SỬA ĐỔI LUẬT CÔNG ĐOÀN: GIẢI QUYẾT VƯỚNG MẮC, BẤT CẬP TỪ THỰC TIỄN, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN

28/03/2024

Sáng 28/3, tại Hà Nội, nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và cung cấp thông tin phục vụ Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)”. TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì hội thảo.

HỘI THẢO GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT CÔNG ĐOÀN (SỬA ĐỔI)

Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

Tham dự Hội thảo có: Đại diện các cơ quan có liên quan; đại diện công đoàn cơ sở của một số cơ quan/đơn vị; cùng các chuyên gia, nhà khoa học;…

Phát biểu khai mạc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Nhấn mạnh Luật Công Đoàn hiện hành được  ban hành năm 2012, sau hơn 10 năm thi hành đã bộc lộ hạn chế, bất cập, Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển cho rằng, việc sửa đổi Luật Công đoàn tại thời điểm này là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới tổ chức, hoạt động của Công đoàn đồng thời giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn.

Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển cũng cho biết, với vai trò là cơ quan nghiên cứu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức tham vấn ý kiến độc lập, góp phần cung cấp thông tin tham khảo phục vụ thiết thực quá trình thẩm tra, cho ý kiến về dự án Luật này trong thời gian tới.

Lưu ý đây là dự án luật quan trọng, phức tạp, các chính sách được đề xuất chứa đựng nhiều nội dung mới, Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển đề nghị các đại biểu tập trung góp ý toàn diện vào nội dung dự thảo luật. Trong đó, quan tâm cho ý kiến về các chính sách cơ bản; nội dung sửa đổi liệu đã phúc đáp được yêu cầu của thực tiễn đặt ra hay chưa?;…

TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì hội thảo

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 06 chương, 35 điều quy định về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động; quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm của Công đoàn; quyền, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn; trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động đối với Công đoàn; bảo đảm hoạt động của Công đoàn; giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn.

Cho ý kiến tại Hội thảo, các đại biểu tán thành cao sự cần thiết sửa đổi Luật Công đoàn nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, tiếp cận và xử lý các vấn đề mới phát sinh, tạo cơ sở cho sự đổi mới và nâng cao vị thế, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn, đồng thời nhất trí với nhiều nội dung cơ bản tại dự thảo Luật. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự luật, các đại biểu góp ý vào một số vấn đề trọng tâm liên quan đến: tính thống nhất của dự thảo Luật đối với hệ thống pháp luật Việt Nam; tính tương thích của dự thảo Luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; trách nhiệm của Nhà nước, đơn vị sử dụng lao động đối với công đoàn;…

TS. Bùi Sĩ Lợi – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội

Theo đánh giá của các đại biểu so với Luật Công đoàn năm 2012, Dự thảo Luật đã kế thừa các thành tựu của Luật hiện hành; đồng thời đã cụ thể hóa được chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp và Bộ luật Lao động hiện hành.

Về tính tương thích đối với các công ước quốc tế, các ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã cơ bản đảm bảo sự tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản theo Công ước 98 của ILO về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; đảm bảo sự tương thích với Công ước 87 năm 1949 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).Tuy nhiên, đây là vấn đề quan trọng khi sửa đổi Luật Công đoàn lần này, vì vậy các đại biểu cũng đề nghị nội dung này cần tiếp tục được rà soát trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho ý kiến về quyền, trách nhiệm của giới sử dụng lao động; vấn đề kết nạp người lao động nước ngoài; tài chính và kinh phí công đoàn; vấn đề bảo đảm hoạt động của công đoàn;…

Bà Trần Thị Hồng Liên – Phó Giám đốc văn phòng giới sử dụng lao động, VCCI

Liên quan đến vấn đề về kinh phí công đoàn, các đại biểu cho rằng, mục tiêu của việc xây dựng quan hệ lao động là hướng đến đảm bảo hài hòa, ổn định và tiến bộ cũng cần phải có nhiều cơ chế để hỗ trợ cho hoạt động này. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Để làm được điều này, cần phải đảm bảo có nguồn lực phù hợp, đủ để tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Do vậy, các đại biểu nhận định, việc quy định về nguồn tài chính công đoàn, kinh phí hỗ trợ cho phát triển quan hệ lao động là cần thiết và phù hợp.

Tuy nhiên, để hoàn thiện nội dung này, các đại biểu cũng lưu ý cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh mức phân phối kinh phí công đoàn cho phù hợp. Theo đó, tăng thêm tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để chăm lo cho người lao dộng và tổ chức thực hiện các hoạt động tại doanh nghiệp.

Ông Hà Đình Bốn – Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội

Cũng theo các đại biểu, việc bổ sung quy định về miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong dự thảo Luật là hoàn toàn phù hợp và đáp ứng được với thực tiễn, điều kiện sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, qua thảo luận, một số ý kiến đại biểu cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu để luật hóa quyền thương lượng tập thể cho lao động tự làm/tự do; cụ thể hóa nguyên tắc công đoàn độc lập với người sử dụng lao động; quy định cụ thể cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp dành ít nhất 25% thời gian làm việc trong tháng hoặc năm để cán bộ công đoàn không chuyên trách hoạt động công đoàn;…

Kết luận Hội thảo, Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển nêu rõ, với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao hội thảo đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Các ý kiến phát biểu đều tán thành cao sự cần thiết sửa đổi Luật Công đoàn đồng thời góp ý toàn diện vào các nội dung, chính sách cơ bản nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật.

Ghi nhận và đánh giá cao ý kiến tham luận, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển cho biết, nội dung góp ý tại hội thảo sẽ được nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ phục vụ cho quá trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan chức năng cho ý kiến, hoàn thiện dự án Luật.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Quang cảnh Hội thảo

TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì hội thảo.

TS. Bùi Sĩ Lợi – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Ths. Đặng Đình Luyến – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Ông Hà Đình Bốn – Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội

Các đại biểu tham dự Hội thảo

TS. Phạm Thị Thu Lan; Phó Viện trưởng, Viện công nhân – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Bà Trần Thị Hồng Liên – Phó Giám đốc văn phòng giới sử dụng lao động, VCCI

Bà Tiêu Phương Thúy, chuyên viên Ban Chính sách - Luật pháp, TW Hội LHPN Việt Nam

Chuyên gia góp ý tại Hội thảo

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Chuyên gia góp ý tại Hội thảo

Bà Tiêu Phương Thúy, chuyên viên Ban Chính sách - Luật pháp, TW Hội LHPN Việt Nam

Đại diện Vụ pháp chế - Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội phát biểu

Chuyên gia góp ý tại Hội thảo

TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp phát biểu kết luận Hội thảo

Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

Lê Anh - Nghĩa Đức

Các bài viết khác