SỬA ĐỔI LUẬT KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẦN GẮN VỚI ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

11/04/2024

Đóng góp ý kiến tại cuộc họp Tổng quan về phương án sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ diễn ra chiều 11/4, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Theo đó, việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ cần gắn với đổi mới sáng tạo…

CUỘC HỌP TỔNG QUAN VỀ PHƯƠNG ÁN SỬA ĐỔI LUẬT KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

GÓP Ý MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐỊNH HƯỚNG CHÍNH SÁCH TRONG VIỆC SỬA ĐỔI LUẬT KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Toàn cảnh cuộc họp Tổng quan về phương án sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ.

Chiều 11/4, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức cuộc họp Tổng quan về phương án sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ. Chủ  nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chủ trì cuộc họp.

Tham dự cuộc họp có các Phó Chủ nhiệm và thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt và các lãnh đạo các đơn vị của Bộ, đại diện Tổ công tác xây dựng luật.

Sửa đổi Luật KH&CN là cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn

Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 (Luật KH&CN 2013) được Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18/6/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014 bao gồm 11 chương, 81 điều. Luật KH&CN 2013 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 28/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch; Luật số 07/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Trong hơn 10 năm qua, Luật KH&CN năm 2013 đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cơ bản và quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN. Đây là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN; phát huy vai trò, hiệu quả của các tổ chức KH&CN công lập trong việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trọng điểm; thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN; đổi mới căn bản cơ chế sử dụng kinh phí nhà nước và cơ chế xây dựng, triển khai các nhiệm vụ KH&CN theo hướng lấy mục tiêu và hiệu quả ứng dụng là tiêu chuẩn hàng đầu; chuyển các đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và phương thức khoán chi trong nghiên cứu khoa học; phát triển các doanh nghiệp KH&CN, các quỹ trong lĩnh vực KH&CN; xây dựng đồng bộ chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân lực, nhân tài KH&CN; thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức vì sự phát triển của đất nước; tích cực và chủ động mở rộng hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST).

Các đại biểu tham dự cuộc họp.

Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của lực lượng KH&CN, những năm qua, KH&CN đã có những bước tiến tích cực, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội. Với các tiến bộ trong cơ chế quản lý, tăng cường đầu tư cho tiềm lực và trình độ KH&CN, lực lượng KH&CN đã thực sự đồng hành cùng các cấp, các ngành và địa phương để bám sát thực tiễn, đóng góp ngày càng thiết thực hơn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Luật KH&CN 2013 được ban hành trong bối cảnh đất nước ta mới trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chưa lâu, các chủ thể tham gia hoạt động KH&CN chủ yếu đến từ khu vực viện nghiên cứu, trường đại học công lập. Hoạt động đổi mới, ứng dụng công nghệ, thương mại hóa sản phẩm KH&CN, nhất là trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh tuy đã được quan tâm nhưng chưa trở thành xu thế phổ biến.

Vấn đề liên quan tới doanh nghiệp - chủ thể quan trọng nhất trong hoạt động đổi mới sáng tạo - ứng dụng, thương mại hóa kết quả KH&CN để tạo ra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mới, tạo ra giá trị gia tăng và của cải, vật chất cho xã hội dù đã được đề cập trong Luật nhưng mới chỉ dừng ở nguyên tắc chung. Sau 10 năm triển khai, bối cảnh trong nước và quốc tế đã có nhiều thay đổi, tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Luật được ban hành từ năm 2013 nên không thể tránh khỏi việc chưa cập nhật được những vấn đề mới khi KH&CN trong nước và thế giới phát triển quá nhanh, nhất là trong khoảng 5 năm gần đây. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Cần tổng hợp cụ thể các chính sách thành những nhóm cụ thể

Đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Luật KH&CN (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh: Sau khi tổng kết và phân tích hiện trạng, Bộ KH&CN đã xác định được 15 nội dung chính sách cần ưu tiên đánh giá theo một phương pháp có hệ thống. Mỗi nội dung sẽ có một phương án là Giải pháp giữ nguyên hiện trạng (tức là không thay đổi tình trạng hiện có của vấn đề). Giải pháp giữ nguyên hiện trạng luôn được sử dụng trong báo cáo đánh giá tác động chính sách, bởi phân tích này luôn tính tới các tác động của sự thay đổi, nghĩa là phải so sánh tác động của các giải pháp thay đổi với giải pháp giữ nguyên hiện trạng để tìm hiểu rõ hơn tác động của việc thay đổi và làm rõ Giải pháp được lựa chọn trong Đề nghị xây dựng Luật.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu.

Các vấn đề được đánh giá cũng là những vấn đề quan trọng, gắn với các mục tiêu của Dự án Luật. Cụ thể, đề nghị xây dựng Luật KH&CN (sửa đổi) đề xuất 15 nội dung chính sách cần sửa đổi, bổ sung, bao gồm:

Chính sách 1: Mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật (bổ sung nội hàm ĐMST);

Chính sách 2: Hoàn thiện quy định chung về hoạt động KH,CN&ĐMST;

Chính sách 3: Thúc đẩy chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN, tổ chức thúc đẩy ĐMST;

Chính sách 4: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST;

Chính sách 5: Tạo điều kiện thuận lợi về đầu tư, tài chính cho KH,CN&ĐMST;

Chính sách 6: Phát triển hạ tầng KH,CN&ĐMST;

Chính sách 7: Phát triển thông tin KH,CN&ĐMST;

