chuyển sang hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và tham gia BHXH bắt buộc (lưu ý cả 2 nhóm hộ này đều bao gồm tất cả người lao động tham gia làm công ăn lương trong hộ kinh doanh). Đây là giải pháp rất quan trọng để đẩy nhanh độ bao phủ BHXH toàn dân.
Nguyên Cục trưởng Cục thuế, Tổng Cục thuế Nguyễn Văn Phụng
Cùng chia sẻ ý kiến về dự án luật này, nguyên Cục trưởng Cục thuế Nguyễn Văn Phụng đề nghị bổ sung quy định cấm hành vi chậm nộp hồ sơ tham gia, chậm điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không điều chỉnh mức lương đóng bảo hiểm xã hội. Quy định này nhằm bảo vệ người đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, giúp họ sử dụng các dịch vụ công để có thể biết và giám sát người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm xã hội hay chưa, mức lương đóng bảo hiểm xã hội có được điều chỉnh theo thời gian vài năm nay hay không.
Đồng tình với quy định tại dự thảo, PGS.TS. Trần Thị Thúy Lâm - Trưởng Bộ môn Lao động và an sinh xã hội - Đại học Luật Hà Nội cho rằng, điều kiện 20 năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng là khá dài không phù hợp, đặc biệt là những người tham gia thị trường lao động muộn hoặc làm công việc không ổn định. Điều kiện để hưởng chế độ hưu trí này cùng với hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã khiến nhiều người lao động - phải quan tâm đến những nhu cầu trước mắt - nản lòng trong quá trình theo đuổi đóng góp cho hệ thống bảo hiểm xã hội để được hưởng hưu trí trong tương lai khi về già. Đây là một trong những lý do dẫn đến việc nhiều người lao động đã dừng lại, không theo đuổi việc đóng bảo hiểm để hưởng bảo hiểm hưu trí.
PGS.TS. Trần Thị Thúy Lâm - Trưởng Bộ môn Lao động và an sinh xã hội - Đại học Luật Hà Nội
So sánh với pháp luật của một số nước, PGS.TS. Trần Thị Thúy Lâm cho biết, mức thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng bảo hiểm hưu trí của Việt Nam cũng được xem khá là dài. Bởi vậy, việc sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng bảo hiểm xã hội hưu trí là cần thiết. Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm là hợp lý. Theo PGS.TS. Trần Thị Thúy Lâm, việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng hưu trí hàng tháng không chỉ tạo cơ hội cho nhiều người hơn được hưởng lương hưu (vì thời gian đóng không quá dài) mà còn khuyến khích người lao động tham gia đóng bảo hiểm, trường hợp có nghỉ việc cũng sẽ bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu hằng tháng.