PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ HỘI THẢO GÓP Ý HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT ĐIỆN LỰC (SỬA ĐỔI)

05/08/2024

Chiều 5/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự Hội thảo góp ý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

THỐNG NHẤT VIỆC RÀ SOÁT LUẬT ĐIỆN LỰC VÀ LUẬT SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ

PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO ĐẢM BẢO AN NINH NĂNG LƯỢNG, GIẢM PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Tham dự và đồng chủ trì Hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Chủ tịch Liên hiệp hội các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cùng các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học…

Toàn cảnh Hội thảo

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 119 điều. Các Chương của Luật được sắp xếp, bố cục lại gồm: Chương I. Quy định chung bao gồm 07 điều (từ Điều 1 đến Điều 7). Chương II. Quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư dự án điện lực bao gồm 03 mục với 18 điều. Chương III. Phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới bao gồm 10 điều (từ Điều 26 đến Điều 35). Chương IV. Giấy phép hoạt động điện lực bao gồm 23 điều (từ Điều 26 đến Điều 48). Chương V. Hoạt động mua bán điện bao gồm 03 mục với 24 (từ Điều 49 đến Điều 76). Chương VI. Vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia bao gồm 13 điều (từ Điều 77 đến Điều 89). Chương VII. Bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện bao gồm 03 mục với 23 điều (từ Điều 90 đến Điều 112). Chương VIII. Trách nhiệm quản lý nhà nước về điện lực gồm 04 điều (từ Điều 113 đến Điều 116). Chương IX. Điều khoản thi hành gồm 03 điều (từ Điều 117 đến Điều 119).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ: Với mục đích thu thập thêm thông tin, ý kiến chuyên gia, các Bộ ngành hữu quan để phục vụ việc nghiên cứu, xây dựng Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận một số vấn đề liên quan như: Sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Điện lực; Sự phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng; Tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; Phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới; Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn và thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực; Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện…

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy 

Những ý kiến phát biểu, thảo luận, chia sẻ của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tại Hội thảo sẽ là nguồn thông tin, tư liệu quý đối với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trong việc xây dựng báo cáo thẩm tra sơ bộ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8 tới.

4 vấn đề trọng tâm tập trung thảo luận, đề xuất giải pháp

Tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi đề nghị các đại biểu, chuyên gia đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp vào các vấn đề trọng tâm:

Thứ nhất là sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện lực; cơ sở chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn.

Thứ hai là việc thể chế hóa, cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng của dự thảo Luật, nhất là đối với Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15 ngày 13/12/2023 về giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi

Thứ ba là tính hợp hiến, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, khả thi của các quy định tại dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, nhất là các Luật Đầu tư, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Hóa chất, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Quản lý nợ công, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo,...

Thứ tư là những vấn đề theo các nhóm chính sách lớn: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; Phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới; chuyển đổi năng lượng trong ngành điện lực theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu; Các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn và thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực; Hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; đặc biệt là nội dung về phát triển thị trường bán điện cạnh tranh và phân phối điện; Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; chất lượng cung cấp điện, an toàn sử dụng điện sau công tơ, an toàn đập, hồ  chứa thủy điện; Quản lý nhà nước về điện lực, trong đó có việc phân công, phân cấp quản lý.

Các đại biểu Quốc hội, đại diện các Bộ ngành và các chuyên gia tham dự Hội thảo

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về đổi mới cơ chế, chính sách nhằm xây dựng thị trường điện, năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường với các loại hình năng lượng; thúc đẩy đầu tư, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác; luật hoá việc điều hành giá điện… Quan tâm đến Điều 51, dự thảo luật đã xác định các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh gồm: Đơn vị phát điện, đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện, đơn vị bán buôn điện, bán lẻ điện, đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực, khách hàng sử dụng điện, có ý kiến đề nghị, để thị trường điện cạnh tranh hoạt động hiệu quả, minh bạch, hạn chế tình trạng độc quyền trong ngành điện, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên tham gia thị trường, dự thảo Luật cần có quy định về tính độc lập trong hoạt động của các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh, tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định để bảo vệ quyền lợi của người sử dụng điện.

Một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc hoạt động, biện pháp khẩn cấp điều hành thị trường trong trường hợp có những yếu tố bất lợi ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của thị trường như khi thiếu điện cục bộ hoặc thiếu điện trong toàn hệ thống điện quốc gia do yếu tố thiên tai, chiến tranh, các yếu tố biến đổi khí hậu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của nguồn điện; trong trường hợp nguồn phát điện, hệ thống truyền tải điện xảy ra sự cố, hư hỏng diện rộng không có khả năng khắc phục nhanh chóng, phải ngừng hoạt động để sửa chữa dài ngày dẫn đến thiếu hụt công suất, điện năng nghiêm trọng.

Khi xảy ra các vấn đề trên thì đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực và đơn vị quản lý vận hành hệ thống điện quốc gia phải có trách nhiệm dự báo sớm mức độ và thời gian ảnh hưởng để báo cáo Bộ Công Thương hoặc Chính phủ quyết định kích hoạt những biện pháp khẩn cấp để kịp thời ổn định thị trường điện lực cạnh tranh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định: Các ý kiến phát biểu đều rất xác đáng, đầy tâm huyết, trách nhiệm. Do vậy, đề nghị Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khẩn trương tổng hợp các ý kiến phát biểu để xây dựng Báo cáo thẩm tra sơ bộ trên tinh thần thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng. Đặc biệt là Nghị quyết 55 – NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; bảo đảm chất lượng của dự thảo Luật, tính khả thi của các quy định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phân tích, đánh giá kỹ những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Điện lực hiện hành, những vấn đề mới, đặc biệt phải kế thừa kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội… bảo đảm khi trình Quốc hội ban hành được một đạo luật tốt, chất lượng, khả thi.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Toàn cảnh Hội thảo góp ý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)

Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại Hội thảo

Tiến sĩ Trần Thanh Liễn, Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Ông Đặng Huy Đông – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển

Ông Chu Văn Tiến - Hội Điện lực Việt Nam 

Ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu quan điểm

Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân

Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài phát biểu, nêu bật tầm quan trọng của việc sửa đổi Luật Điện lực

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận tại Hội thảo./.

Bích Lan - Nghĩa Đức