HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG
Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 7 tới đây (5/2024)
Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) số 13/2008/QH12 được thông qua ngày 03/6/2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009 thay thế cho Luật thuế GTGT năm 1997 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT năm 2003, năm 2005 và đã được sửa đổi, bổ sung 03 lần tại Luật số 31/2013/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014, Luật số 71/2014/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015, Luật số 106/2016/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2016. Qua 15 năm thực hiện, Luật thuế GTGT đã đạt được các kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, qua triển khai thực hiện chính sách thuế GTGT cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Do vậy, cần thiết phải ban hành Luật thuế GTGT (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế GTGT để bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện Luật để góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; đảm bảo thu đúng thu đủ vào NSNN, đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN. Đồng thời khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật thuế GTGT thời gian qua; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế GTGT và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan;..
Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng được thiết kế gồm 04 chương, 16 điều, quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ và phương pháp tính thuế, khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng.
Dự thảo Luật về cơ bản vẫn được kế thừa từ Luật hiện hành nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách. Theo đó, dự thảo Luật: giữ nguyên nội dung quy định tại 05 Điều của Luật thuế giá trị gia tăng hiện hành gồm: phạm vi điều chỉnh, thuế giá trị gia tăng, đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, phương pháp tính thuế. Đồng thời, bỏ 01 điều của Luật thuế giá trị gia tăng hiện hành quy định về hóa đơn, chứng từ. Sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định tại 10 Điều của Luật thuế giá trị gia tăng hiện hành gồm: người nộp thuế; đối tượng không chịu thuế; giá tính thuế; thuế suất; phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào; các trường hợp hoàn thuế; hiệu lực thi hành; tổ chức thực hiện.
Chủ tịch Hội tư vấn thuế Nguyễn Thị Cúc
Quan tâm tới quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Nguyễn Thị Cúc cho biết, Dự thảo Luật vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nhưng đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT trong 26 nhóm này (bỏ 07 hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT gồm: phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và In-ter-net phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng).
Góp ý hoàn thiện nội dung này, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Nguyễn Thị Cúc cho rằng, để phù hợp với các Luật chuyên ngành và đảm đảm tính rõ ràng, minh bạch, thống nhất trong thực tiễn; đề nghị sửa đổi Điểm g, khoản 9, Điều 5: Đối tượng không chịu thuế như sau: “g. Hoạt động/hoặc sản phẩm/ phái sinh bao gồm: Giao dịch hợp đồng kỳ hạn; hợp đồng tương lai; hợp đồng quyền chọn; hoán đổi; dịch vụ phái sinh khác theo quy định của pháp luật".
TS. Nguyễn Minh Hằng, Trưởng Bộ môn Luật Tài chính – ngân hàng, Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội
Cũng quan tâm tới quy định này, TS. Nguyễn Minh Hằng, Trưởng Bộ môn Luật Tài chính – ngân hàng, Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội kiến nghị, bổ sung cách giải nghĩa về sơ chế thông thường đang được quy định ổn định trong văn bản hướng dẫn vào khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật. Đồng thời, trong việc xác định những sản phẩm mới qua sơ chế thông thường cần quy định bao gồm cả những sản phẩm bỏ xương, băm, lột da, nghiền, cán mỏng, bảo quản theo phương thức hút kín khí vào đối tượng không thuộc diện chịu thuế GTGT.
Ngoài ra, TS. Nguyễn Minh Hằng cũng kiến nghị, bổ sung việc vận chuyển hành khách công cộng bằng tàu hỏa thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT; thay đổi mức doanh thu không phải chịu thuế GTGT của hộ, cá nhân kinh doanh; sửa đổi, bổ sung điểm c, khoản 1, Điều 7 theo hướng hàng hóa, dịch vụ dùng để tặng, cho, biếu với mục đích từ thiện thì giá tính thuế được xác định bằng 0.
ThS. Nguyễn Đức Ngọc - Giảng viên Khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội
Góp ý về nội dung, ThS. Nguyễn Đức Ngọc - Giảng viên Khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội nêu quan điểm, việc loại bỏ hay bổ sung mặt hàng phân bón ra khỏi đối tượng không chịu thuế là vấn đề lựa chọn chính sách. Thực tế trước năm 2015, phân bón đã từng là mặt hàng chịu thuế GTGT 5%, sau đó theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của cá luật về thuế số 71/2014/QH13 thì phân bón được chuyển thành mặt hàng không chịu thuế. Dó đó, kiến nghị cần làm rõ hơn cơ sở thực tế và mục đích chính sách để loại bỏ phân bón khỏi đối tượng không chịu thuế GTGT.
Để hài hoà giữa người sản xuất phân bón và người sử dụng phân bón trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, có thể cân nhắc xếp sản xuất phân bón vào nhóm hàng thuộc diện chịu thuế suất 0%.
Về chuyển nhượng dự án: Tại Điều 5, Khoản 9, điểm d của Dự thảo đã xác định chuyển nhượng vốn không bao gồm chuyển nhượng dự án đầu tư. Tức là chuyển nhượng dự án đầu tư phải chịu thuế GTGT ở mức 10%. Tuy nhiên, ThS. Nguyễn Đức Ngọc đề xuất: Bổ sung chuyển nhượng dự án là đối tượng không chiụ thuế GTGT.
Lý giải cho đề xuất này, ThS. Nguyễn Đức Ngọc cho rằng, việc quy định “ Chuyển nhượng vốn quy định tại khoản này không bao gồm chuyển nhượng dự án đầu tư, bán tài sản” là không cần thiết. Bởi vì, theo Luật đầu tư và Luật kinh doanh BĐS thì chuyển nhượng dự án là giao dịch khác biệt so với chuyển nhượng vốn. Điều 45 Khoản 1 và Điều 46 Khoản 1 Luật đầu tư 2020 đều xác định đối tượng chuyển nhượng là dự án/phần dự án. Đồng thời việc chuyển nhượng dự án phải tuân theo trình tự thủ tục riêng, nhất là điều kiện của bên nhận chuyển nhượng dự án để đảm bảo đúng các điều kiện đã được chấp thuận trong chủ trương, quyết định đầu tư.
Tuy nhiên, xét về bản chất cũng như mục đích giao dịch, việc chuyển nhượng vốn, cũng như các giao dịch hợp nhất/sáp nhập, hoặc tách toàn bộ tài sản dự án sang một pháp nhân mới và chuyển nhượng dự án đều là các phương thức để thực hiện các giao dịch mua bán doanh nghiệp (M&A). Vì vậy, nên cân nhắc bổ sung chuyển nhượng dự án vào đối tượng không chiụ thuế GTGT để phù hợp với logic chung của việc xác định các giao dịch vốn đều không thuộc diện chịu thuế GTGT.
Cũng theo ThS. Nguyễn Đức Ngọc, thực tế, trong triển khai chuyển nhượng vốn của các doanh nghiệp dự án, nhiều địa phương lại không chấp nhận hình thức chuyển nhượng vốn mà yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục của chuyển nhượng dự án, để đảm bảo đúng điều kiện đã phê duyệt của dự án. Tuy nhiên, điều này lại làm phát sinh những thắc mắc liên quan về thuế, nhất là khi chuyển nhượng dự án được xếp vào đối tượng chịu thuế còn chuyển nhượng vốn lại là đối tượng không chịu thuế GTGT./.