ĐBQH- PGS.TS BÙI HOÀI SƠN: TĂNG CƯỜNG QUẢNG BÁ HÌNH ẢNH ĐẤT NƯỚC THÔNG QUA NGOẠI GIAO VĂN HÓA

21/03/2024

Để tiếp tục góp phần gia tăng sức mạnh mềm quốc gia, nâng cao hình ảnh, thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, ngành ngoại giao cần tích cực tăng cường quảng bá văn hóa đất nước thông qua ngoại giao văn hóa hơn nữa trong thời gian tới.

ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: TẠO SỨC MẠNH TỔNG HỢP NÂNG CAO VỊ THẾ VĂN HÓA VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ MỚI

GÓC NHÌN: XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN VĂN HÓA TRÊN THẾ GIỚI VÀ GIẢI PHÁP THÍCH ỨNG CỦA VIỆT NAM

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục  của Quốc hội

Góp phần quan trọng nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước

Phóng viên: Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực ngoại giao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rất nhiều đại biểu đặt câu hỏi chất vấn liên quan đến “Chiến lược ngoại giao văn hóa”. Xin ông cho biết, ngoại giao văn hóa có vai trò quan trọng như thế nào đối với chính trị đất nước?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Trong đời sống nhân loại nói chung và trong quan hệ quốc tế nói riêng, văn hóa đóng một vai trò quan trọng. Nó được ví như một sức mạnh mềm nhưng lại có sức công phá lớn và dai dẳng qua nhiều thế hệ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, ngoại giao văn hóa giữ một vai trò ngày càng không thể thiếu, các quốc gia cùng “bơi ra biển lớn” hòa nhập với nhau, nhưng không vì thế mà họ lại đánh mất đi những nét riêng của mình. Ngược lại, bản sắc dân tộc lại chính là lợi thế, giúp các quốc gia giới thiệu với thế giới, đồng thời cũng nắm được những điểm yếu, mạnh của nhau, từ đó đạt được mục tiêu đề ra trong chính sách phát triển của đất nước mình.

Ngoại giao văn hóa được coi là một trong ba trụ cột chính của chính sách ngoại giao Việt Nam, bên cạnh ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế. Tôi cho rằng, với tính mềm dẻo và linh hoạt, ngoại giao văn hóa có thể bổ trợ rất hữu hiệu cho các trụ cột khác, tạo thành một chính thể chính sách đối ngoại hoàn chỉnh trong thời kỳ đổi mới. Nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và toàn diện như hiện nay, việc cộng đồng thế giới hiểu về đất nước, văn hóa, con người và chủ trương, chính sách tiến bộ của Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh và sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Toàn cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 31

Và thực tế thời gian qua, ngoại giao văn hóa đã phát huy vai trò tích cực của mình đối với nền chính trị Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc – hiện đại hóa đất nước, bảo vệ truyền thống văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa quốc tế. Các hoạt động ngoại giao văn hóa như giao lưu văn hóa nghệ thuật quốc tế trong và ngoài nước, đăng cai tổ chức những sự kiện văn hóa quốc tế, chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài…được Đảng và nhà nước ta rất chú trọng, qua góp phần to lớn vào việc quảng bá hình ảnh đất nước, tạo một vị thế mới cho Việt Nam. Mối quan tâm tìm hiểu về Việt Nam từ phía các nước trên thế giới ngày càng được khẳng định và thúc đẩy rộng rãi hơn.

Chính vì tầm quan trọng như vậy mà việc tổ chức thực hiện chiến lược ngoại giao văn hóa cũng trở thành một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường cụ Quốc hội vừa qua.

Cần phải làm nhiều hơn nữa…

Phóng viên: Trong phần trả lời chất vấn của mình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định rằng, hoạt động ngoại giao văn hóa sẽ giúp nâng cao quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào? Ông có đánh giá gì về công tác quảng bá văn hóa đất nước trong những năm gần đây?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi cho rằng, ngoại giao văn hóa là một công cụ quan trọng để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, là chất keo dính làm bền chặt mối quan hệ chính trị với các nước, từ đó góp phần vào hòa bình, ổn định và nâng cao vị thế của đất nước, quảng bá đất nước Việt Nam tươi đẹp, giàu tiềm năng phát triển, con người Việt Nam thân thiện, giàu lòng mến khách, từ đó tranh thủ thiện cảm của thế giới đối với Việt Nam, đồng thời xây dựng nhịp cầu kết nối kiều bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương đất nước.

Quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới thông qua ngoại giao văn hóa có rất nhiều ý nghĩa, đặc biệt là trong việc lan tỏa sức mạnh mềm, xây dựng bản lĩnh, sự tự tin cho văn hóa, con người Việt Nam, hình thành thương hiệu cho các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật Việt Nam, đồng thời hỗ trợ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thông qua ngoại giao văn hóa, việc quảng bá văn hóa đất nước, lan tỏa sức mạnh mềm quốc gia sẽ là giúp Việt Nam xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt với các quốc gia khác thông qua sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tạo nền tảng cho hợp tác và giao thương quốc tế. Một hình ảnh tích cực về Việt Nam có thể tạo ra niềm tin từ các nhà đầu tư và doanh nghiệp quốc tế, đồng thời kích thích sự phát triển kinh tế thông qua việc thu hút vốn đầu tư và hợp tác kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc lan tỏa sức mạnh mềm cũng giúp Việt Nam tham gia tích cực trong các diễn đàn quốc tế và giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, và an ninh toàn cầu, góp phần vào việc xây dựng một thế giới hòa bình và thịnh vượng.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội

Đồng thời thúc đẩy mong muốn du lịch, khám phá về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam, giúp phát triển ngành du lịch và lan tỏa lợi ích sáng các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác, cũng như giúp kinh tế, văn hóa của các địa phương, địa điểm du lịch phát triển tốt hơn.

Chính vì thế, trong nhiều năm qua, qua nhiều kỳ đại hội, ở nhiều nghị quyết và văn bản khác nhau, quảng bá văn hóa Việt Nam trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng. Cụ thể, trong Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030, quảng bá văn hóa là một trong những nội dung chính, theo đó, về mục tiêu, chúng ta xác định: “Quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, trong đó chú trọng việc lan tỏa các giá trị, tư tưởng, quan điểm nhân sinh quan, thế giới quan tiến bộ và cao đẹp của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thông qua hình ảnh, giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân được UNESCO vinh danh; quan tâm phát triển ngành công nghiệp văn hóa, mở rộng thị trường cho hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam; xây dựng Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế và thúc đẩy xây dựng thương hiệu địa phương.”

Về công tác quảng bá văn hóa đất nước trong những năm gần đây, chúng ta nhìn thấy những nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành và địa phương, bằng nhiều con đường, kênh ngoại giao, ở các sự kiện khác nhau ở cả trong và ngoài nước, đã giúp cho hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trở nên gần gũi và hấp dẫn hơn trong mắt bạn bè quốc tế, giúp chúng ta có thêm nguồn lực để phát triển đất nước.

Để tiếp tục góp phần gia tăng sức mạnh mềm quốc gia, nâng cao hình ảnh, thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, ngành ngoại giao cần tích cực tăng cường quảng bá văn hóa đất nước thông qua ngoại giao văn hóa hơn nữa trong thời gian tới

Tuy nhiên, so với kỳ vọng và tiềm năng văn hóa của đất nước, tôi cho rằng, thực sự chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để công tác quảng bá văn hóa có thêm kết quả và hiệu quả thiết thực.

Theo tôi, khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn lực. Chúng ta thiếu cả nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất và con người cho hoạt động này. Đối với tài chính, rõ ràng cơ chế phân bổ ngân sách hiện nay gây ra nhiều khó khăn cho việc tổ chức các hoạt động quảng bá văn hóa. Không chỉ những hoạt động lớn như World Expo mà ngay cả những hoạt động nhỏ như các đoàn ra, đoàn vào cũng vướng mắc rất nhiều về các quy định tài chính. Kênh huy động nguồn lực bên ngoài cũng gặp khó khăn do vướng cơ chế hợp tác công – tư hay quản lý, sử dụng tài sản công.

Đối với cơ sở vật chất, dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, nhưng các thiết chế văn hóa, thể thao hầu như chưa đủ điều kiện bảo đảm để tổ chức các sự kiện lớn ở Việt Nam, khiến Việt Nam chưa trở thành địa điểm ưu tiên, lý tưởng cho các sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn trên thế giới, và từ đó khiến chúng ta khó quảng bá văn hóa của mình ngay trên chính đất nước mình.

Chưa kể, chúng ta còn thiếu các cơ sở quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam ở nước ngoài. Dù đặt ra các chỉ tiêu, nhưng nhiều năm phấn đầu, chúng ta mới chỉ có Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp và Lào. Trung tâm xúc tiến du lịch còn khó khăn hơn nữa.

Với nguồn lực con người, đây chính là nguồn lực quan trọng nhất. Chính vì thế, chúng ta cũng phải thắng thắn nhận ra rằng, đội ngũ cán bộ làm công tác quảng bá văn hóa của các bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ quan trọng này. Chính sách đãi ngộ của chúng ta cũng chưa thực sự tốt khiến không thu hút được người giỏi để tham gia hoạt động quảng bá. Đó là những khó khăn lớn nhất bên cạnh việc thiếu điều phối các kế hoạch quảng bá, hay là những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách khác. Chỉ khi vượt được qua những khó khăn này, công tác quảng bá văn hóa của chúng ta mới có thể đạt được thành quả ngọt ngào như kỳ vọng.

Chú trọng thực hiện tốt Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030, Chiến lược văn hóa đối ngoại đến năm 2030

Phóng viên: Theo ông, để quảng bá hiệu quả hình ảnh đất nước, qua đó nâng cao vị thế của Việt Nam trong mắt bạn bè Quốc tế, ngành ngoại giao cần tập trung vào những hoạt động gì trong thời gian tới?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi cho rằng, đầu tiên chúng ta cần tập trung hực hiện tốt Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030, Chiến lược văn hóa đối ngoại đến năm 2030. Tiếp theo đó là xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ quảng bá nghệ thuật quốc gia và xuất khẩu các sản phẩm văn hoá ra nước ngoài. Chúng ta cần chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức quảng bá văn hóa trên cơ sở đưa các quan hệ quốc tế về văn hoá đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc.

Đồng thời, chúng ta cũng cần phát huy hơn nữa tài năng, tâm huyết của trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia quảng bá văn hóa của đất nước, trở thành cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài và trung tâm dịch thuật, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.

Tất cả những hoạt động này cần có sự chung tay, góp sức của cả xã hội gồm Nhà nước, doanh nghiệp, tư nhân, cả ở trong và ngoài nước. Làm được điều đó, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào tương lai tươi sáng của hoạt động quảng bá văn hóa, góp phần thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương