TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ, PHÁT HUY TIỀM NĂNG ĐỂ ĐÀ NẴNG TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ VĂN MINH, HIỆN ĐẠI
CẦN THIẾT SỬA ĐỔI, HOÀN THIỆN CÁC CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ, TẠO TIỀN ĐỀ CHO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TP. ĐÀ NẴNG
Quang cảnh Phiên họp
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 7/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận.
Đa số các đại biểu quan tâm về việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do được quy định tại Điều 13 của dự thảo Nghị quyết và cho rằng đây là chính sách mang tính đột phá, là quyết tâm chính trị, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của TP. Đà Nẵng và Chính phủ trong áp dụng mô hình phát triển tiên tiến của thế giới. Nếu thực hiện thành công thì sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đà Nẵng và của cả Vùng cũng như làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do dành cho cả nước.
Cần có cơ chế giám sát đặc biệt để kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm
Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho rằng: pháp luật của Nhà nước ta là chưa có quy định về việc thành lập hoạt động đối với khu thương mại tự do, trong khi đó đây là mô hình kinh tế đã khá phổ biến, được nhiều quốc gia áp dụng thí điểm. Đại biểu nhận định, việc tạo cơ chế áp dụng thí điểm tại Đà Nẵng nhằm tạo bước đột phá mới cho Đà Nẵng nói riêng, đồng thời khảo nghiệm việc phát triển mô hình kinh tế mới đối với nước ta nói chung trong thực tiễn, do đó đại biểu đồng tình cao với chính sách này.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hữu Thông kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện chính sách cần phải có cơ chế giám sát đặc biệt để chúng ta vừa làm, vừa kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm, nhất là vấn đề định lượng được các tác động của chính sách này nhằm đảm bảo tính khách quan và bao quát từ thực tiễn khi triển khai thực hiện.
Xem xét nhân rộng mô hình Khu thương mại tự do ở các địa phương khác
Ủng hộ cơ chế về thành lập Khu thương mại tự do, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đây là một cơ chế rất thành công trên thế giới, nhất là đối với những nước có ưu thế về cảng biển như Singapore có 09 khu thương mại tự do, Trung Quốc có 21, Philippines, Indonesia, Malaysia… Hơn 30 năm qua khu thương mại tự do phát triển rất hiệu quả và đóng góp vào sự phát triển chung của các nước đó.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh
Nêu rõ Việt Nam có bờ biển dài rất đẹp 3.260 km và đã quy hoạch có 34 cảng biển quốc tế, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận thấy, đây là điểm rất thuận lợi, vì vậy đại biểu bày tỏ sự ủng hộ và hoan nghênh việc Đà Nẵng đi đầu và thực hiện cơ chế thí điểm này. Tuy nhiên đề nghị cần bổ sung thêm một số cơ chế để làm sao cho Đà Nẵng triển khai thành công việc này. Vì khi Đà Nẵng triển khai thành công mô hình này thì có thể nhân rộng ngay ở các thành phố, các địa phương có đặc điểm tương tự, có nhiều cảng kết nối với Khu thương mại tự do như cảng ở Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi, Cần Thơ, Trà Vinh và Thành phố Hồ Chí Minh...
Nhưng để Khu thương mại tự do có thể phát triển, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, điều quan trọng nhất là hạ tầng, chúng ta phải kết nối được bên trong khu thương mại và bên ngoài khu thương mại. “Bởi vì ở đây có sự kết nối. Mặc dù chúng ta xây dựng hàng rào cứng nhưng con người qua lại cũng rất nhiều và nó đòi hỏi sự giao thoa. Và dĩ nhiên khi hàng hóa từ trong Khu thương mại tự do đi ra ngoài Khu thương mại tự do là phải chịu thuế xuất nhập khẩu, nhưng chúng ta cần đảm bảo sự kết nối này”, đại biểu nêu rõ.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Thống nhất cao với ý kiến của các đại biểu đã nêu, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thị Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng: khi Quốc hội thông qua thí điểm về chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong đó có cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu thương mại tự do Đà Nẵng, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét cho các tỉnh, thành phố khác được thành lập khu thương mại tự do và được thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù như thành phố Đà Nẵng để kịp thời thực hiện quy hoạch cũng như thực hiện Nghị quyết của Đảng để tạo sự phát triển đồng bộ cho cả nước.
Cần áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất và các ưu đãi khác
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Đồng tình với ý kiến của các đại biểu về việc cho phép thí điểm thành lập Khu Thương mại tự do Đà Nẵng, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, đây là mô hình thí điểm rất mới, chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cần quan tâm, đặc biệt lưu ý việc thu hồi đất để phục vụ Khu Thương mại tự do này cần phải tính tới lợi ích sống còn của người dân nơi đây, nên áp dụng giá đền bù mới theo Luật Đất đai mới. Do đó, vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, thu hồi đất để thực hiện Khu Thương mại tự do cần phải được tính toán sao cho phù hợp với điều kiện của Tp. Đà Nẵng và thực tiễn của địa phương.
“Thu hồi đất phục vụ cho kinh tế - xã hội nhưng giao cho nhà đầu tư thực hiện đền bù với số tiền thấp hơn, sau đó cho thuê lại với giá cao sẽ ảnh hưởng đến quản lý và hoạt động chung của TP. Đà Nẵng. Do đó đề nghị cần lưu ý nội dung này để tránh trường hợp khiếu kiện kéo dài thì Khu Thương mại tự do sẽ không đạt hiệu quả cao”, đại biểu kiến nghị.
Đại biểu Trần Quốc Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An
Đại biểu Trần Quốc Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho biết, để hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế, dự thảo Nghị quyết đề xuất phương án phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng được xây dựng gồm 3 khu chức năng gồm có sản xuất, hậu cần cảng, logistics, thương mại, dịch vụ, quy định các chính sách thí điểm tại Khu thương mại tự do Đà Nẵng phù hợp với điều kiện thể chế của Việt Nam hiện nay. Đảm bảo tính tuần tự, từng bước thí điểm kèm theo việc kiểm tra, giám sát, hạn chế tối đa các rủi ro có thể gặp phải trong quá trình thực hiện, triển khai thực hiện các chính sách về sau.
Đại biểu Trần Quốc Quân nhấn mạnh, phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng để nhằm tạo động lực phát triển mới, giúp đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố hạt nhân. Phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ và là cơ sở để thí điểm nghiên cứu các chính sách mới làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do dành cho cả nước. Vì vậy, đại biểu Trần Quốc Quân nhấn mạnh sự cần thiết có các chính sách ưu đãi để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển.
Toàn cảnh Phiên họp
Thí điểm mô hình Khu thương mại tự do Đà Nẵng để nhằm mục tiêu thu hút đầu tư tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao. Trong đó, trên cơ sở nghiên cứu một số mô hình Khu thương mại tự do trên thế giới và kết hợp hài hòa với các mô hình kinh tế tương đồng đã có sẵn, khung cơ chế, chính sách trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Do đó, đại biểu cũng đề nghị Khu thương mại tự do Đà Nẵng cần được nghiên cứu, áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất và các ưu đãi khác như khu kinh tế. Áp dụng đồng bộ cơ chế quản lý hải quan và các chính sách đang áp dụng đối với khu phi thuế quan. “Việc áp dụng thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng để linh hoạt trong việc điều chỉnh các cơ chế thí điểm thương mại; tạo môi trường kinh doanh tốt hơn trong Khu thương mại tự do; tích lũy kinh nghiệm và các đánh giá cần thiết trong quá trình nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp luật để áp dụng trên toàn quốc”, đại biểu nêu rõ.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, việc thí điểm thực hiện Khu thương mại tự do là một mô hình mới nhưng đã được nhiều nước áp dụng thành công. Do đó, cần có khung pháp lý về quản lý Nhà nước đối với mô hình này, có thể áp dụng cho một số địa phương khác với cơ chế phù hợp và giao Chính phủ về thẩm quyền trên một số lĩnh vực trong áp dụng như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất./.