Chính sách 8: Hoàn thiện quy định về chương trình KH&CN, đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;

Chính sách 9: Tăng cường kết nối, nâng cao hiệu quả của các dự án ĐMST;

Chính sách 10: Thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp;  

Chính sách 11: Thúc đẩy thương mại hóa kết quả KH&CN và phát triển thị trường công nghệ;

Chính sách 12: Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo;

Chính sách 13: Đánh giá chương trình, đề tài, đánh giá tổ chức KH&CN, tổ chức thúc đẩy ĐMST;

Chính sách 14: Thúc đẩy phổ biến, lan tỏa tri thức;

Chính sách 15: Hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KHCN&ĐMST.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, một số chính sách được kế thừa có sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật KH&CN 2013 và một số chính sách được bổ sung mới. Những vấn đề được lựa chọn đưa vào Báo cáo đánh giá tác động chính sách là những vấn đề đòi hỏi phải có chính sách mới, quan trọng, có thể ảnh hưởng, tác động tới nhiều đối tượng có liên quan.

Đối với từng chính sách, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thực hiện đánh giá theo quy trình: xác định vấn đề bất cập hiện tại (trong đó nêu rõ hậu quả và nguyên nhân), đưa ra các mục tiêu chính sách, xây dựng các phương án chính sách dự kiến để giải quyết vấn đề và đánh giá tác động (bao gồm kinh tế, xã hội, giới, TTHC, hệ thống pháp luật) đối với phương án chính sách dự kiến.

Việc đánh giá tác động về kinh tế, xã hội chỉ có thể định lượng ước tính chi phí với một số chi phí thực tế Nhà nước, doanh nghiệp, người dân phải bỏ ra có thể tính toán được như các chi phí liên quan đến thủ tục hành chính (TTHC)... Do hạn chế về thống kê cũng như không bóc tách được các công việc triển khai theo quy định của Luật KH&CN 2013 và các pháp luật chuyên ngành tại các bộ, ngành, địa phương, tác động của các chính sách liên quan đến KH,CN&ĐMST, đánh giá lợi ích, rủi ro nên một số nội dung liên quan sẽ được đánh giá mang tính định tính.

Đổi mới sáng tạo cần được chú trọng trong dự án Luật KH&CN (sửa đổi)

Trong khuôn khổ cuộc họp, các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường bày tỏ sự cần thiết của việc sửa đổi Luật KH&CN cũng như sự tương thích của Luật này với hệ thống pháp luật liên quan; đồng thuận với Đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Luật KH&CN (sửa đổi) do Bộ KH&CN đưa ra và nhất trí cho rằng, việc sửa đổi Luật là cần thiết nhằm để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Theo đó, việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ cần gắn với đổi mới sáng tạo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi Luật KH&CN.

Để dự án Luật có tính khả thi, các thành viên Ủy ban còn đóng góp một số ý kiến về các chính sách, phạm vi điều chỉnh của Luật, sự đột phá trong trong việc ứng dụng KHCN ở các cơ quan công lập. Việc đổi mới cơ chế Quỹ KHCN cũng cần được nghiên cứu, xem xét phương án phù hợp nhất. Giải pháp giải quyết những bất cập trong thực hiện nhiệm vụ khoa học cần tính tới giảm bớt các thủ tục hành chính đối với các nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện đề tài...

Với những ý kiến đóng góp đó, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến, đề xuất của các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Cuộc họp rất có ý nghĩa trong việc xây dựng pháp luật. Nhiều ý kiến rất xác đáng trong việc sửa đổi Luật KH&CN để phù hợp với thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, cơ quan soạn thảo dự án Luật sẽ tiếp thu tối đa những ý kiến của các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường để cập nhật hoàn thiện Hồ sơ xây dựng dự án Luật.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ  nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh: Dự án Luật KH&CN (sửa đổi) là đạo luật hết sức quan trọng trong hệ thống pháp luật về khoa học công nghệ. Hồ sơ chuẩn bị và báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng luật được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu kết luận cuộc họp.

Mặc dù chủ trương đường lối về KH&CN được đánh giá đầy đủ nhưng trong thực tiễn vẫn còn có những hạn chế, ràng buộc. Đó là việc nhìn nhận của một số bộ phận, đối tượng đối với KH&CN còn hạn chế. Những chủ thể có trách nhiệm trong việc phân bổ nguồn lực về tài chính, nhân lực vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Chính vì vậy, việc cần khơi thông nguồn lực để thúc đẩy phát triển KH&CN cũng như đổi mới sáng tạo KH&CN là những nhiệm vụ cần nghiên cứu xem xét trong việc sửa đổi Luật KH&CN.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cũng đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban trong việc hoàn thiện dự án Luật.

** Một số hình ảnh tại cuộc họp:

Các đại biểu tham dự cuộc họp Tổng quan về phương án sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng, cần tóm gọn các nhóm chính sách một cách tổng quan; đồng thời đóng góp ý kiến là việc sửa Luật KH&CN cần có sự tương thích với các chính sách pháp luật khác.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn nêu quan điểm: Cần đánh giá cơ chế chính sách, những vướng mắc trong việc xây dựng Luật KH&CN (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, cơ quan soạn thảo dự án Luật sẽ tiếp thu tối đa những ý kiến của các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường để cập nhật hoàn thiện Hồ sơ xây dựng dự án Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban trong việc hoàn thiện dự án Luật./.

Bích Lan-Minh Thành