SỬA ĐỔI LUẬT THỦ ĐÔ: CẦN QUY ĐỊNH CHẾ TÀI ĐỦ MẠNH ĐỂ KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

02/04/2024

Quan tâm đến dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới (tháng 5/2024), nhiều ý kiến đại biểu tham gia góp ý về vấn đề bảo vệ môi trường, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu vấn đề này để quy định trong dự thảo Luật sao cho chặt chẽ hơn, khả thi hơn, trong đó lưu ý cần quy định chế tài đủ mạnh để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

SỬA ĐỔI LUẬT THỦ ĐÔ: RÀ SOÁT KỸ LƯỠNG QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ THỬ NGHIỆM CÓ KIỂM SOÁT

SỬA ĐỔI LUẬT THỦ ĐÔ: ĐẶT VĂN HÓA VÀO VỊ TRÍ XỨNG ĐÁNG TRONG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THỦ ĐÔ

Tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật (UBPL) đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tư pháp), các cơ quan chính quyền thành phố Hà Nội và các Bộ, cơ quan có liên quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, chỉnh lý dự thảo Luật và báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo bước đầu của Đảng đoàn Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại Phiên họp thứ 31 (tháng 3/2024). 

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 07 chương và 54 điều (giảm 05 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, trong đó, đã tiếp thu, chỉnh lý trong toàn bộ 54 điều, bỏ 07 điều, bổ sung mới 02 điều). 

Cần quy định về chế tài đủ mạnh để khắc phục tình trạng xâm hại môi trường

Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới (tháng 5/2024), đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường được quy định ở Điều 28. Theo đó, dự thảo Luật quy định:

Một, quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử Thủ đô, bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch.

Đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

Hai, trên địa bàn thành phố Hà Nội nghiêm cấm lấn chiếm, gây ô nhiễm sông suối, hồ, ao, đầm công viên, vườn hoa, khu công viên công cộng, chặt phá rừng, cây xanh trái phép, xả chất thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn ra môi trường, v.v.

Cuối cùng, quy định Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội có quyền hạn và trách nhiệm có quy định cụ thể.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu Trần Văn Khải nhận thấy, một vấn đề nổi cộm trong chính sách đặc thù hiện nay chưa có chế tài đủ mạnh xử phạt nghiêm khắc hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường và những phạm vi từ đạo luật khác tác động đến môi trường như quy hoạch, giao thông, chất thải.

Đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, phát triển khu dân cư, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường sống hay vấn đề vệ sinh môi trường kém, ý thức tuân thủ quy định bảo vệ môi trường còn thấp, nhiều nơi tình trạng ô nhiễm nặng, nhếch nhác. Vì vậy, đề nghị cần bổ sung quy định cho phép Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội có thể ra quy định về chế tài đủ mạnh để khắc phục tình trạng xâm hại môi trường ở mọi nơi, mọi lúc, kéo dài, thiếu ý thức, xem nhẹ vấn đề môi trường, nhất là ở Thủ đô Hà Nội. Nếu không có chế tài nghiêm khắc kịp thời thì khó thực hiện được những việc khó như dịch chuyển cơ sở sản xuất lớn, nhỏ gây ô nhiễm môi trường ra ngoại vi trung tâm thành phố.

Do đó, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu vấn đề này để quy định chặt chẽ hơn, khả thi hơn.

Cần quy định về cấm san lấp, bảo vệ những cảnh quan tự nhiên, sông, hồ

Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cho rằng, nội dung quy định trong các điều luật của dự thảo có nhiều điều, khoản còn mang tính chất chung chung, ước vọng. Đại biểu nêu ví dụ, Điều 17 quy định về quy hoạch có nêu: “quy hoạch phải đảm bảo xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước”.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

“Sông Hồng là trục xanh cảnh quan trung tâm rồi phát triển hài hòa đô thị hai bên sông. Những vấn đề này nói lên rất đúng, rất hay, nhưng đưa vào luật có thực hiện được hay không, căn cứ nào, không có thì rất khó, không thực hiện được nếu cứ chung chung như thế này thì chỉ mang tính ước vọng. Trong khi đó, rất nhiều điểm về quy hoạch thì chúng ta cần phải quy định”, đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích.

Do đó, đại biểu đề nghị cần phải quy định về các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng trong quy hoạch phải là những quy chuẩn, tiêu chuẩn tiên tiến hơn các quy chuẩn thông thường và phải tương đương với các đô thị văn minh ở trên thế giới, và cần quy định trong Luật này.

Ngoài quy định việc khai thác các không gian, không gian trên cao, không gian ngầm, đại biểu Hoàng Văn Cuường đề nghị dự thảo Luật cần quy định về cấm san lấp, bảo vệ những cảnh quan tự nhiên, sông, hồ. Bởi đây là những nét đặc trưng của Hà Nội, đặc biệt phải quy định tính chất liên kết vùng.

Đại biểu nêu ví dụ, phải quy hoạch ưu tiên những thứ phát triển mang tính chất tinh túy nhất về vùng Thủ đô và phải phân tán những hoạt động có thể gây ra ô nhiễm ra xa vùng Thủ đô. Nếu chúng ta không quy hoạch như thế thì hiện nay nhà máy rác ở Nam Sơn đã được xây dựng rất hiện đại. Như vậy, trong dự thảo quy hoạch môi trường quy hoạch luôn khu vực bãi thải rác Nam Sơn thành khu vực bãi thải rác quốc gia, như vậy phải vận chuyển rác của các địa phương khác về Nam Sơn để xử lý, vì không có luật quy định. Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, đây là một điều rất cần tính toán, xem xét đến trong quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này.

Bổ sung thêm cơ chế để bảo vệ môi trường

Đánh giá cao dự thảo Luật Thủ đô đã được cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu và hoàn thiện, đại biểu Đinh Ngọc Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng, vấn đề của Thủ đô hiện nay là ô nhiễm môi trường, không khí, ùn tắc giao thông đang gây khó khăn cho phát triển Thủ đô và người dân cả nước đến học tập, công tác. Đại biểu bày tỏ băn khoăn, việc sửa đổi Luật lần này có giải quyết được vấn đề này hay không?

Đại biểu Đinh Ngọc Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Theo Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ đất dành cho giao thông khoảng từ 16%-26%, tỷ lệ đất cho cây xanh khoảng 10m2/người vào năm 2030. Đại biểu băn khoăn, tỷ lệ này của Hà Nội hiện nay là bao nhiêu và khi sửa đổi Luật Thủ đô lần này hướng các chỉ tiêu như thế nào? Vì vậy, đại biểu Đinh Ngọc Minh đề nghị bổ sung thêm cơ chế để giải quyết các vấn đề này vào Điều 28 về bảo vệ môi trường, Điều 30 về phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, nhất là các cơ chế cho các quận nội thành./.

Bích Ngọc