TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 06/6: PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN HỒNG HÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
Sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đối với 04 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương xung quanh kết quả và các nội dung liên quan đến Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp lần này.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương
Chất vấn có trọng tâm, trọng điểm
Phóng viên: Qua 2,5 ngày chất vấn, đại biểu đánh giá thế nào về Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV?
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Trước tiên, tôi đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, tập trung, tâm huyết và trách nhiệm của Quốc hội tại Phiên chất vấn lần này, các vị đại biểu Quốc hội đã rất trách nhiệm trong việc nghiên cứu đặt vấn đề chất vấn có trọng tâm, trọng điểm, ngắn ngọn, sát với thực tế, tập trung vào các vấn đề “nóng”, nổi cộm, được cử tri và Nhân dân quan tâm. Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, Tư lệnh ngành đã trả lời rõ ràng, thẳng thắn, đúng và trúng vấn đề, đưa ra được giải pháp trước mắt và lâu dài.
Bên cạnh những vấn đề được đặt ra, tôi thấy rằng, các vị Bộ trưởng đã rất trách nhiệm trong việc giải trình, làm rõ các nội dung mà đại biểu nêu. Ấn tượng nhất là đồng chí Tư lệnh ngành kiểm toán (Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn). Mặc dù lần đầu tiên trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 nhưng đồng chí đã cho thấy được bản lĩnh của một người đứng đầu ngành, hầu hết các câu hỏi chất vấn của các vị đại biểu, Tư lệnh ngành kiểm toán đều trả lời thỏa đáng.
Tại Phiên chất vấn lần này, tôi cũng như các vị đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đều thấy rằng, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã điều hành phiên chất vấn khoa học, sát sao và đi thẳng vào trọng tâm. Qua phần chất vấn của các Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội luôn lắng nghe và ghi rất chính xác những câu hỏi của các đại biểu, những câu hỏi chưa được trả lời hoặc Bộ trưởng trả lời chưa trúng đã có sự điều hành linh hoạt để Bộ trưởng trả lời đúng trọng tâm những vấn đề đặt ra.
Tập trung triển khai thực hiện các quy định pháp luật về bảo đảm an ninh nguồn nước
Phóng viên: Chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn cũng như cung cấp nước sạch, nước ngọt đảm bảo cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt thiết yếu của người dân, nhất là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đại biểu đánh giá thế nào về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh về nội dung này và đại biểu có đề xuất giải pháp gì nhằm giải quyết căn cơ tình trạng này ?
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Tôi cơ bản đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về các vấn đề liên quan đến việc ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn cũng như cung cấp nước sạch, nước ngọt đảm bảo cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt thiết yếu của người dân, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, phần trả lời của Bộ trưởng cũng đã bám sát thực tế, yêu cầu đặt ra và có những giải pháp để giải quyết vấn đề đại biểu quan tâm. Bên cạnh đó, Bộ trưởng nắm chắc lĩnh vực quản lý của ngành để đưa ra những câu trả lời trách nhiệm, chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của các đại biểu chất vấn.
Toàn cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Về giải pháp, tôi tán thành các giải pháp mà Bộ trưởng đã nêu tại Phiên chất vấn. Trong đó, tôi cho cho rằng, thời gian tới các bộ ngành liên quan cần xây dựng giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long cần chú trọng vấn đề nước cho sinh hoạt và nhu cầu thiết yếu, chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu vực này theo định hướng Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đồng thời tập trung triển khai thực hiện các quy định pháp luật về bảo đảm an ninh nguồn nước; triển khai thực hiện hiệu quả Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và các văn bản dưới luật về an ninh nguồn nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần công bố Kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông liên tỉnh. Cùng với đó, nghiên cứu đề xuất các phương án tăng cường khả năng trữ nước, điều tiết nguồn nước, liên kết vùng… chủ động nguồn nước cấp cho sinh hoạt, kinh tế - xã hội trên các lưu vực sông.
Ngoài ra, tôi cho rằng, cần rà soát, xây dựng hoàn chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích xây dựng công trình chuyển nước, trữ nước, cấp nước sinh hoạt, góp phần bảo đảm cân đối được nguồn nước ngọt ở quy mô từng hộ, thôn/xóm, xã, huyện, đặc biệt cho vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước…
Đảm bảo các thiết chế văn hóa thực sự hiệu quả đối với hoạt động cộng đồng
Phóng viên: Liên quan đến vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, đại biểu quan tâm đến nội dung nào và đánh giá thế nào về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với những câu hỏi chất vấn mà các đại biểu nêu? Qua đó, đại biểu có kiến nghị giải pháp gì để kích cầu du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đêm trong thời gian tới?
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Bên cạnh các vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đã được Bộ trưởng trả lời, và trước thực trạng, khó khăn của ngành du lịch hiện nay, tôi quan tâm đến tiến độ, kết quả việc thực hiện mục tiêu “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” (được phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ): “Đến năm 2025: Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, phấn đấu thuộc nhóm ba quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, trong đó tất cả 14 tiêu chí năng lực cạnh tranh du lịch đều tăng, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững”. Tôi thật sự băn khoăn, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức mà Bộ trưởng đã nêu ra khi trả lời câu hỏi của các đại biểu thì liệu ngành du lịch có đạt được mục tiêu này vào năm 2025 không?
Ngoài ra, từ thực tiễn tại địa phương, tôi đặc biệt quan tâm đến các thiết chế văn hóa, cụ thể là hiện nay các thiết chế văn hóa nói chung và thiết chế văn hóa của tổ chức công đoàn nói riêng được xây dựng với mục đích chủ yếu là phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho cộng đồng, người lao động. Hiện nay việc sử dụng các thiết chế văn hóa này thực sự không đem lại hiệu quả, chủ yếu là do vướng từ cơ chế, những quy định hiện tại chưa đầy đủ. Ví dụ như: chưa có định mức kinh tế kỹ thuật nên chưa xác định đơn giá hoạt động dịch vụ sự nghiệp công; lộ trình tính giá dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước; cơ chế đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước; một số quy định không thể thực hiện ngay mà phải chờ các hướng dẫn của các cơ quan khác (danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước, định mức kinh tế kỹ thuật...); việc sử dụng tài sản công cho thuê, liên doanh, liên kết còn vướng mắc trong quá trình xác định tiền thuê đất do nhiều đơn vị thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất nên cơ quan thuế không có cơ sở để xác định tiền thuê đất; không có cơ sở để xác định thời gian sử dụng và tỷ lệ diện tích sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết…
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đặt câu hỏi chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Thông qua thiết chế văn hóa, tôi mong muốn có nhiều hoạt động hơn nữa nhằm phục vụ đời sống tinh thần cho công nhân, người lao động, tuy nhiên, tôi nhận thấy, cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ còn nhiều vướng mắc do chưa xác định được đơn giá...
Do đó, tôi đồng tình cao với nội dung trả lời của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Phiên chất vấn và trân trọng đề nghị Chính Phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, các bộ ngành, địa phương liên quan phải giải quyết bằng được bài toán khó về mặt cơ chế theo hướng đẩy mạnh rà soát lại tổng thể để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, từ đó đảm bảo các thiết chế văn hóa thực sự hiệu quả đối với hoạt động cộng đồng, cũng như tránh lãng phí cho việc đầu tư và vận hành các thiết chế văn hóa.
Liên quan đến phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với những câu hỏi chất vấn mà các đại biểu nêu, tôi nhận thấy rằng, Bộ trưởng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của một Tư lệnh ngành khi phân tích rõ cả những thuận lợi và khó khăn của ngành trong các vấn đề có liên quan, từ đó đề xuất những giải pháp cụ thể để giải quyết các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn cuộc sống. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đã giải trình rất toàn diện, thể hiện được tầm bao quát đối với vấn đề của ngành. Tôi đánh giá cao phần trả lời chất vấn, cũng như đồng tình và ghi nhận các giải pháp, cam kết của Bộ trưởng tại Phiên chất vấn lần này.
Về kích cầu du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đêm trong thời gian tới, tôi thống nhất và đánh giá cao những nhận định và giải pháp cụ thể của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó, tập trung thực hiện những nhiệm vụ về xây dựng cơ chế, chính sách, quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, thu hút nguồn lực đầu tư, định hướng thị trường và tổ chức xúc tiến quảng bá, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các ứng dụng, tiện ích hỗ trợ khách du lịch…
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu./.