HÀ GIANG: 06 GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM NHẰM TIẾP TỤC TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ NHỮNG MỤC TIÊU MÀ CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VÀ CHÍNH PHỦ ĐỀ RA

10/04/2024

Để tiếp tục triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và các nghị quyết khác của Quốc hội và Chính phủ, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Thị Lan đưa ra 06 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÀ GIANG ĐỀ XUẤT 02 ĐỀ NGHỊ NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG TRONG NĂM 2024

ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÀ GIANG TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ CÔNG TÁC LẬP PHÁP, GIÁM SÁT VÀ GIẢI QUYẾT ĐƠN THƯ CỦA CỬ TRI

Thực hiện Kế hoạch số 544/KH-ĐGS ngày 06/10/2023 của Đoàn giám sát, Quốc hội khoá XV “Về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; Quyết định số 54/QĐ-ĐĐBQH ngày 24/11/2023 của Đoàn Đại biểu Quốc hội khoá XV tỉnh Hà Giang về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội", Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đã ban hành Kế hoạch và tiến hành khảo sát việc triển khai dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, dự án đầu tư xây dựng trạm y tế Tụ Nhân, huyện Hoàng Su Phì, dự án đầu tư, xây dựng bệnh viện đa khoa huyện Xín Mần; giám sát trực tiếp đối với UBND huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì, UBND tỉnh và các sở ngành của tỉnh.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện Bắc Quang và Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan cho biết, ngay sau khi Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ được ban hành, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch cụ thể hoá các nhiệm vụ và giao trách nhiệm triển khai thực hiện cho các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Tại các phiên họp thường kỳ, UBND tỉnh đã thực hiện lồng ghép phân tích, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội để kịp thời chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

Riêng đối với Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1, đoạn qua địa phận tỉnh Hà Giang, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Dự án. Ban chỉ đạo, UBND tỉnh đã tích cực, sâu sát với quá trình triển khai dự án; thường xuyên kiểm tra thực tế, làm việc với các chủ đầu tư, nhà thầu, chính quyền địa phương và người dân để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân.

Các chính sách đã hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế

Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan, kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu cho thấy, các chính sách theo Nghị quyết 43 được ban hành rất kịp thời để giải quyết những khó khăn, thách thức mà các địa phương phải đối mặt trong 2 năm (2022 - 2023); chính sách đã góp phần phục hồi và ổn định phát triển kinh tế trên cả nước.

Đối với tỉnh Hà Giang đã triển khai thực hiện khá hiệu quả Nghị quyết 43, chính sách đã có tác động tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đóng góp quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 và 2023 của tỉnh, nhất là việc triển khai thực hiện đầu tư phát triển (dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; dự án y tế). Một số chính sách đầu tư phát triển (dự án về y tế) được kéo dài thời gian thực hiện đến 31/12/2024 nên đã góp phần cho tỉnh triển khai đảm bảo về tiến độ cũng như về chất lượng công trình.

Đối với chính sách miễn giảm thuế: Mặc dù ngân sách bị hụt thu nhưng đã góp phần cho thúc đẩy các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, đầu tư vào sản xuất tạo việc làm cho người lao động, góp phần ổn định và phục hồi kinh tế của địa phương.

Đối với các chương trình an sinh xã hội: Chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn, mặc dù đã triển khai thực hiện cho vay đạt 89% (đến thời điểm giám sát) nhưng so với nhu cầu toàn tỉnh thì chưa giải quyết được nhiều; một số chính sách đặc thù đã rút ngắn được thời gian, quy trình thủ tục hành chính nhưng khi triển khai thực tế vẫn còn một số hạn chế.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan.

Tuy nhiên, theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 vẫn tồn tại một số hạn chế.

Về kinh tế: Tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực thiếu tính bền vững, chủ yếu dựa vào nguồn đầu tư. Mức độ hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp còn thấp; chuyển đổi sản xuất ở các doanh nghiệp chưa mạnh, quy mô của các doanh nghiệp địa phương rất nhỏ, trình độ công nghệ còn ở mức thấp. Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị còn hạn chế, chưa hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung. Kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới còn thấp so với mục tiêu đề ra (02 huyện, 82 xã và 800 thôn đạt chuẩn). Hoạt động sản xuất công nghiệp chưa có sự phát triển ổn định, một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng sản xuất do thiếu nguồn nguyên liệu, hàng tồn kho lớn, thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Hoạt động xuất nhập xuất nhập khẩu hàng hóa giảm mạnh so với giai đoạn trước.

Về văn hoá - xã hội, việc làm: Chất lượng giáo dục và đào tạo còn thấp, phương pháp giáo dục chậm đổi mới. Nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội, vui chơi, giải trí, thể dục thể thao phải hoãn, hủy. Tình trạng lao động quay trở về địa phương quá lớn dẫn đến thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng. Công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững.

Việc giải quyết thủ tục hành chính ở các cấp, các ngành vẫn còn tình trạng quá hạn, chưa đáp ứng sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chưa bền vững; công tác thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn. Các hoạt động đối ngoại gắn với xúc tiến đầu tư, thương mại chưa hiệu quả, nguồn nhân lực phục vụ cho hội nhập quốc tế còn thiếu và yếu.

Trạm Y tế xã Tụ Nhân (Hoàng Su Phì) được xây mới từ chính sách đầu tư theo Nghị quyết số 43 (ảnh: Báo Hà Giang).

Đề cập về nguyên nhân khách quan dẫn đến những tồn tại trên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan cho biết, đó là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm và đời sống của người dân. Giá cả nguyên vật liệu đầu vào (xi măng, sắt, thép...), xăng dầu, cước, phí vận chuyển tăng mạnh. Chính sách phòng chống dịch Covid -19 của Trung Quốc gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu. Thiên tai xảy ra gây thiệt hại về tính mạng, tài sản và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ngân sách nhà nước chi cho đầu tư phát triển bị hạn chế do phải thực hiện việc tiết kiệm chi theo quy định và phải đảm bảo cho công tác an sinh xã hội, phòng, chống dịch Covid-19. Trung ương giao vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia chậm, đồng thời tỉnh phải xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy định cơ chế, chính sách để triển khai nên thời gian kéo dài. Việc lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện xây dựng nông thôn mới tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn do đối tượng, mục tiêu, phạm vi áp dụng của từng chương trình có quy định khác nhau, khả năng huy động các nguồn lực khác để thực hiện còn hạn chế.

Nguyên nhân chủ quan chủ quan là do công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong thực hiện các nhiệm vụ còn chưa chặt chẽ, đồng bộ. Một số công chức, viên chức năng lực còn yếu, chưa linh hoạt, thiếu chuyên nghiệp. Công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước chưa đạt hiệu quả cao.

06 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm

Để triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội, các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Thị Lan xác định các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất: Tiếp tục triển khai đồng bộ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh. Tập trung nhân lực, trang thiết bị, máy móc, đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, giai đoạn 1, đoạn qua địa phận tỉnh Hà Giang và hoàn thành thi công, đưa vào sử dụng các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng y tế. Tập trung huy động nguồn lực, triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ, chương trình tín dụng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh thông qua các chính sách về giãn hoãn thời gian trả nợ, giảm lãi vay.

Thứ hai: Triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổ chức rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, đô thị, nông thôn, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Thứ ba: Triển khai tích cực các Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Hà Giang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các Chương trình ngay từ đầu năm. Chủ động, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện. Xây dựng và triển khai Kế hoạch kiểm tra, giám sát thực hiện 03 Chương trình năm 2024, chú trọng đánh giá hiệu quả thực hiện so với mục tiêu đề ra. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận động nhân dân chung tay thực hiện, đưa các chính sách của 03 Chương trình đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.

Thứ tư: Tập trung thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực. Triển khai đồng bộ, quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách; tập trung khai thác, phát triển các nguồn thu tiềm năng, mở rộng cơ sở tính thuế, điều chỉnh phạm vi, đối tượng, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế. Tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng bền vững, tiết kiệm và hiệu quả, tăng hợp lý tỷ trọng cho đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực dịch vụ sự nghiệp công. Triển khai đồng bộ các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 ngay từ những tháng đầu năm.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, hạ tầng chiến lược sớm hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng đảm bảo hiệu quả đầu tư của các dự án có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân. Huy động các nguồn lực xã hội hóa, kêu gọi nguồn vốn nước ngoài; hoàn thiện kết cấu hạ tầng để nâng tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp. Thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng vào thực hiện các dự án về đô thị, du lịch, dịch vụ... Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhằm khơi thông nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Chủ động nắm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất. Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại. Kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư phát triển logistic, thương mại vào Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thuỷ. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Tăng cường ký kết các chương trình hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc và một số thị trường du lịch trọng điểm khác; bảo tồn các giá trị văn hóa để trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng.

Xây dựng thương hiệu thống nhất cho các sản phẩm nông sản đặc hữu của tỉnh; sản phẩm xuất khẩu có giá trị kinh tế lớn, trọng điểm là Chè Shan Tuyết cổ thụ, Mật ong Bạc Hà. Đẩy mạnh liên kết, đưa giống tốt vào trồng rừng. Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án cải tạo vườn tạp và Đề án phát triển bền vững cây Cam sành, chú trọng chất lượng, mẫu mã, đảm bảo quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay; rà soát chính xác các đối tượng nghèo và có giải pháp tạo sinh kế cho người dân.

Tiếp tục sắp xếp tinh gọn, hiệu quả mạng lưới các trường và cơ sở giáo dục; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Triển khai Đề án nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2023-2030; bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp; lấy chất lượng dạy và học làm trung tâm. Biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 5, lớp 9, lớp 12 và các lớp tiếp theo cho học sinh phổ thông. Quan tâm công tác huy động học sinh trong độ tuổi đến trường. Nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học. Tiếp tục phát huy hiệu quả Quỹ Khuyến học - Khuyến tài của tỉnh.

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân; đẩy mạnh phối hợp với các bệnh viện tuyến Trung ương trong việc khám, chữa bệnh. Chú trọng công tác y tế dự phòng, đẩy mạnh tiêm chủng mở rộng, phát hiện kịp thời và kiểm soát chặt chẽ các loại dịch bệnh, không để lây lan, kéo dài. Tăng cường năng lực cho y tế tuyến cơ sở; Nâng cao y đức trong cán bộ, nhân viên y tế. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông về an toàn vệ sinh thực phẩm; dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Quản lý, bảo vệ và phát huy tốt giá trị di sản văn hóa, di sản địa chất, các điểm du lịch trên địa bàn. Tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030. Đẩy mạnh xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc. Quan tâm đầu tư, hoàn thiện các thiết chế văn hóa trọng điểm trên địa bàn.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động, tăng cường liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp sử dụng lao động. Phấn đấu đào tạo giáo dục nghề nghiệp cho 10.500 người; Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh lên 59,4% năm 2024. Mở rộng và phát triển thị trường lao động; Nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống dịch vụ việc làm; Phấn đấu giải quyết việc làm cho 18.000 lao động. Đa dạng hóa các hình thức tạo sinh kế nâng cao thu nhập cho người nghèo, kết hợp việc thực hiện đồng bộ các chương trình của tỉnh. Duy trì giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm, trong đó huyện nghèo, xã nghèo đặc biệt khó khăn giảm 6%/năm trở lên; hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Thực hiện tốt các chính sách cho người có công, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật.

Thứ năm: Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách công vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là dịch vụ công trực tuyến. Nâng cao chất lượng công vụ, trình độ cho đội ngũ công chức, viên chức. Tập trung nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ngành và các địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; đề cao tính chủ động và kịp thời đề xuất hướng giải quyết đối với các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Nâng cao vai trò người đứng đầu các sở, ngành; các huyện, thành phố; có cơ chế khuyến khích, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thúc đẩy tính chủ động, sáng tạo trong thực thi công vụ; nghiêm túc xử lý, chấn chỉnh những cán bộ suy thoái về đạo đức để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ sáu: Tiếp tục xây dựng, củng cố quốc phòng - an ninh vững mạnh toàn diện; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Làm tốt công tác bồi dưỡng và phát triển lực lượng. Tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh. Chủ động nắm chắc tình hình, phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, trấn áp, xử lý hiệu quả đối với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các loại tội phạm, đẩy lùi tai nạn, tệ nạn xã hội; kiểm tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy. Duy trì và phát triển quan hệ hợp tác toàn diện và triển khai hiệu quả các cơ chế, thỏa thuận, chương trình hợp tác với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế./.

Bích Lan

Các bài viết khác