TIẾP TỤC HOÀN THIỆN CƠ CẤU TỔ CHỨC QUỐC HỘI ĐÁP ỨNG YÊU CẦU XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân
Điều 69 Hiến pháp năm 2013 quy định: "Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" đã nhấn mạnh vai trò của Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước, tất cả quyền lực Nhà nước đều thuộc về Nhân dân. Tính đại diện cao nhất của nhân dân xuyên suốt quá trình thực hiện các chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước và giám sát tối cao toàn bộ hoạt động của nhà nước. Hay nói cách khác, Quốc hội chính là nhân dân, đại diện cho nhân dân trong việc thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của mình do Luật và Hiến pháp quy định. Vì vậy, trong thực tiễn hoạt động, Quốc hội luôn phát huy, tăng cường mối liên hệ cũng như sự tham gia của người dân trong mọi thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Theo ThS. Lê Hữu Nam, Vụ Tổ chức - Cán bộ, Kiểm toán Nhà nước, quy định về hoạt động lập pháp của Quốc hội đã có nhiều đổi mới nhằm thu hút rộng rãi sự tham gia của người dân. Điển hình là các quy định về việc lấy ý kiến nhân dân vào các dự án luật, lấy ý kiến của đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của dự án luật, các dự án luật đã được đăng tải công khai trên các trang thông tin điện tử của Chính phủ, Quốc hội hoặc các phương tiện thông tin đại chúng để người dân dễ dàng tiếp cận, phản hồi ý kiến. Với quy định này, quy trình làm luật, nội dung luật đã được công khai, là cơ sở để người dân so sánh với thảo luận của đại biểu, kết quả dự án luật được thông qua. Ngoài việc người dân tham gia ý kiến, đánh giá việc Quốc hội tiếp thu ý kiến của nhân dân thì người dân còn đánh giá hoạt động lập pháp của Quốc hội, kết quả hoạt động lập pháp.
Đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, có thể có sự tham gia của các tổ chức xã hội, Mặt trận Tổ quốc. Các hình thức giám sát của Quốc hội gồm: Xem xét báo cáo công tác, bỏ phiếu tín nhiệm, xem xét việc chất vấn và trả lời chất vấn, xem xét văn bản quy phạm pháp luật, thành lập Đoàn giám sát, thì về mặt nguyên tắc, nhân dân, Mặt trận Tổ quốc đều có thể được mời tham gia. Trong 5 hình thức này, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình trực tiếp mỗi kỳ họp đã thu hút được sự quan tâm của cử tri và là hình thức cử tri dễ giám sát hoạt động của Quốc hội nhất. Đây là cơ sở quan trọng để người dân đánh giá được hoạt động của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội.
Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại mỗi Kỹ họp Quốc hội được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và Nhân dân theo dõi
Ngoài ra, theo quy định, các phiên họp Quốc hội là công khai, trừ một số nội dung liên quan đến bí mật quốc gia cần họp kín. Trong thời gian kỳ họp Quốc hội, khoảng 1/3 số phiên họp Hội trường được truyền hình trực tiếp để người dân theo dõi. Đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan báo chí, công dân có thể được mời dự các phiên họp công khai của Quốc hội.
Cũng theo ThS. Lê Hữu Nam, trong quá trình hoạt động, đại biểu Quốc hội thường xuyên chịu sự giám sát của nhân dân, báo cáo kết quả hoạt động trước nhân dân thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, theo nhóm …. Hình thức tiếp xúc cử tri theo định kỳ được ấn định trước và sau kỳ họp Quốc hội ở địa phương cử tri bầu ra mình, ngoài ra các đại biểu có thể tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, tiếp xúc cử tri nơi công tác và nơi cư trú... Đây là những kênh thông tin quan trọng giúp nhân dân có thông tin để làm cơ sở đánh giá đại biểu và có cơ hội để trực tiếp phát biểu đánh giá của mình đối với đại biểu.
Chia sẻ quan điểm về nội dung này, Ths. Bùi Thị Thu Hương, Nguyên Giám đốc trường Chính trị tỉnh Nghệ An nhận định, khi đời sống kinh tế - xã hội thay đổi, trình độ dân trí được nâng cao, tất yếu sẽ gia tăng các nhu cầu và sự tham gia thiết thực của người dân vào quá trình xây dựng bộ máy Nhà nước nói chung, vào hoạt động của các cơ quan dân cử nói riêng.
Cử tri tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
Trong đó, tổ chức và hoạt động của Quốc hội cần hoàn thiện và ngày càng đổi mới nhằm bảo đảm bản chất Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; đảm bảo nguyên tắc Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ đại diện trong tổ chức và hoạt động Quốc hội … Quyền làm chủ của nhân dân tiếp tục được tăng cường, đòi hỏi Quốc hội phải gắn bó chặt chẽ với Nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Mối quan hệ tác động qua lại giữa các hoạt động của Quốc hội với người dân sẽ thúc đẩy các bên vừa tự hoàn thiện mình. Thực tiễn cho thấy, càng có sự tham gia, ủng hộ của người dân đối với cơ quan nhà nước thì hoạt động của bộ máy nhà nước càng thuận lợi, nhất là trong việc thực hiện mục tiêu.
Cùng quan điểm, PGS.TS. Đoàn Tố Uyên, Trưởng Bộ môn xây dựng văn bản, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, vì vậy tăng cường mối quan hệ giữa Quốc hội với nhân dân là yêu cầu khách quan cấp bách.
PGS.TS. Đoàn Tố Uyên cũng lưu ý, cần thông tin đầy đủ, kịp thời cho nhân dân biết những việc Quốc hội bàn bạc và quyết định; tạo điều kiện cho nhân dân được dự hoặc theo dõi các kỳ họp, hoạt động của Quốc hội. Đồng thời phải có cơ chế phản ánh kịp thời tâm tư nguyện vọng và ý chí của nhân dân với Quốc hội.
Ngoài ra, các ý kiến cũng nhấn mạnh, phát huy dân chủ, bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân là phương hướng, đồng thời là mục tiêu bao trùm trong hoạt động xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Để thực hiện phương hướng này cần tiếp tục hoàn thiện các thiết chế dân chủ gián tiếp (hoàn thiện tổ chức, hoạt động của Quốc hội; tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên Mặt trận Tổ quốc v.v...) cũng như các thiết chế dân chủ trực tiếp (bầu cử; giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp dân; giải quyết đơn, thư dân nguyện...)./.