THƯỜNG TRỰC ỦY BAN XÃ HỘI THẨM TRA CÁC NỘI DUNG VỀ CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG, ĐIỀU CHỈNH LƯƠNG HƯU, TRỢ CẤP BẢO HIỂM XÃ HỘI

23/06/2024

Chiều 23/6, tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Xã hội tổ chức phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng để thẩm tra Báo cáo số 329/BC-CP ngày 21/6/2024 về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.

THƯỜNG TRỰC ỦY BAN XÃ HỘI NGHE BÁO CÁO TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH

Toàn cảnh phiên họp

Tham dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách, một số thành viên Ủy ban Xã hội, đại diện Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về phía Chính phủ, các bộ, ngành có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng đại diện một số cơ quan hữu quan.

Trình bày báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sau nhiều lần họp Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương và Thường trực Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành liên quan; trên cơ sở Kết luận của Bộ Chính trị tại cuộc họp ngày 19/6/2024, Chính phủ đề xuất giải pháp thực hiện điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội theo quan điểm, nguyên tắc bám sát chủ trương của Đảng  tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 42-NQ/TW và quy định của pháp luật để thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, khả năng chi trả của ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày báo cáo

Việc điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội đồng thời cũng bảo đảm tương quan cân đối, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương và trợ cấp; giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát phân hóa xã hội, bảo đảm an sinh cho Nhân dân trong quá trình phát triển; những nội dung trong các Nghị quyết của Trung ương đã rõ, đủ điều kiện để thực hiện thì triển khai ngay; những vấn đề còn khó khăn, bất cập thì tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội, nhằm tạo được đồng thuận xã hội, tránh xáo trộn lớn, phức tạp tình hình, hướng đến cải thiện đời sống người hưởng lương và trợ cấp, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đối với khu vực doanh nghiệp, sẽ thực hiện đầy đủ theo đúng nội dung Nghị quyết số 27-NQ/TW gồm 2 nội dung: Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng (theo tháng và theo giờ) theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng 6% áp dụng từ ngày 01/7/2024); Quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 01/01/2025 để phù hợp với năm tài chính của doanh nghiệp). Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, sẽ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách tiền lương theo lộ trình, từng bước, hợp lý, thận trọng, khả thi. Cụ thể, thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công của Nghị quyết số 27-NQ/TW đã rõ, đủ điều kiện thực hiện, gồm: hoàn thiện chế độ nâng lương; bổ sung chế độ tiền thưởng từ ngày 01/7/2024 (quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản); quy định và hướng dẫn rõ 5 nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong phát biểu

Tại phiên họp, các đại biểu ghi nhận tinh thần nỗ lực, tích cực, khẩn trương của Chính phủ trong việc triển khai hoạt động, báo cáo cấp có thẩm quyền để thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW. Các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, sớm hoàn thiện các bảng lương, chế độ phụ cấp, chế độ nâng lương, chế độ tiền thưởng, nguồn lực thực hiện, cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập để cải cách chính sách tiền lương thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm xử lý các vướng mắc, bất cập cụ thể đã được đề cập trong báo cáo, đánh giá sâu hơn, toàn diện hơn nữa những hạn chế, bất cập cho sát với tình hình thực tế ở một số lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế. Cần có lộ trình thích hợp để thực hiện hiệu quả chính sách cải cách tiền lương đồng bộ và tương thích với việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, trợ cấp xã hội.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Quang cảnh phiên họp

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại phiên họp

Các đại biểu tại phiên họp

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày báo cáo về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy tham gia ý kiến tại phiên họp

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Trần Văn Lâm đóng góp ý kiến

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan tham gia phát biểu ý kiến

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà phát biểu

Ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu ý kiến

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu kết luận phiên họp./.

Hồ Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác