THẢO LUẬN TỔ 13: ĐẢM BẢO QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN CHẶT CHẼ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG TIẾT KIỆM, HIỆU QUẢ

20/06/2024

Chiều 20/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, thảo luận tại Tổ 13 (Đoàn ĐBQH các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang) về dự án Luật Địa chất và khoáng sản, các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành luật đồng thời, đề nghị quy định phải cụ thể, khả thi đảm bảo quản lý tài nguyên khoáng sản chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả...

THẢO LUẬN TỔ 13: TẠO SỰ THỐNG NHẤT TRONG THỰC THI, BẢO ĐẢM TỐT NHẤT QUYỀN, LỢI ÍCH CHÍNH ĐÁNG CỦA NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự phiên thảo luận tại Tổ 13.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 13

Dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản gồm 117 điều và được bố cục thành 12 chương, tăng 01 chương và 31 điều (so với Luật Khoáng sản năm 2010), tăng 01 chương và giảm 19 điều (so với Đề cương đã được thông qua). Việc ban hành luật nhằm tạo hành lang pháp lý toàn diện trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động trong các hoạt động khoáng sản; hài hòa lợi ích giữa nhà nước với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản và cộng đồng dân cư nơi có nhiều hoạt động khoáng sản…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự phiên thảo luận tại Tổ 13

Tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị dự thảo Luật đảm bảo thể chế hoá đầy đủ Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, nhằm một số mục tiêu chủ yếu: quản lý tài nguyên khoáng sản chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; tăng thu ngân sách nhà nước; tránh thất thoát tài nguyên; quản lý công khai, minh bạch, đảm bảo công bằng xã hội, tôn trọng nguyên tắc thị trường.

“Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn việc dự trữ tài nguyên này, khai thác tài nguyên có hạn định, đảm bảo tính bền vững...”, đại biểu đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Về công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đại biểu cho biết, theo báo cáo tổng kết 13 năm Luật Khoáng sản năm 2010, đến 31/12/2023, Bộ Tài nguyên Môi trường chỉ mới tổ chức đấu giá thành công 10 khu vực khoáng sản, địa phương tổ chức đấu giá thành công 827/1.310 khu vực khoáng sản mà chủ yếu là vật liệu xây dựng thông thường. Do đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần khắc phục tình trạng này, quy định về khoanh vùng khu vực khoáng sản, đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản, hạn chế tối đa tình trạng "xin-cho".

Liên quan tới công tác an toàn, vệ sinh lao động, đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung đầy đủ hơn các quy định tại Điều 63 dự thảo Luật về những nội dung cần phải quản lý về kỹ thuật an toàn, cụ thể: Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện đầy đủ quy định về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động và quy định về kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản tại Luật Địa chất và Khoáng sản để bảo đảm an toàn cho người, công trình, sức khoẻ cộng đồng và môi trường; Xác định những mỏ khai thác khoáng sản có tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn để áp dụng những quy định chặt chẽ hơn về quản lý kỹ thuật an toàn.

Ngoài ra, cần xác định nội dung then chốt cần phải thực hiện trong công tác quản lý nhà nước, đó là các yêu cầu về kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản như: Trình độ, năng lực của nhân sự quản lý, chỉ đạo điều hành; Cách thức tổ chức sản xuất; Quản lý kỹ thuật an toàn đối các hệ thống kỹ thuật trong mỏ như: thiết bị điện, phương tiện vận chuyển, thoát nước, thông gió và kiểm soát khí mỏ…

Đại biểu Lưu Bá Mạc – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Tham gia thảo luận, đại biểu Lưu Bá Mạc – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị, cân nhắc bổ sung giải thích từ ngữ, nội hàm của cụm từ “Công viên địa chất” vào Điều 3 Dự thảo Luật; bổ sung quy định về việc công nhận, xếp hạng công viên địa chất, di sản địa chất, di chỉ địa chất các cấp, từ cấp tỉnh, cấp quốc gia. Điều này cũng tương tự như việc thành lập Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia, như quy định tại Điều 95 Dự thảo Luật Di sản Văn hoá.

Đồng thời, đại biểu tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị, cân nhắc bổ sung Chính sách của Nhà nước về di sản địa chất và về công viên địa chất. Đặc biệt, khi đã được UNESCO công nhận, tương tự như Chính sách của Nhà nước về Di sản văn hoá, quy định tại Điều 7 Dự thảo Luật Di sản văn hoá. Đồng bộ quy định giữa Dự thảo Luật Di sản văn hoá và Dự thảo Luật Địa chất, khoáng sản đối với trường hợp Công viên địa chất là sự kết hợp hài hoà, tích hợp giữa các yếu tố: Di sản địa chất, Di sản văn hoá phi vật thể, Di sản văn hoá vật thể, Di tích lịch sử - văn hoá, Danh lam thắng cảnh.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang 

Quan tâm tới quy định về chính sách của nhà nước về địa chất và khoáng sản, đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho biết: Khoản 4, Điều 4 quy định: Nhà nước dành một phần kinh phí từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để tăng cường cho công tác điều tra, đánh giá khoáng sản biển, khoáng sản ẩn sâu, thăm dò khoáng sản. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nội dung quy định như dự thảo luật là không phù hợp. Bởi vì, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là một trong những nguồn thu của ngân sách nhà nước, còn việc chi cho công tác điều tra, đánh giá khoáng sản biển, khoáng sản ẩn sâu, thăm dò khoáng sản sẽ được ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện theo lĩnh vực chuyên môn khác. Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét lại nội dung quy định tại khoản 4, Điều 4 đảm bảo phù hợp.

Ngoài ra, đại biểu tỉnh Hậu Giang cũng đề nghị, về quy định đăng ký hoạt động điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản, cần quy định cụ thể, rõ hơn “một số nội dung cơ bản có tính nguyên tắc về đăng ký hoạt động cũng như hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký” ngay trong dự thảo Luật, trên cơ sở đó Quốc hội  giao cho Chính phủ quy định chi tiết;…

Các vị đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận tại Tổ

Cũng tại phiên thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, nhiều ý kiến đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội.

Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, một số ý kiến đại biểu đề nghị: Làm rõ mối quan hệ tính thứ bậc giữa quy hoạch đô thị và nông thôn; phân loại rõ ràng giữa các loại và cấp độ quy hoạch để tránh chồng chéo, xây dựng một hệ thống phân loại quy hoạch thống nhất, chi tiết và minh bạch;…

Ngoài ra, có ý kiến đại biểu đề xuất: Bổ sung nội dung theo dõi, giám sát khi thực hiện quy hoạch vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật bởi đây là nội dung được người dân rất quan tâm, các loại quy hoạch cần được người dân theo dõi, giám sát việc thực hiện; Tăng cường phân cấp cho địa phương theo hướng: cho phép địa phương tự lập và điều chỉnh quy hoạch, nhưng cần có giám sát và hỗ trợ từ trung ương để đảm bảo tính nhất quán và hiệu quả;…

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận tại Tổ 13:

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 13

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự phiên thảo luận tại Tổ 13

Các vị đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tham dự phiên thảo luận

Đại biểu Trần Quốc Tỏ - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Các vị đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận tại Tổ

Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Đại biểu Lưu Văn Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Các vị đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận tại Tổ 13 về dự án Luật Địa chất và khoáng sản; và dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn./.

Lê Anh - Nghĩa Đức